Tổng hợp tin tức và sự kiện GIBC

Truyền thông

IBA Mekong 2016: Doanh nghiệp Việt vẫn nhầm lẫn ‘từ thiện’ với ‘trách nhiệm xã hội’

23-08-2016

“Doanh nghiệp Việt Nam thường nhầm lẫn giữa làm từ thiện (charity) và trách nhiệm xã hội (CSR- Corporate Social Responsibility).

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện ở chỗ giá trị mà doanh nghiệp đem tới cho cộng đồng chứ không chỉ đơn thuần là làm từ thiện (cho học bổng, trao nhà tình thương…).

Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, kết quả tài chính doanh nghiệp tỷ lệ thuận với thành tựu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó.

Bà Dana Doan, Sáng lập viên và Cố vấn chiến lược của Lin Group chia sẻ tại buổi học trong khuôn khổ chương trình Quản trị kinh doanh thời hội nhập do LBC, GIBC tổ chức riêng cho Mạng lưới liên kết ABCD Mekong tại Cần Thơ ngày 14/8.

Theo bà Dana Doan, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phương pháp tiến hành tự nguyện có tầm nhìn về phát triển bền vững, kết hợp xã hội và khả năng cạnh tranh. Khái niệm này bao gồm những tác động liên quan đến kinh tế, xã hội, pháp lý, đạo đức và môi trường.

Ong Ho Trong Khai, GD CN Pepsico tai CT giao luu cung dien gia

Ông Hồ Trọng Khải, Giám đốc CN Pepsico tại Cần Thơ giao lưu cùng diễn giả. Ảnh: Ngọc Bích.

Nghiên cứu mới đây của Ethical Corporation (Anh), có 90% doanh nghiệp ở châu Á trả lời CSR ngày càng trở nên quan trọng trong việc kinh doanh của doanh nghiệp, con số này tại châu Âu là 85%, Bắc Mỹ là 88%.

Trong khảo sát này, số nhân viên thế hệ 8X có xu hướng thích làm việc ở các công ty có làm chương trình cộng đồng, có tổ chức nhiều chuyến đi làm công tác xã hội hơn.

“Điều kỳ lạ là càng làm nhiều chương trình cộng đồng thì hiệu quả công việc như doanh số, khả năng phát triển bản thân của các nhân viên này lại hơn hẳn các nhân viên khác. Chứ không như chúng ta hay nghĩ, làm cộng đồng thì giảm số tiền đem về cho công ty”, bà Dana Doan nói.

Kết quả khảo sát của Neilsen năm 2014, khi được hỏi về lựa chọn giữa công ty có làm trách nhiệm xã hội và không thì toàn cầu có 55% người được khảo sát lựa chọn công ty có làm trách nhiệm xã hội, trong khi Việt Nam con số này tới 73%, cao hơn Thái Lan (71%), Indonesia (65%), Malaysia (57%) và Singapore (48%).

Anh Phan Ngọc Tuấn, PGĐ công ty Kim Xuân đặt câu hỏi: Có doanh nghiệp “làm xã hội”, nhưng mục đích là để tăng doanh số, nếu có tặng quà, làm từ thiện thì đối tượng hưởng lợi là khách hàng của họ. Vậy làm sao phân biệt được đâu là mục đích thật sự vì cộng đồng?

“Tôi luôn động viên doanh nghiệp không nên báo cáo về số lượng các cuộc từ thiện, số hộ gia đình hưởng lợi hay số tiền họ chi ra mà cần nghĩ tới các tác động, giá trị mà họ mang lại cho cộng đồng đó. Khi doanh nghiệp thấy rằng phát triển cộng đồng sẽ giúp phát triển nhân viên, đem lại lợi ích cho công ty, thay đổi tư duy, tạo ý tưởng mới thì CSR mới dễ thành công hơn”, bà Dana Doan giải thích.

"Theo bà Dana Doan, để hiện thực hóa CSR cần 7 bước: 1/Xác định nhu cầu của cộng đồng (nhu cầu cơ bản, an toàn, xã hội; tôn trọng, thể hiện cá nhân,…); 2/Tìm người đồng hành, đối tác; 3/Chiến lược (ai đã làm điều này trước đó, rút kinh nghiệm, mình cần bổ sung thêm gì); 4/Nguồn lực (tiền bạc và con người thực hiện); 5/Hành động; 6/ Đánh giá; 7/Phát triển, cải tiến, tạo sức lan tỏa."

Ngọc Bích
Theo BSA.org.vn