Tổng hợp tin tức và sự kiện GIBC

Truyền thông

"Doanh nghiệp Việt Nam phải ủng hộ, bảo vệ, sát cánh cùng nhau"

09-02-2015

“Chúng ta cần bảo vệ các doanh nghiệp, kể  cả nhỏ và vừa...Hơn lúc nào hết doanh nghiệp Việt Nam phải ủng hộ, bảo vệ, sát cánh cùng nhau, chia sẻ nhau. Đừng trong cuộc họp hiệp hội đồng ý giá sàn thế này nhưng ra khỏi cuộc họp lại rút điện thoại phá giá lẫn nhau. Đừng làm hàng giả, hàng nhái, gây khó cho nhau...”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam- Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới”, diễn ra chiều nay tại TP.HCM

“Doanh nghiệp Việt Nam phải ủng hộ, bảo vệ, sát cánh cùng nhau”

Tăng trưởng GDP, Xuất khẩu và FDI đăng ký của Việt Nam. Nguồn: GIBC

Tái cấu trúc từ vĩ mô đến vi mô

Mở đầu hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, đồng thời chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) chia sẻ: “ Đứng trước vận hội lớn, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị hợp  lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng nhanh với sự thay đổi và sẵn sàng tận dụng cơ hội khi hội nhập. Ngoài việc nắm bắt và hiểu biết sâu sắc về kinh tế vĩ mô cũng như cơ chế hoạt động của các hiệp định thương mại quốc tế đang đàm phán và đã được ký kết, doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này cần làm tốt công tác quản trị sự thay đổi để tái cấu trúc doanh nghiệp thành công, đưa doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững”

Ông Trai cho rằng tái cấu trúc không phải là một động từ hoa mỹ, nó phải được thực hiện xuyên suốt từ vĩ mô đến vi mô, từ Nhà nước đến doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn đến cả xe bán bánh mì, cà phê, nước mía...,

“Gần 30 năm đổi mới, Nhà nước đã không ngừng tái cấu trúc để theo kịp với quy luật của kinh tế thị trường, gần đây nhất là tái cấu trúc đầu tư công, ngân hàng, tài chính. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi để phát triển. Tái cấu trúc không phải là thay đổi hoàn toàn, mà phát huy những gì đang tốt và thay đổi những gì còn trì trệ.

Nhiều người nghĩ tái cấu trúc chỉ diễn ra trong các doanh nghiệp đã có quy mô nhất định, nhưng khi những đầu tàu lớn tốt lên sẽ kéo theo những doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển. Nền kinh tế gắn với nhau sẽ thay đổi tốt hơn, từ tiệm rửa xe, bán cà phê, bánh mì cũng phải thay đổi, dịch vụ tốt hơn, sản phẩm tốt hơn.

Như Lan cách đây mười mấy năm khác hẳn bây giờ. Khi KFC vào, bánh mì Hội An vẫn bán được, điều đó chứng tỏ tái cấu trúc không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn, mà cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Mọi cái đều phải thay đổi, ngoại trừ gia đình bạn.

Chúng ta đừng chỉ ngồi đó trách chính phủ chính sách không tạo phát triển, chính chúng ta cũng đã bỏ qua rất nhiều cơ hội. Theo nghiên cứu của Mỹ, cứ 100 doanh nghiệp khởi nghiệp sau 5 năm chỉ có khoảng 30% thành công, còn 70% thất bại hoặc phá sản. 70% thất bại đó là do không quản trị được sự thay đổi, không tái cấu trúc doanh nghiệp” – ông Trai nói.

Nhìn nhận về năng lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội với khối FDI, chủ tịch GIBC phân tích: “Tham gia một số công ty đa quốc gia, tôi thấy  người ta tính trước rất xa về nguồn nguyên liệu, hiệu quả tính toán cho chiến lược 10 năm, 20 năm, làm cho giá thành của ta rất khó cạnh tranh. Về nông nghiệp cũng vậy, mỗi ngày chúng ta lại “teo” đi một chút thì giá thành sẽ bị đội về chi phí. Những công ty đa quốc gia đã chuẩn bị trước một bước để có hiệu quả cao trong thị trường, chúng ta phải nhìn nhận đe dọa đó để chuẩn bị”

Đề cập đến các bước của tái cấu trúc, ông Trai cho biết: “Tái cấu trúc trước tiên là phải xác nhận được chúng ta đang ở đâu? Thị trường thế nào, chính sách ra sao? Sự tác động kinh tế vĩ mô bằng những thông số cụ thể từng ngành.

Giai đoạn khám bệnh, kiểm tra sức khỏe cũng đơn giản thôi, làm sao hiểu được tác động của vĩ mô vào cơ thể doanh nghiệp, đó là chiến lược không thể thiếu bất cứ công ty nào

Giai đoạn thứ hai, người lãnh đạo phải biết rõ tầm nhìn, mục tiêu, đường đi của mình. Về môi trường làm việc, phải chuyển qua chuyên nghiệp để không phụ thuộc vào ông chủ mà hoạt động theo hệ thống.

Về tổ chức, nếu không biết chiến lược kinh doanh mà xây dựng chiến lược nhân sự chắc chắn không thể đảm bảo. Tái cấu trúc liên quan đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả của tổ chức.

Doanh nghiệp phải coi đó là yếu tố bức thiết để bảo đảm sự tồn tại, nâng cao sức mạnh cạnh tranh,phát trển bền vững. Có chiến lược mà không có năng lực tốt để triển khai chiến lược thành công thì cũng không thể”

Ông  Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc công ty tư vấn và dịch vụ phát triển nguồn nhân lực BCC cũng cho rằng câu chuyện thay đổi không còn là xa xỉ nữa, mà là điều sống còn với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đức đưa ra 8 lý do phổ biến nhất khiến cho tái cấu trúc thất bại: “ Thứ nhất là cho phép quá nhiều sự thư giãn cho quá trình thay đổi; Hai là thất bại vì không phối hợp được với người xung quanh trong triển khai quá trình thay đổi; Ba là không nhắm được tầm xa, nước đến chân mới nhảy; Bốn là truyền thông chưa hiệu quả, vì thay đổi phải xuất phát từ mỗi cá nhân; Năm là cho phép không dứt khoát với nhiều lực cản trong thay đổi; Sáu là người trong cuộc không kiên nhẫn với sự thay đổi; Bảy là tưởng mình đã thắng, thành công quá sớm; Tám là không tạo điều kiện cho sự thay đổi trở thành cốt cách của một doanh nghiệp”

Từ đó, ông Đức gợi ý 8 bước để tái cấu trúc thành công: “ Tăng ý thức cấp bách thay đổi của mọi người trong công ty, không “đau” thì không thay đổi; Thành lập đội ngũ dẫn đường; Xây dựng tầm nhìn đúng đắn; Truyền thôngn liên tục nội bộ; Trao quyền để hành động để mọi người đều làm chủ; Tạo những thành công nóng, ngắn hạn để tạo cú hích liên tục trong thay đổi; Tái cấu trúc không ngừng nghỉ, liên tục; Đưa thay đổi vào thành phong cách”

Từ phía doanh nghiệp Mỹ, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham Việt Nam cũng đưa ra những ý kiến về những thuận lợi thương mại trong các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế mà doanh nghiệp bắt buộc phải quan tâm.

“ Doanh nghiệp Việt phải ủng hộ, bảo vệ, sát cánh cùng nhau”

Không khí buổi hội thảo sôi nổi hẳn lên trong phần tọa đàm, khi nghe chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tâm sự: “ Nhạc sĩ Phú Quang khi nào buồn thường trở về Hà Nội, tôi thì ngược lại, khi nào cảm thấy rời rã lại vào Nam. Nhiều người cho rằng tôi hơi bi quan. Tôi tin thách thức nhiều nhưng chúng ta có thể vượt qua,  đương nhiên phải nhìn thẳng vào sức cạnh tranh để vượt lên.

Về phía doanh nghiệp, số đông đang bị “li ti hóa”, nhưng vẫn còn những người làm ăn chân chính vượt lên đàng hoàng, nhất là ở phía Nam, như anh Cô Gia Thọ, công ty Thiên Long, anh Trần Chiến, công ty An Phước... họ chính là những người thành công bằng sức mình. Câu lạc bộ LBC không dựa dẫm vào chính phủ, không chờ ai mà tự mình tạo ra năng lực.

Tối nay gặp tôi còn được gặp các doanh nghiệp ở CLB doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao... Nhiều doanh nghiệp bán đi, nhưng bán đi có thể để cho bước phát triển mới. Tôi vẫn tin người Việt Nam đứng trước thách thức lớn lại có sức mạnh vượt lên. Điều đó cho tôi niềm tin để tiếp tục làm việc”

Nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô, mảng sáng rõ nhất là nỗ lực giảm thiếu số giờ làm việc với hải quan. Bà Phạm Chi Lan cho biết: “ Đích thân Thủ tướng về tận Tổng cục hải quan để tác động trực tiếp vào việc giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng đã được đưa vào nghị quyết số 1 của chính phủ. Cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực tư nhân trong nước đã được ghi rõ vào nghị quyết. Nhà nước quyết liệt như thế, nhưng nếu cộng đồng doanh nghiệp không tạo sức ép từ các cấp khác nhau, cơ quan công quyền sẽ không tự giác làm đâu”.

Trả lời cho câu hỏi của một doanh nhân về bài viết đăng trên Bizlive: “ Doanh nghiệp Việt Nam đang mất dần sức chiến đấu, vậy làm thế nào để lấy lại sức chiến đấu?”, ông Trai thổ lộ:

“ Tôi không bài xích FDI, mà chỉ phân tích một thực tế vì sao nhiều doanh nhân không tiếp tục đầu tư nữa hoặc ra đi? Có hiện tượng qua khủng hoảng, biến cố, dần dần một số doanh nghiệp mất sức chiến đấu. Những thương hiệu lớn bán cho nước ngoài do năng lực cạnh tranh kém đi, thế hệ F1 chuyển giao không được nên rút ra. Những con sóng lớn bao giờ cũng kéo theo đe dọa lớn. Có thể người ta tính phương án khác trong kinh doanh? Chờ đợi viễn cảnh kinh tế 2015, với thị trường 90 triệu dân, chúng ta chưa có một Samsung, Toyota, Alibaba... dù kinh tế tư nhân phát triển rất mạnh.

Làm thế nào chủ trương tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển của Nhà nước không chỉ hứa suông? Phải mạnh dạn bảo vệ những đầu tàu như Coop Mart, Masan, để bảo đảm nền kinh tế tư nhân có những đối trọng mà chúng ta đã từng có, và đã để mất”,

Bà Phạm Chi Lan bổ sung thêm: “ Chúng ta cần bảo vệ các doanh nghiệp kể  cả nhỏ và vừa, nếu không vừa và nhỏ thì làm sao có lớn được. Rất cần thái độ chung của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp Việt phải ủng hộ, bảo vệ, sát cánh cùng nhau, chia sẻ nhau. Đừng trong cuộc họp hiệp hội đồng ý giá sàn thế này nhưng ra khỏi cuộc họp lại rút điện thoại phá giá lẫn nhau. Đừng làm hàng giả, hàng nhái, gây khó cho nhau mới cùng phát triển đi lên”

Ông Phạm Phú ngọc Trai kết thúc hội thảo với những lời tâm huyết: “ Mong đợi của chúng tôi trong hội thảo này là đưa ra những hiện trạng và nhìn nhận nó thông qua cái nhìn của chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nhân, để giúp doanh nghiệp nâng dần sự hiểu biết.

Nước tới chân rồi, đang ở biển lớn rồi, mỗi doanh nhân hãy tự đặt ra sứ mạng chia sẻ kinh nghiệm thành công cho những doanh nghiệp khác là cách tích cực nhất để chủ động trong hội nhập.

Tôi thật sự cảm kích đến giờ này vẫn còn một số CEO ngồi đây. Còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thấy được việc nâng cao tri thức người lao động thông qua nâng cao năng lực quản lý cấp trung. Chi phí này nhỏ hơn tất cả mọi chi phí nhưng phải đầu tư, đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phải tạo ra giải pháp xã hội cho người lao động, để nâng cao năng suất lao động cho toàn xã hội”