Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Sóng ngầm săn tài sản rẻ tại Việt Nam

08-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Huỳnh Phước Nghĩa



(VNEpress - Ngày 14/05/2013)

Trong khi các nhà đầu tư nội loay hoay dò đáy thị trường địa ốc thì khối ngoại lại âm thầm săn tài sản giá rẻ. Đầu quý II/2013, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Việt và KRDF03 (Hàn Quốc), Sang Hun Oh tiết lộ vớiVnExpress.net: "Chúng tôi khảo sát nhiều tòa nhà tại TP HCM và lên kế hoạch tìm cao ốc đã hoàn thiện để mua lại".

Theo ông Sang Hun Oh, KRDF03 sẽ xem xét, cân nhắc tính ổn định của các suất đầu tư để cân nhắc mua lại văn phòng cho thuê hạng A. Sở dĩ đơn vị này chỉ chọn những cao ốc đã hoàn thiện nhằm cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian đầu tư.

g

Xuất hiện sóng ngầm săn tài sản giá rẻ tại Việt Nam. Ảnh: Vũ Lê

Cuối tháng 4, một công ty tổ chức sự kiện tại Việt Nam bật mí ngày 7/7, đại gia bất động sản Đức và là nhà đầu tư mạo hiểm lừng danh thế giới, ôngThomas Kramer sẽ đến Việt Nam và nán lại 6 ngày để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo đơn vị này, ông Thomas Kramer ngỏ ý tìm kiếm những chủ sở hữu có thể chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sạch. Nhà đầu tư nước ngoài này cho hay muốn xây dựng các khu phức hợp khách sạn - chung cư cao cấp xanh và bền vững.

Trong khi đó, một đơn vị tư vấn bất động sản tại TP HCM đang tiếp cận với hai nhóm nhà đầu tư Nhật và Hong Kong sàng lọc tài sản giá rẻ ở trung tâm Sài Gòn. Mục tiêu của các nhà đầu tư châu Á này là tìm kiếm những cao ốc có thể đưa vào hoạt động ngay để chuẩn bị cho kế hoạch tiếp cận thị trường Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng. Tuy nhiên, đại diện đơn vị tư vấn bộc bạch, quá trình khảo sát và đàm phán kéo dài khá lâu vì khối ngoại vẫn kỳ kèo ngã giá thấp. Bởi lẽ theo hai nhóm nhà đầu tư này tài sản vẫn còn bị định giá cao hơn so với bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản Việt Nam.

Cuối quý I/2013, Thành viên Tổ chức giám định bất động sản Hoàng Gia Anh (FRICS), John Sheehan đến TP HCM và dự báo chỉ cần Việt Nam điều chỉnh cơ sở pháp lý để giải quyết nợ xấu, vốn ngoại sẽ lập tức đổ vào thị trường này.

Xem thêm'Việt Nam định giá tài sản nợ xấu quá cao'

Tuy nhiên, theo ông John Sheehan, trở ngại lớn nhất của dòng vốn ngoại là quá trình xử lý nợ xấu tại Việt Nam vẫn chưa thông thoáng. Cụ thể, theo chuyên gia này, nhiều khối tài sản bị liệt vào danh sách nợ xấu tại Việt Nam vẫn đang được định giá cao hơn so với các nước trong khu vực ASEAN.

Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực lại tỏ ra quan ngại về viễn cảnh khối ngoại rút ruột những dự án nội. Chuyên gia này nhận xét, hiện nay các dự án dở dang, đói vốn, thậm chí là đất sạch như "nắng hạn chờ mưa" nhiều vô kể. Những "xác chết" bất động sản này chắc chắn sẽ bị thâu tóm với giá rẻ mạt trong tương lai.

Ông Đực chia sẻ với VnExpress.net: "Những quỹ đầu tư nước ngoài đến Việt Nam khiến tôi nửa vui nửa buồn. Vui vì các dự án trùm mền sắp có hy vọng hồi sinh nhưng buồn vì những khối tài sản này sẽ bị ép giá tối thiểu xuống dưới 50%".

Từng tiếp xúc với một số nhà đầu tư ngoại khảo sát thị trường địa ốc TP HCM, Giám đốc Công ty Eden Real, Huỳnh Kim Đoan nhận xét khối ngoại hiện nay chỉ dừng lại ở khâu thăm dò tiếp cận chứ chưa hành động. Dù tỏ ra quan tâm nhưng nhà đầu tư nước ngoài vô cùng thận trọng nên các giao dịch vẫn còn bỏ ngõ.

Theo bà Đoan, khẩu vị ưa thích của khối ngoại là cao ốc văn phòng ở khu trung tâm và khách sạn đã hoàn thiện, kế đến là các dự án nghỉ dưỡng biển có đất sạch. Họ không mấy quan tâm đến dự án căn hộ.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa dự báo: "Thị trường bất động sản khu vực ASEAN đang nổi lên 2 xu hướng thời thượng. Một là lướt sóng ở Myanmar. Hai là mua nợ xấu để săn tài sản giá rẻ tại Việt Nam".

Ông Nghĩa phân tích, quá trình hấp thụ tài sản giá rẻ tại Việt Nam đã và đang diễn ra chậm hơn so với tốc độ hình thành dự án. Chuyên gia này nhẩm tính, trong vòng 2 năm qua, số dự án bị thu hồi tại các thành phố lớn chưa quá 100, con số quá khiêm tốn so với những dự án đã được cấp. Năng lực thật sự để triển khai các dự án bất động sản chỉ chiếm 5-7% tổng số dự án đã được duyệt.

Kịch bản khả thi nhất trong lúc này, theo ông Nghĩa là Việt Nam cần tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào quá trình sàng lọc nợ xấu hay mua bán sáp nhập tài sản giá rẻ. "Làm càng chậm thì cơ hội hồi phục sức khỏe của thị trường càng nhỏ dần", ông nói.

Đầu quý II/2013, Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, Giám đốc điều hành Tập đoàn đầu tư và quản lý VietKey One, Phạm Đỗ Chí cũng đã chỉ ra tia hy vọng cho thị trường địa ốc. Đó là Chính phủ đã cho phép thành lập một số quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho quá trình xử lý nợ xấu cho thị trường này. Theo ông Chí, thời gian có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/7 nên đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, hiện có rất nhiều quỹ đầu tư bất động sản quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Vũ Lê