Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Cẩn trọng, công bằng trong quá trình hội nhập

02-09-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(Thời báo Kinh Doanh) - Cẩn trọng, công bằng trong quá trình hội nhập đang là những yêu cầu đặt ra đối với việc góp ý Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTTĐB) hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận để bảo đảm lợi ích của người dân trong tiêu dùng và hiệu ích chung của một luật thuế mới.

Theo Dự thảo của luật TTTĐB sửa đổi, mặt hàng thuốc lá sẽ nâng từ 65% lên 75% từ ngày 1/7/2015 và lên 85% từ ngày 1/1/2018; mặt hàng rượu nâng từ 25% lên 35% và 65%. Trong Dự thảo còn bổ sung mặt hàng nước ngọt có gas không cồn (NNCGKC); kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua tin nhắn vào đối tượng chịu TTTĐB với mức thuế tương ứng là 10% và 30%.


Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng
Đối với từng mặt hàng thuộc đối tượng chịu TTTĐB nêu trên, đều có nhiều nội dung đang được trao đổi kỹ, trong phạm vi bài này xin trao đổi về mặt hàng NNCGKC, bởi nếu không được xem xét một cách cẩn trọng, công bằng trước khi luật này được Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới thì chắc chắn việc áp dụng luật sau đó sẽ không đảm bảo được lợi ích chung của một Luật thuế sửa đổi mới mà còn ảnh hưởng tới các chính sách khác của Chính phủ mới ban hành gần đây.
Cụ thể như Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới, trong đó đã nhấn mạnh tới việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, cũng như thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng chính phủ "Hoàn thiện thể chế…, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững", trong đó cũng đã nêu rõ "Tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính".
Đã có khá nhiều các cuộc gặp mặt, trao đổi về dự thảo Luật này giữa đại diện cơ quan soạn thảo Luật (BTC) với đại diện các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh NNCGKC tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn FDI mà Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcharm Vietnam) đã tham gia hết sức tích cực.
Trước khi có dự thảo Luật sửa đổi luật TTTĐB, Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính, một số Ủy ban của Quốc hội đề nghị đánh TTTĐB đối với NNCGKC với lập luận NNCGKC có hại cho sức khỏe do "độ axit trong nước giải khát có gas có thể cao hơn nước thường tới 100.000 lần, là tác nhân có thể dẫn đến béo phì" và "khí cacbonic (CO2) khi gặp axit trong cơ thể có thể tạo áp lực cho dạ dày và ruột, dẫn đến loét dạ dày".

Áp dụng một loại thuế đối với NNCGKC sẽ đặt một gánh nặng hơn cho người tiêu dùng

Qua các cuộc trao đổi giữa các bên về Dự thảo Luật TTTĐB xung quanh việc mặt hàng NNCGKC là đối tượng sẽ chịu mức thuế 10%, có các vấn đề tranh luận sau đây nổi lên:
Amcharm rất quan ngại đến đề xuất TTTĐB đối với NNCGKC và khẳng định rằng NNCGKC không gây ra chứng béo phì, đau bụng và loét dạ dày, cũng như không được đề cập trong các tài liệu y khoa nào. Trong tài liệu của mình, Amcharm cũng đã đưa ra các dẫn chứng khá cụ thể cho những lập luận về NNCGKC không gây nên các tổn hại đối với sức khỏe con người. Đáng chú ý, là dẫn chứng về giải thưởng Nobel của tiến sỹ Barry Marshall đã chứng minh rằng chính vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori), chứ không phải chế độ ăn uống, mới là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày.


Với dẫn chứng NNCGKC chiếm 28% của tổng số nước giải khát uống liền không chứa cồn được bán tại Việt Nam, trong số 28% này, các sản phẩm NNCGKC của các doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam chiếm 88%, khoảng ¼ thị trường nước giải khát uống liền không chứa cồn, Amcharm cho rằng ảnh hưởng của TTTĐB lên toàn thị trường là không lớn. Nếu áp dụng TTTĐB lên NNCGKC, các nhà sản suất sẽ bị buộc phải chuyển chi phí này cho người tiêu dùng. Như vậy, nhu cầu đối với NNCGKC sẽ giảm xuống, sẽ không làm tăng nguồn thu thuế đáng kể. Việc áp dụng TTTĐB lên NNCGKC gần như rơi hoàn toàn vào các doanh nghiệp có vốn FDI, Amcharm cũng cho rằng việc đề xuất TTTĐB đối với NNCGKC như thực hiện chủ nghĩa bảo hộ, sẽ đặt ra câu hỏi công bằng, cũng như làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư.
Thực tiễn quốc tế áp dụng TTTĐB này đối với NNCGKC cho thấy khá rõ xu thế không áp dụng và loại bỏ loại thuế này ở các nước. Amcharm còn xác định thuế TTĐB được đề xuất của Việt Nam là duy nhất, cũng như có ý kiến còn cho rằng TTTĐB đề xuất áp dụng với NNCGKC là loại thuế có sự phân biệt đối xử theo hướng dẫn của IMF và vi phạm các cam kết WTO của Việt Nam khi nhắm đến các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài, làm giảm sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.


"Tác dụng phụ" không mong muốn
Việc đánh TTTĐB đối với NNCGKC sẽ như một bước lùi về chính sách thuế với viện dẫn "những người tiêu dùng nghèo nhất dành phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm và nước giải khát không cồn nhiều hơn các hộ gia đình giàu có" do đó, áp dụng một loại thuế đối với NNCGKC sẽ đặt một gánh nặng hơn cho người tiêu dùng có thu nhập thấp so với người tiêu dùng có thu nhập cao. TTTĐB còn là thuế gián thu người tiêu dùng phải nộp mà không phải người bán hàng.
Các vấn đề đang tranh cãi, bàn luận nêu trên hiện đang trong quá trình góp ý cho Dự thảo Luật TTTĐB sửa đổi. Rõ ràng là không khó để giải đáp và làm rõ bởi các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, như: Bộ Y tế về việc có hay không sự tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng NNCGKC và dẫn chứng của Amcharm, của VBA là đúng hay sai?; Bộ Công Thương về thị phần của NNCGKC hiện nay, trong đó có của các nhãn hiệu nước ngoài do các doanh nghiệp FDI sản xuất, tiêu thụ tại Việt Nam, so sánh với các nước khác và mức độ tiêu thụ NNCGKC khi áp TTTĐB; Bộ Tư pháp về thực tiễn áp dụng TTTĐB đối với NNCGKC của các nước; Bộ Tài chính về khả năng thu thuế khi áp dụng TTTĐB 10% đối với NNCGKC và mức thu chung đối với tất cả các loại nước giải khát kể cả có gas và không gas, không cồn so với việc không áp dụng TTTĐB đối với NNCGKC


Phải chăng Bộ Tài chính cần xem xét thêm phương án áp dụng đánh thuế vào nước dùng để sản xuất các loại nước giải khát nói chung cả không gas và có gas, sẽ vừa giải quyết được việc thiếu hụt ngân sách hiện nay, mà lại loại bỏ được sự phân biệt đối xử giữa các mặt hàng nước giải khát, loại bỏ được sự biểu hiện chủ nghĩa bảo hộ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Việc nhỏ nhiều khi cũng gây nên các tác động xấu, không được xử lý cẩn trọng, công bằng còn làm cản trở quá trình phát triển. Ở đây, Dự thảo áp TTTĐB đối với NNCGKC không phải là việc nhỏ vì nó có ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này với hàng nghìn lao động trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất và hàng triệu người tiêu dùng trong nước.


Cẩn trọng, công bằng trong góp ý, xây dựng Dự thảo Luật TTTĐB sửa đổi phù hợp với thực tế của Việt Nam và theo thông lệ quốc tế để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử với bất kỳ mặt hàng nào trong cùng một sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến các chính sách hiện hành và định hướng của chính phủ là một đòi hỏi tiên quyết của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam đang theo đuổi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Phan Linh
(Công ty TNHH Tư vấn Kinh Doanh Hội Nhập Toàn Cầu)