Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Thuế tiêu thụ đặc biệt: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

02-09-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Việc dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có gas không cồn không phải là việc nhỏ vì nó có ảnh hưởng tới nhiều DN đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, với hàng nghìn lao động trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất và hàng triệu người tiêu dùng trong nước.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Theo đó, mặt hàng nước ngọt có gas không cồn (NNCGKC) được đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%. Vì thế, đang có nhiều ý kiến góp ý trái chiều nhau giữa các tổ chức như Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA); Đại diện các DN sản xuất kinh doanh NNCGKC tại Việt Nam, đặc biệt là các DN có vốn FDI mà Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đại diện.


Ảnh minh họa

Sau gần 5 năm thực hiện, Luật Thuế TTĐB hiện hành đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu cơ bản đặt ra khi ban hành là: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần định hướng sản xuất tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách Nhà nước một cách hợp lý, không khuyến khích tiêu dùng các nhóm hàng có hại cho sức khỏe (như thuốc lá, rượu, bia…) hoặc tiêu dùng tiết kiệm (như xăng)…

Bên cạnh đó, việc thực hiện Luật Thuế TTĐB cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do vậy, đòi hỏi tất yếu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB lần này, đặc biệt là việc đưa mặt hàng NNCGKC vào đối tượng chịu Thuế TTĐB, không những phải đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra cho Luật hiện hành mà còn đòi hỏi Luật sửa đổi lần này phải đáp ứng được nhiều hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn... trên cơ sở: Chọn đúng đối tượng chịu thuế; Không tạo nên những rào cản mới trong môi trường đầu tư, kinh doanh hiện nay; Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; Bảo đảm được tính thống nhất của toàn bộ hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, Luật Thuế TTĐB sửa đổi phải đảm bảo thống nhất với các chính sách của Chính phủ mới ban hành gần đây. Cụ thể như Nghị quyết số 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới, trong đó đã nhấn mạnh tới việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư. Cũng như, thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: "Tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính".

Vậy, việc đưa NNCGKC vào diện phải áp dụng Thuế TTĐB có thật sự góp phần tạo một môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho DN hay chưa? Phải chăng Bộ Tài chính cần xem xét thêm phương án áp dụng đánh thuế ở mức hợp lý các loại nước giải khát có gas và không có gas để các DN trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát chấp nhận được, sẽ vừa giải quyết được việc thiếu hụt ngân sách hiện nay mà lại loại bỏ được sự phân biệt đối xử giữa các mặt hàng nước giải khát, loại bỏ được biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế?

Cũng cần trao đổi làm rõ thêm, liệu NNCGKC có phải là một loại hàng đặc biệt, xa xỉ hay không khi phần lớn người lao động có thu nhập thấp còn đang ưa thích sử dụng loại nước giải khát này? Khi người tiêu dùng có thu nhập cao hơn, sinh sống tại các thành phố lớn có xu hướng giảm mức tiêu dùng đối với loại nước giải khát này?

Việc nhỏ nhiều khi cũng gây nên các tác động xấu, không được xử lý cẩn trọng, công bằng còn làm cản trở quá trình phát triển. Ở đây, việc dự kiến áp thuế TTĐB đối với NNCGKC không phải là việc nhỏ vì nó có ảnh hưởng tới nhiều DN đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này, với hàng nghìn lao động trong các nhà máy, dây chuyền sản xuất và hàng triệu người tiêu dùng trong nước.

Cần cẩn trọng, công bằng trong xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB cho phù hợp với thực tế của Việt Nam và theo thông lệ quốc tế, nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử với bất kỳ mặt hàng nào, không làm ảnh hưởng đến các chính sách hiện hành và định hướng của Chính phủ. Đây là một đòi hỏi tiên quyết của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang theo đuổi trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

TS. Phan Hữu Thắng