Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Bất động sản nghỉ dưỡng "tỉnh giấc ngủ đông"

15-12-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Huỳnh Phước Nghĩa



Sau 4 năm trầm lắng, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch đầu tư các dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng như tái khởi động, bung hàng rầm rộ ở các khu đô thị du lịch biển: Phú Quốc, Bình Thuận, Khánh Hòa...

Dẫn đầu điểm sáng của bất động sản nghỉ dưỡng năm 2014 phải kể đến tỉnh Kiên Giang với sự xuất hiện đình đám của những dự án quy mô lớn. Đó là Vinpearl Phú Quốc của Tập đoàn Vingroup, Sonasea Villas & Resort rộng 80 ha của CEO Group, khách sạn 5 sao Crowne Plaza Phú Quốc của Syrena Việt Nam. Tập đoàn Nam Cường đang xúc tiến khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng gồm khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn khoảng 3.200 tỷ đồng

Trong quý III/2014, tỉnh này chấp thuận đầu tư cho 7 dự án với diện tích 67,11ha, điều chỉnh 6 giấy chứng nhận đầu tư, cấp mới 15 giấy chứng nhận với diện tích 480ha, tổng vốn 15.680 tỷ đồng.

Riêng quý IV, Tập đoàn FLC được Ban quản lý lựa chọn trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét phê duyệt là chủ đầu tư dự án Bãi Vòng, tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ đồng nằm gần sân bay Phú Quốc. Đây là một trong những dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế quy mô lớn. Dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn, hoàn thành trong 5 năm, trong đó giai đoạn một sẽ được đưa vào khai thác sau 16 tháng kể từ khi khởi công.

Xếp sau Phú Quốc, Kiên Giang phải kể đến các tỉnh miền Trung với số lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng tái khởi động hoặc công bố rầm rộ. Hồi quý II/2014, FLC cũng đã tổ chức động thổ dự án FLC Samson Golf Links & Resort tại Thanh Hóa. Dự án vừa có sân golf, vừa có khu vui chơi nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, quy mô 5.500 tỷ đồng.

Công ty Hưng Thịnh tiếp tục công bố nhận đặt chỗ dự án Golden Bay, Khu đô thị đầu tiên tọa lạc tại Bắc bán đảo Cam Ranh. Ở Đà Nẵng. Công ty Đất Xanh miền Trung chào bán dự án Ngo Quyen Trade Center gồm nền nhà phố thương mại cao cấp vừa mang tính thương mại, nghỉ dưỡng thuộc quận Sơn Trà.

a-tb-bat-dong-san-nghi-duon-3516-1418289

Một dự án khu đô thị ven biển miền Trung được công bố, nhận đặt chỗ tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Đầu tháng 12, Công ty Du lịch Nhà Bè Bình Thuận và Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa chuẩn bị tung dự án Ocean View Villa & Resort. Đây là dự án căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng và khu khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi có tổng diện tích gần 60.000 m2 tại Hàm Thuận Nam. Căn hộ nghỉ dưỡng này có giá khá mềm, 550-600 triệu một căn, dự kiến giao nhà vào cuối năm 2015.

Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa nhận xét: "Đúng là hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng đang trở lại, nhưng đây chỉ là làn sóng cục bộ chứ chưa thực sự đồng bộ. Có nhiều yếu tố tác động đến làn sóng này nhưng đa số nguồn cung là dự án cũ hoặc vừa thay tên đổi chủ sau một thời gian dài ngủ đông".

Theo ông Nghĩa, sự nhộn nhịp của các dự án nghỉ dưỡng có thể là hiệu ứng từ chính sách cho phép cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở được vận động và thông qua trong năm 2014. Người nước ngoài với gu tiêu dùng và sở hữu bất động sản cá biệt, dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phù hợp nhất với nhóm khách hàng khó tính này.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là một số tỉnh thành có chính sách tốt, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Điển hình là tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc có lợi thế là hòn đảo du lịch mang vẻ đẹp hoang sơ, vừa có sân bay vừa sắp có cảng đón tàu quốc tế trong tương lai, lại đang được kiến nghị thành đặc khu. Nhiều điều kiện thuận lợi như thế nên nhà đầu tư đổ xô đến Đảo Ngọc là lẽ bình thường.

Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC đánh giá, 4 năm khủng hoảng là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất của thị trường bất động sản, cũng trùng với giấc ngủ đông dài của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng. Khi đó, các dự án quy mô lớn đã có động thái dừng lại hoặc giãn tiến độ một cách khôn ngoan. Hầu hết các chủ đầu tư đã chủ động trụ lại chờ cơn bão đi qua chứ không triển khai ngay nên tránh được những thiệt hại không cần thiết. "Chính vì thế, ngay khi đánh hơi được những tín hiệu tích cực, các chủ đầu tư đã tái khởi động hoặc công bố dự án rầm rộ, chuẩn bị cho điểm rơi khi thị trường khởi sắc trong một vài năm tới là hoàn toàn hợp lý", ông Nghĩa nhận xét.

Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh Corp, Nguyễn Đình Trung cho rằng chính sách là cú hích quan trọng đối với bất động sản nghỉ dưỡng. Bắt đầu từ ngày 1/7/2015, luật cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực và áp dụng vào thực tế. Đây là một tín hiệu tốt để bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển trở lại vì Việt kiều và cả người nước ngoài, đặc biệt quan tâm khá nhiều đến phân khúc này. Đây là lý do để những dự án nào đang ngủ đông sẽ được các chủ đầu tư quan tâm và “bắt tay” thực hiện trở lại.

Đối với những dự án thừa hưởng lợi thế của khu du lịch biển cao cấp và mang dáng dấp của dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, có hẳn một cộng đồng du khách quốc tế thì tiềm năng phát triển sẽ rất lớn. Đây cũng là những lợi thế cho các dự án khu đô thị khác tọa lạc trong khu vực biển cao cấp.

Tuy thừa nhận tiềm năng khá tốt của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tương lai, nhưng ông Trung đánh giá dòng sản phẩm này chưa thể bùng nổ nhanh được. Bởi lẽ, thị trường này còn phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu. Chỉ khi nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu ổn định, đời sống người dân phát triển thì mọi người mới có thể nghĩ đến sở hữu “second home” - ngôi nhà thứ hai. "Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển từ từ, thời gian có thể kéo dài đến cuối năm 2015, đầu năm 2016 mới hy vọng thật sự sôi động trở lại”, ông Trung dự báo.

Vũ Lê