Tổng hợp tin tức và sự kiện GIBC

Truyền thông

Chuyên gia Phạm Phú Ngọc Trai: Công bằng cho thế hệ sau

22-01-2020

(Thegioihoinhap) - Mỗi quốc gia hay doanh nghiệp đều cần tư duy hai vấn đề lớn: một là hoà nhập toàn cầu hoá, hai là bảo vệ quốc gia/doanh nghiệp của mình. Từ nhìn nhận đó, các doanh nghiệp sẽ có những thay đổi cụ thể, hoạch định chiến lược làm gì để có thể phát triển bền vững.

Chuyên gia kinh tế Phạm Phú Ngọc Trai.

 

Khái niệm bền vững xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, khi chúng ta tham gia vào Công ước khung Liên hiệp quốc (LHQ) về Biến đổi khí hậu năm 1992.

Trong bảng xếp hạng toàn cầu các mục tiêu bền vững với hơn 160 nước tham gia, Việt Nam đứng thứ 54 với những khó khăn và thách thức mà chúng ta phải đối đầu, đó chính là môi trường và biến đổi khí hậu: mỗi năm chúng ta đều cập nhật để thấy mình đang ở đâu trong khoảng này. Chính phủ hiện thời cũng thấy tất cả những vấn đề đó. Năm 1987, trong báo cáo Brundtland về phát triển bền vững có đoạn: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hôm nay mà không làm tổn hại đến khả năng tự đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai”. Trước đây, những lợi ích về kinh tế, môi trường phát triển thì các nước lớn có trách nhiệm với các nước đang khó khăn. Mặt khác, LHQ thống nhất với nhau hỗ trợ cho những quốc gia, cộng đồng khác đang phát triển.

Để thấy vai trò của nhà nước quan trọng nhất, vì có liên quan đến chính sách, quy hoạch. Nếu chúng ta muốn hội nhập sâu rộng, phải thay đổi và đưa ra mục tiêu phát triển lâu dài được hợp pháp, hợp lệ và có giá trị, thì mới được gọi là phát triển bền vững.

 

Câu chuyện rác thải

Nói đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đầu tiên chúng ta phải nhắc tới rác thải và xử lý rác thải.

Hiện tại, Việt Nam vẫn nhập rác thải trong khi cả nước đã có 660 bãi chôn rác thải sinh hoạt. Chúng ta đứng thứ tư châu Á về rác thải nhựa ra đại dương. Tổng lượng rác thải sinh hoạt ở các đô thị tăng 10 – 16%/năm, chiếm 60 – 70% tổng rác thải cả nước.

Chúng ta mới đưa ra chiến lược hạn chế rác thải, nhưng thay thế thì chưa. Vậy làm thế nào để biến rác thải nhựa thành cái có giá trị trở lại. Đến năm 2025 mới cấm rác thải nhựa. Tuy vậy, chưa có một khu nào xử lý rác thải cho rốt ráo. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam khó có thể cải thiện khi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch dựng 40 dự án nhiệt điện đến năm 2030. Tôi có cảm giác, chúng ta không công bằng với thế hệ tương lai.

Con số thông kê tại Việt Nam năm 2017 cho thấy, có khoảng 9.000 ca tử vong và 200.000 ca mắc ung thư mỗi năm, có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước. Có khoảng 2.000 con sông đang chết dần do ô nhiễm, 21% dân cư sống trong môi trường nước bị ô nhiễm. (Nguồn: IEVN, Thời báo Tài chính Việt Nam, EVN annual report 2017)

Ngày nay, phát triển bền vững là mục tiêu bắt buộc trong kinh doanh. Vì vậy, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp góp ý để cùng nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ. Mới đây, anh Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT, gọi hỏi tôi: “Anh ơi, làm sao lấy được các chai lọ, bịch nhựa ở học sinh để đưa về nhà máy?”. Nhiều bạn bè cũng hỏi tôi: “Thấy tổ dân phố phát thông báo xử lý phân loại rác thải, nhưng người ta phân loại rồi đem ra nơi để rác quy định, thì thấy người đi lấy rác đổ hết vào bao chung. Rồi rác thải nhựa thì không biết chỗ nào để đem tới cho người ta thu gom đưa về nhà máy xử lý. Có tái chế thì mới có cách chống ô nhiễm”.

Hiện tại Việt Nam vẫn là nước nhập rác thải.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hài hoà ba trụ cột cho phát triển bền vững

Tôi cho rằng, thời điểm này là thích hợp nhất để các công ty tái cấu trúc theo mô hình phát triển bền vững sao cho hài hoà ba trụ cột: Tăng trưởng kinh tế – Bảo vệ môi trường – Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Nền tảng thực thi (framework): chúng ta phải tính tới lợi nhuận, chi phí, tăng trưởng, nghiên cứu phát triển… cho việc kinh doanh, nhưng khi đụng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên chúng ta cần phải cân nhắc: muốn phát triển bền vững thì chúng ta tập trung cái nào?

Mặt khác, tôi nghĩ, framework trong kinh doanh chính là trách nhiệm xã hội, mọi người đừng nghĩ đó không liên quan đến kinh tế. Bài toán của chúng ta là làm sao giải quyết lợi ích kinh tế mà vẫn làm tốt trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp làm cho sản phẩm tốt hơn, giá thành tốt hơn, thì cũng góp phần vào ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, các doanh nhân nên tư duy trong kế hoạch phát triển chiến lược, sẽ có bao nhiêu sản phẩm, và sắp tới đây có thể thay thế những sản phẩm nào ảnh hưởng tới môi trường và sức khoẻ của cộng đồng hay không?

Bởi hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư vào sản phẩm gì, khách hàng không chỉ cân nhắc về giá cả, mà còn xem xét đến việc chúng ta đối xử với môi trường thế nào. Vì vậy, nếu chúng ta chọn được một giá trị chung, thì cũng đảm bảo được sự bền vững.

Mặt khác, việc ban hành chính sách cũng cần có sự cam kết từ doanh nghiệp với nhà nước: sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận phải có trách nhiệm với môi trường. Không chỉ có doanh nghiệp, mà người tiêu dùng cũng có trách nhiệm với môi trường trong vai trò giám sát. Tôi được biết, năm 2020 sẽ có luật về môi trường.

Kinh tế tuần hoàn – giải pháp cho nông nghiệp bền vững

Có lần tôi giữ vai trò trong một hội đồng về khởi nghiệp, tuy nhấn mạnh về nền kinh tế sáng tạo (Innovation) nhưng đồng thời tôi cũng giới thiệu đến một mô hình chăn nuôi khá thành công ở miền Tây, đó là COAM (Mô hình kinh tế tuần hoàn trong trang trại chăn nuôi, ở đó chất thải vật nuôi được sử dụng ngược lại cho trồng trọt, nguyên liệu trồng trọt làm thức ăn vật nuôi).

Như tôi đã nói, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ gánh những gì chúng ta đối xử với môi trường. Vì vậy, tôi rất mừng tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn, như Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), một số công ty dùng COAM làm lợi thế cạnh tranh, nhưng họ không công bố, như công ty Heineken…

Riêng đồng bằng sông Cửu Long, nên phát triển bền vững từ thực tế đã trải nghiệm theo mô hình Kinh tế tuần hoàn, tích hợp và gắn kết (chuỗi).

Chúng ta luôn có sự chọn lựa để tạo ra những giá trị chung, từ đó giúp cho việc kinh doanh thành công và bền vững.

Mấy năm gần đây đời sống kinh doanh ở Việt Nam, một vấn đề rất được quan tâm là phát triển bền vững nổi lên chương trình xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững theo 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc cho giai đoạn 2015 – 2030. Mới đây, chúng ta còn nghe đến mô hình “Nền kinh tế tuần hoàn” như chìa khoá đạt đến giá trị phát triển bền vững. Năm ngoái, một nền tảng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã ra mắt tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 với hơn 50 lãnh đạo chính phủ đã chủ trì một hội nghị chủ đề: Nền kinh tế tuần hoàn – Tương lai do chính chúng ta kiến tạo. Đó là thời khắc quan trọng đánh dấu một hành trình mới cứu hành tinh này khỏi cảnh cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, sản xuất và tiêu dùng thiếu trách nhiệm. Đó cũng là thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nhân Việt khi đặt ra mục tiêu lợi nhuận gắn với trách nhiệm xã hội và môi trường mà TGHN đề cập trong ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020.

Ngân Hà