Integrated Articles of GIBC Experts

Experts' perspective

Chiến lược vắc xin ngừa Covid-19: Nên cho phép các tổ chức lớn tham gia

22-02-2021
Other articles related to Mr. Pham Phu Ngoc Trai



Chất lượng, nguồn cung cấp, đối tượng được tiêm chủng và nguồn lực tài chính là bốn vấn đề cần được công khai, minh bạch để đảm bảo công bằng trong việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cần đảm bảo công bằng cho mọi người
Việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cần đảm bảo công bằng cho mọi người
 

Nhà nước quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng

Đầu tiên, chất lượng vắc xin nhất thiết phải do Nhà nước quản lý - theo nghĩa phải chịu trách nhiệm nếu có nguy cơ. Việc Bộ Y Tế khẩn cấp chấp thuận có điều kiện việc lưu hành vắc xin AstraZeneca của Anh theo quyết định 983/QĐ-BYT ban hành ngày 1.2 là một điểm nhấn của quyết tâm này. Các giải pháp vắc xin khác cũng vậy, Nhà nước nên đóng vai trò quản lý và kiểm soát.
Vấn đề thứ hai là nguồn cung cấp. Nhiều địa phương đã kiến nghị với Chính phủ để họ được tự lo liệu việc chuẩn bị sẵn sàng vắc xin cho người dân của mình mà không phải đợi chờ sự phân bổ theo hàng dọc, hàng ngang, vốn sẽ gặp phải nhiều rào cản về hành chính không cần thiết. Cụ thể, ngày 8.2, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BRVT) đã gửi văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Y Tế quan tâm hỗ trợ cho tỉnh được đăng ký mua 1,2 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 (loại tốt nhất đang sử dụng ở các nước) để tiêm ngừa cho toàn dân Bà Rịa-Vũng Tàu từ nguồn lực kinh phí của tỉnh và các huy động hợp pháp khác.
Cùng lúc, một số các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (FDI), các cá nhân… đã bày tỏ mong muốn đóng góp vào việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Việt Nam. Đơn cử là một số doanh nghiệp như Suntory PepsiCo, URC, LaVie, Nestle, Novaland, AA Corporation… sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của họ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Đây không phải chỉ là vấn đề xã hội, mà thật sự là cách ứng phó để bảo vệ sự phát triển của chính các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Với ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh, đây là một chiến lược kinh doanh nhằm thoát khỏi rủi ro có thể bị tụt hậu trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thế nên, nếu có chỗ nào cần linh động nhất trong cơ chế “xã hội hóa” thì đó chính là vắc xin. Cùng với Nhà nước, từng địa phương, từng tổ chức xã hội hoặc từng doanh nghiệp có thể tự đi tìm, thỏa thuận với nhà cung cấp dưới sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng, có thể là một giải pháp tốt cho việc đáp ứng nguồn cung vắc xin hiện nay. Ngoài ra, chúng ta đã nhận được cam kết tài trợ 4,8 - 8,2 triệu liều vắc xin của chương trình COVAX - một nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức khác nhằm đảm bảo mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19.
Vấn đề còn lại là tài chính. Đây chính là nỗi nhức nhối tạo ra bất bình đẳng và bất công trên thế giới. Những nước giàu được ưu tiên phân phối vắc xin trước. Gần đây Việt Nam chúng ta mới được đưa vào danh sách những quốc gia cuối bảng được mua vắc xin của các hãng lớn nhất thế giới.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn lòng trả chi phí chích ngừa vắc xin cho nhân viên của mình

Ngày cuối năm, tôi nhận được nhiều tin tích cực, như cách Chủ tịch đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ: “Nếu ĐH FPT tiêm vắc xin cho tất cả sinh viên - cán bộ giảng viên, thì dù tình hình Covid 19 thế nào vẫn có thể học on-campus bình thường. Tính ra chi phí cũng không quá lớn - sau Tết sẽ tính, cũng tính thêm vài ngàn liều cho lứa sinh viên nhập học mới...”. Một vài doanh nghiệp trong ngành bất động sản hoặc sản xuất cũng nhanh chóng gửi cam kết sẽ tài trợ 100% chi phí tiêm vắc xin cho cán bộ nhân viên của mình.
Thật sự, doanh nghiệp tư nhân đang rất nỗ lực tìm cách chủ động “phần việc” của mình như vậy. Lo cho mình, gia đình mình, doanh nghiệp mình cũng là bảo vệ cái chung cho toàn xã hội. Tôi tin rằng, trong số 90 triệu người dân mình, số lượng sẵn lòng chi trả cho vắc xin nếu có cơ chế chủ động và kế hoạch rõ ràng là rất lớn. Phần còn lại, những người chưa có điều kiện chi trả, thì Chính phủ và các tổ chức xã hội có thể chăm lo cho họ, nhưng gánh nặng sẽ vơi đi nhiều khi có sự chung tay của toàn xã hội, như cách mà toàn dân cùng chống dịch hiện nay.
Lưu ý rằng: Chống dịch có thể thành công tại một hộ gia đình, một khu phố, một địa phương, một quốc gia. Việt Nam chúng ta là một. Nhưng vắc xin không phải là câu chuyện của riêng quốc gia nào, càng không thể của một định chế nào riêng biệt. Vì vậy Chính phủ cần có một kế hoạch chi tiết, thậm chí là một nghị quyết, cho phép một số định chế lớn như trường học, công ty, tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, đoàn thể… có đủ nguồn lực và tín nhiệm đảm nhiệm việc tổ chức tiêm ngừa cho cộng đồng của mình (như ông Lê Trường Tùng đề nghị cho đại học FPT).
Nếu không có chiến lược vắc xin ngay từ bây giờ, thì từ quốc gia đang được đánh giá dẫn đầu trong phòng chống dịch Covid-19, chúng ta có nguy cơ trở nên tụt hậu khi sự phát triển của nền kinh tế đang bị đe dọa như hiện nay.
Mong Chính phủ nhanh chóng có hành động về chiến lược vắc xin như cách chúng ta đã khẩn trương chống dịch, để câu chuyện đẹp về kỳ tích Việt Nam hồi phục sau đại dịch một lần nữa được sáng lên trên bản đồ kinh doanh thế giới.
Phạm Phú Ngọc Trai
Nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/chien-luoc-vac-xin-ngua-covid-19-nen-cho-cac-to-chuc-lon-tham-gia-1340978.html?fbclid=IwAR2xksRwoACUWgvdPBC3wsXMY4oi38yzDdMB3xd2nVwfHBiZLp8EcKdtSSc