Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Công nghiệp hỗ trợ: Làm sao hỗ trợ để phát triển?

22-12-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(Thời báo Kinh Doanh) - Mới đây, Bộ Công Thương công bố danh mục 144 linh, phụ kiện do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung) đặt hàng DN Việt Nam, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như Samsung, Canon,.. lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phóng viên Thời báo Kinh Doanh đã có cuộc trao đổi với Ts. Phan Hữu Thắng, Cố vấn Công ty Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), nguyên Cục Trưởng cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT về chủ đề này.

Thưa ông, Việt Nam có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, số lượng công ty đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như Samsung, Canon, Panasonic… lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo ông, nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI khó có khả năng thâm nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI ngay trên sân nhà?

 

Gần đây, Bộ Công Thương công bố danh mục 144 linh, phụ kiện do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất, nhưng số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm chỉ dưới 10 doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Công Thương, ngành CNHT hiện lệ thuộc đến gần 80% vào nguồn nguyên liệu NK.
Nguyên nhân các DN Việt Nam khó có khả năng thâm nhập vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các DN FDI có thể nêu tóm tắt một số như sau, nhưng tập trung chủ yếu vào các vấn đề công nghệ, máy móc - thiết bị, nguồn nhân lực và vốn.
Phần lớn doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp nhỏ, lẻ quy mô sản xuất bé, chi phí quản lý cồng kềnh, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay với lãi suất cao, sản xuất ra các sản phẩm với hàm lượng công nghệ thấp do đó gặp rất nhiều khó khăn về vốn và công nghệ để có thể đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao cho các doanh nghiệp có vốn FDI như Samsung, Canon, Panasonic,…
Việt Nam có nhiều thuận lợi về nguồn nhân lực như lao động trẻ, dồi dào; tuy nhiên đối với CNHT thì nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn mới là quyết định. Nguyên nhân của việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho CNHT do nội dung và phương thức đào tạo tại các trường dựa trên các thiết bị kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất (cũng do không được đầu tư).

Ts. Phan Hữu Thắng, Cố vấn Công ty Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu (GIBC), nguyên Cục Trưởng cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT


Môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian dài vừa qua chưa tạo đủ điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng. Bên cạnh đó việc khởi tạo doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, CNHT có khó khăn và nhiều rủi ro hơn việc thành lập các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại, dịch vụ.
Trong các điều kiện như vậy, chính sách về CNHT của Chính phủ chưa đủ mạnh và toàn diện để CNHT phát triển. Đơn cử như từ năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến 2010, tầm nhìn đến 2020 nhưng có thể nhận thấy rất nhiều mục tiêu mà quy hoạch đó đề ra đến năm 2010 đã không thực hiện được vì các mục tiêu đưa ra nhưng không có đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, không có kế hoạch tài chính đủ mạnh để triển khai hay nhiều mục tiêu đề ra còn mang tính dàn trải. Cơ quan quản lý Nhà Nước chưa thực hiện đủ vai trò "Bà đỡ" để giúp doanh nghiệp lớn dần và phát triển.

 

Chính phủ đã nêu định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ 14 năm trước, chúng ta cũng đã nhận thức rõ yêu cầu bức thiết phải phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy mục tiêu CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, CNHT Việt Nam vẫn manh mún và lạc hậu. Theo ông, cần có những chính sách, giải pháp gì để thúc đẩy ngành này phát triển?

 

Từ các thực trạng nêu trên cho thấy cần có các chính sách, giải pháp sau:
Thứ nhất, khâu đột phá đầu tiên để phát triển ngành này là hoàn thiện lại quy hoạch phát triển CNHT. Trong đó từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát để đánh giá lại được năng lực thực tế tham gia CNHT và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm phụ trợ của ngành mình, với tiến độ cụ thể việc nội địa hóa cho từng sản phẩm, từng chi tiết.
Thứ hai, đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích các Nhà đầu tư phát triển CNHT. Cụ thể: Chính sách về đất đai: có đủ quỹ đất cho các DN sản xuất các sản phẩm phụ trợ thuê lâu dài, ổn định, với mức giá ưu đãi để các doanh nghiệp Việt vốn nhỏ, yếu, thiếu vốn có điều kiện đầu tư ban đầu và phát triển sau này; Chính sách tín dụng: Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông qua quỹ tín dụng ưu đãi trong CNHT; Chính sách thuế: Các DN CNHT được ưu đãi về thuế như các DN được ưu đãi đầu tư khác; Chính sách đầu tư: kiến nghị Nhà nước xem xét đầu tư thành lập mới DNNN ở lĩnh vực CNHT, khi hoạt động có hiệu quả thì sẽ triển khai cổ phần hóa (mô hình này đã thành công ở một số quốc gia châu Á).

 

Việc hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mang tới Việt Nam một làn sóng mới các Nhà đầu tư vào mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có cả ngành công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề này sẽ có tác động như thế nào tới các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước vốn đã rất nhỏ bé, thưa ông?

 

Trả lời câu hỏi này cần nhìn cả trong ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, tại thời điểm hiện nay, khi thực tế các DN Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn tham gia vào sản xuất các sản phẩm CNHT như chúng ta mới nêu trên, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài như Tập đoàn Samsung đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nên chúng ta cần tạo điều kiện để các DN nước ngoài đủ điều kiện sản xuất được các sản phẩm CNHT vào Việt Nam để góp phần hoàn chỉnh các sản phẩm cuối cùng cho xuất khẩu.
Điểm tốt trong vấn đề này là làn sóng đầu tư mới sẽ tạo ra một Cầu sản xuất mới với một thị trường xuất khẩu lớn do chính các DN ngoại mang lại cho các doanh nghiệp Việt nam.
Từ trước đến nay cầu thấp - không có thị trường - đã hạn chế quyết tâm đầu tư của các DN Việt Nam vốn đã yếu vì thiếu vốn đầu tư vào sản xuất sản phẩm CNHT, vì họ nhận rõ quy mô thị trường không đủ lớn, công nghệ cao đòi hỏi đầu tư lớn vào sản xuất sẽ không thể có lãi. Việc thu hút FDI vào CNHT tại thời điểm hiện nay cũng có các mặt tốt sau:
Tạo điều kiện để các tập đoàn lớn, nhà đầu tư nước ngoài thành công tại Việt Nam. Tạo ra giá trị xuất khẩu từ Việt Nam lớn; Giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Tạo công ăn việc làm và từng bước Việt Nam sẽ nhận được sự lan tỏa của công nghệ cao, công nghệ nguồn và chất lượng quản lý tốt.
Có điều cần chú ý là ngay từ giờ cần có các chính sách, giải pháp thích hợp nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam để từng bước có khả năng tham gia sâu hơn vào dây chuyền sản xuất CNHT.
Về dài hạn, để tránh sự chiếm lĩnh thị trường CNHT của các DN FDI, và các DN nước ngoài khác trong khu vực do thực hiện các Hiệp định thương mại tự do FTA, ngay từ bây giờ, Nhà nước nên tính đến việc đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ các DN Việt Nam trong CNHT và tính đến việc đầu tư vào công nghệ gốc, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia với sự tham gia đầy đủ của DN Việt Nam vào tất cả các khâu CNHT.
Lúc đó, CNHT mới thực sự là của Việt Nam.

Nguyễn Ly thực hiện