Tổng hợp tin tức và sự kiện GIBC

Truyền thông

Chuẩn bị hành trang cho hội nhập

29-01-2015

“Dò đá qua sông”, đó là cách mà ông Lê Minh Hoan, bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nói về việc doanh nghiệp đang phải thay đổi để hội nhập. Phát biểu tại hội thảo kết nối giữa Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và bốn tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày 21-1 vừa qua, ông Hoan tin rằng chỉ có ngồi lại, liên kết lại thì mới có thể thành công trong thời điểm hiện nay.
Một thị trường thay đổi quá nhanh

Quả thật, những dịch chuyển quá nhanh trên thương trường trong thời gian gần đây trong chừng mực khiến cho nhiều doanh nghiệp hoang mang: sự tham gia ngày càng lớn của các công ty nước ngoài thông qua đầu tư hoặc mua lại hàng loạt những nhà phân phối lớn tại Việt Nam, việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các FTA đã ký kết và đang tiến hành ký kết với các nền kinh tế khác… đang ngày một gần hơn, sự ráo riết chuẩn bị của người Thái thông qua việc triển khai hàng loạt hội chợ triển lãm, hàng loạt các điểm bán hàng Thái Lan… Nhiều lo âu đã xuất hiện: Năng lực cạnh tranh của chúng ta là gì?

 

DN_Tin 290115_Chuan-bi-hanh-trang

GIBC và Khoa Thương mại, Du lịch, Marketing của Trường ĐH Kinh tế, TP.HCM chính thức ký kết phát triển chương trình IBA vào ngày 21-11-2014

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Tôi cảm nhận được những lo lắng hết sức lớn của doanh nghiệp trước thời điểm hội nhập, sự cạnh tranh rất mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Kỹ năng quản trị sự thay đổi cũng như việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh với tình hình hội nhập hiện nay đang là hai việc quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp phải đầu tư”. Ông Herb Cochran, giám đốc điều hành phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam Amcham thì cho rằng: “Doanh nghiệp Việt cần phải tăng tốc trong việc chuẩn bị nội lực và năng lực cạnh tranh của mình để bắt kịp tiến độ hội nhập, chẳng hạn những quy chuẩn hàng hóa quốc tế, những nguyên tắc thương mại đa phương…”.  Đứng trước vận hội lớn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước chuẩn bị hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng nhanh với sự thay đổi và sẵn sàng tận dụng các cơ hội khi hội nhập.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty tư vấn nhân sự L&A nói trong cuộc gặp cuối năm của LBC: “Nhìn xa một chút là thấy bớt lạc quan, nhân sự các nước sẽ tràn vào, kỹ năng của họ tốt hơn, đãi ngộ của họ cao hơn, những dịch chuyển này mà không nắm bắt kịp thì chúng ta sẽ bị chậm chuyến tàu hội nhập…”.

Quản trị hội nhập

Sáu năm trước, ông Phạm Phú Ngọc Trai tự nhận trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp khi mở ra Công ty tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC “Chúng tôi kết nối những chuyên gia, những hiểu biết tốt nhất để gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững”. Sáu năm sau, ông Trai, hiện là chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC, quyết định thực hiện chuỗi hội thảo thường niên miễn phí cho doanh nghiệp trong nước với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam – Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới”. Chương trình đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 5-2 tại TP.Hồ Chí Minh như một nỗ lực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nhận biết rõ hơn về hiện trạng nền kinh tế, cũng như cơ chế của các hiệp định thương mại quốc tế, từ đó đánh giá được các năng lực cần thiết trong việc thích nghi với giai đoạn hội nhập hiện nay.

Ông Trai cho biết, nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm đã nhận lời tham dự hội thảo này để chia sẻ những góc nhìn từ bối cảnh vĩ mô, những tác động của khu vực cũng như những hiện thực kinh nghiệm trong đời sống doanh nghiệp. “Khi mà sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng và doanh nghiệp luôn phải đối mặt các rủi ro do năng lực quản trị còn yếu kém thì tái cấu trúc là một hoạt động bức thiết gây áp lực mạnh mẽ mà doanh nghiệp phải đối mặt và thực hiện trong giai đoạn hội nhập mới này, nhằm mục tiêu tạo cơ hội giúp doanh nghiệp thay đổi và phát triển trường tồn”, ông khẳng định.

Song song với hội thảo, ngày 31-1, GIBC cũng đã kết hợp với trường Đại học Kinh tế TP.HCM khai giảng chương trình đào tạo chuyên sâu IBA (Integrated Business Administration) – “Quản trị kinh doanh hội nhập” kéo dài ba tháng để tiếp thêm hành trang cho các doanh nghiệp đi xa. Đây là dịp để doanh nghiệp trang bị thêm hành trang cho việc hội nhập của mình bao gồm những hiểu biết về kinh tế vĩ mô và hội nhập, kỹ năng quản trị kinh doanh toàn cầu và các phần mềm nâng cao năng lực lãnh đạo doanh nghiệp để có thể tái xây dựng một chiến lược kinh doanh bền vững.

Năm nội dung cần thiết cho hội nhập

Chuỗi nội dung được trình bày và thảo luận tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam – Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5-2-2015:

Hiện trạng kinh tế vĩ mô – Ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam.

Thuận lợi thương mại và các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế – Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AMCHAM Việt Nam.

Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam – Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế.

Quản trị sự thay đổi trong quá trình hội nhập – Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Giải pháp Phát triển tổ chức – Công ty BCC.

Tái cơ cấu doanh nghiệp trong quá trình hội nhập – Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC.

Sơ nét về chương trình IBA

IBA là chương trình đào tạo dành cho cấp lãnh đạo, cấp quản lý trung và cao. Được xây dựng và phát triển bởi GIBC và khoa Thương mại, Du lịch, Marketing của Trường Đại học Kinh tế, TP.HCM. IBA hướng đến việc nâng cao năng lực của nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập. Chương trình quy tụ nhiều giảng viên uy tín, nhiều năm kinh nghiệm của các trường đại học và các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các lãnh đạo hiện đang giữ vị trí cao cấp tại các tập đoàn đa quốc gia. Khoá 1 của IBA gồm có 35 học viên đến từ gần 20 công ty, hoạt động trong nhiều ngành khác nhau: bất động sản, xuất nhập khẩu, thực phẩm chức năng, du lịch, hàng tiêu dùng nhanh, nông nghiệp…