Integrated News & Events

Communication

Học để hội nhập

03-07-2014

(TBKTSG) - Chiều nay 4-11-2010, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) chính thức công bố việc hợp tác với trường đại học hàng đầu của Mỹ UCLA để cùng xây dựng chương trình đào tạo dành cho lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, và chương trình đầu tiên sẽ tiến hành vào trung tuần tháng 11 năm nay.

Làn sóng thứ ba của hiện tượng “Doanh nhân đi học”

Trải qua những phen vất vả, phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài ngay tại thị trường trong nước, việc đào tạo, tái đào tạo được đặt lên vị trí hàng đầu trong các ưu tiên của doanh nghiệp. Sau nhiều chương trình đào tạo trong nước, sau những chuyến cử người đi dự hội nghị, hội thảo quốc tế như một cách tự nâng cao năng lực, thì bây giờ, chính các doanh nhân buộc lòng phải đăng ký để đi học một cách chính quy, bài bản từ những trung tâm kiến thức lớn nhất.

Đơn cử là trường hợp ông Thái Tuấn Chí của Dệt Thái Tuấn tắt luôn điện thoại hàng tuần lễ liền để tập trung cho lớp học tại Mỹ. Hay như ông Đỗ Tiến Sĩ của tập đoàn thép Pomina quyết định bỏ bớt việc để theo chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh thực hành kéo dài ròng rã gần hai năm trời với lịch học trải dài từ Singapore sang tới Mỹ

Theo như nghiên cứu GIBC, với nhu cầu “gỡ bỏ những quan niệm kinh doanh cũ để tiếp cận những quy tắc hành xử của nền kinh tế toàn cầu”, lãnh đạo doanh nghiệp và những người kế nhiệm trong tương lai đã quyết định phải đi học.

Đi học một cách chuyên nghiệp

Để thiết kế xong một chương trình đào tạo kéo dài tám buổi tại Đại học UCLA (Los Angeles) và bốn buổi tại Boston, Mỹ, GIBC đã mất sáu tháng. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, chia sẻ: “Rào cản đầu tiên chúng tôi hình dung các vị lãnh đạo doanh nghiệp sẽ gặp là ngôn ngữ và thời gian. Tiếng Anh chuyên ngành đòi hỏi người phiên dịch có nhiều kỹ năng, vừa dịch, vừa hiểu quản trị, lại vừa nắm được tình hình chung của doanh nghiệp. Hơn mười ngày tách khỏi công việc trong mùa cuối năm cũng là một trở ngại không nhỏ. Kinh phí tham dự cũng rất cao so với các chương trình trong nước. Rất may, hai chữ Việt Nam lại có một ưu tiên và thiện cảm nhất định đối với các giảng viên, chuyên viên quốc tế nên có nơi giảm phí, có người nhận lời giảng miễn phí. Ban tổ chức cũng xác định chương trình là phi lợi nhuận nên cuối cùng cũng hoàn thành nội dung tổ chức với sự hỗ trợ của nhóm phiên dịch từ Việt Nam sang và sự hỗ trợ của một vài nghiên cứu sinh tại Mỹ”.

Nhìn vào lịch làm việc của đoàn, nhiều người lắc đầu. Sẽ không có chuyện vừa đi học vừa du lịch, mua sắm. Sẽ thôi không còn việc vừa tham gia đào tạo nâng cao năng lực vừa điều hành công việc cụ thể của công ty. Gần 200 trang tài liệu đọc trước để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận, mấy chục giờ học chính thức, tham gia hội thảo, nhiều giờ làm việc nhóm mỗi ngày và một lịch bay dày kín. Học, hội thảo, giao lưu kết nối, và quay về nhà. Kinh doanh luôn là một cuộc chiến không có nghỉ ngơi, và học kinh doanh còn quan trọng hơn thế, đó là điều mà hơn 25 doanh nhân xác nhận khi nộp đơn tham dự chương trình.

“Điều làm chúng tôi ấm lòng là tình cảm của những chuyên gia hàng đầu thế giới dành cho Việt Nam. Tất cả mọi người đều đồng ý truyền thụ tri thức của mình cho doanh nghiệp Việt Nam mà không có bất kỳ đòi hỏi gì. Những bạn trẻ đang làm nghiên cứu sinh tại MIT, Harvard cũng đều tình nguyện làm tất cả những gì có thể với một niềm tin vì một sự hội nhập và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Trai đã chia sẻ như vậy ngay khi kết thúc những ngày làm việc cuối cùng tại Mỹ để chuẩn bị cho chương trình.

Chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cấp cao của đoàn doanh nhân Việt Nam tại Mỹ từ ngày 14 đến 25-11-2010:

  • Tám buổi học tại trường UCLA - Los Angeles xoay quanh các chủ đề: tư duy chiến lược, tiếp thị toàn cầu, nguồn vốn nhân sự, quản lý sáng tạo, chiến lược về trách nhiệm xã hội, quản trị sản xuất tiện lợi và tinh thần doanh nhân.
  • Hội thảo “Năng lực lãnh đạo trong thời kỳ hội nhập” tại Boston sẽ thảo luận về các đề tài: làm thế nào để doanh nghiệp tránh lâm vào nghịch cảnh; cách chống cự các mưu đồ mua bán sáp nhập doanh nghiệp; bốn năng lực lãnh đạo trong thời kỳ mới; bí quyết thành công của một công ty người Việt tại Mỹ; cách mà các nhà đầu tư Mỹ suy nghĩ khi tiếp cận việc xây dựng những dự án nhiều tỉ đô la.

KIÊN CHINH