Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Hợp tác với Samsung: Như đang có một cuộc chạy đua ưu đãi

19-01-2015
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Samsung đề xuất 3 ưu đãi “vượt khung” cho dự án Samsung CE Complex (SECC) tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, bao gồm miễn thuế nhập khẩu cho vật tư xây dựng; cho các nguyên liệu, vật tư, linh kiện… sản xuất trong vòng 5 năm; và ưu đãi liên quan đến thủ tục hải quan.

 

Gần đây, trước hiện tượng Samsung tiếp tục đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Thái Nguyên (2013, 2014), tại TP. Hồ Chí Minh (2014), dư luận đã chú ý đến các ưu đãi mà Samsung đề xuất. Trước hết, cần nhận thấy việc đề xuất các ưu đãi thuộc quyền của các NĐT, còn việc có dành các ưu đãi đó cho NĐT hay không thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, trên cơ sở thực thi đúng pháp luật và NĐT đã thực hiện đúng các cam kết của mình trong quá trình đầu tư. “Vượt khung” hay “không vượt khung” phải căn cứ vào nội dung các đề xuất ưu đãi.

Tuy được hưởng các ưu đãi, nhưng Samsung đã thẳng thắn cho biết sẽ không nhượng bộ hay ưu tiên cho DN Việt Nam được tham gia chuỗi sản xuất của họ. Vấn đề này có liên quan đến chất lượng sản phẩm cung cấp cho các DN FDI như Samsung và làm sao để công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam (chứ không phải tại Việt Nam) phát triển.


Tổng số thuế nhập khẩu đề xuất được miễn của Samsung ước tính khoảng 15,5 triệu USD

Cụ thể là mới đây, Bộ Công Thương công bố danh mục 144 linh, phụ kiện do Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam (SEV) đặt hàng cho các DN Việt Nam, nhưng số DN Việt Nam tham gia sản xuất được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước hết, cần đặt câu hỏi, SEV có biết tình trạng như vậy của các DN Việt Nam hay không, khi không đưa ra các đề xuất đầu tư, hỗ trợ các DN Việt Nam để giúp Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa với sự tham gia của các DN Việt, mà chỉ đưa ra đơn đặt hàng như vậy? Bên cạnh đó, phải nói đến nguyên nhân các DN Việt chưa thể tham gia sản xuất các linh, phụ kiện do SEV đặt hàng.

Tóm tắt các nguyên nhân đó tập trung vào vấn đề vốn, nguồn nhân lực và máy móc, thiết bị cùng công nghệ áp dụng cho sản xuất các sản phẩm điện tử, thông tin có hàm lượng công nghệ cao của các DN Việt.

Cụ thể phần lớn các DN Việt là các DN có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay với lãi suất cao, nhiều DN chưa từng được tham gia sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không có vốn đầu tư đủ sâu để có các thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao… cộng với nguồn nhân lực còn yếu nên chưa thể được Samsung ưu tiên tham gia chuỗi sản xuất các sản phẩm của các DN FDI như Samsung là tất yếu. Điều đáng nói là vai trò của Samsung đối với vấn đề này nên như thế nào?

Hiện tượng Samsung trong đầu tư nước ngoài, từ 1 dự án ban đầu với vốn FDI đăng ký 670 triệu USD tại Bắc Ninh, nay đã đăng ký vốn mở rộng sản xuất lên 2,5 tỷ USD và đầu tư tiếp các dự án có quy mô lớn tại Thái Nguyên (tổng vốn đăng ký 5 tỷ USD), tại TP. Hồ Chí Minh 1,4 tỷ USD… và tạo doanh thu xuất khẩu sản phẩm cho Việt Nam đến hàng tỷ USD. Samsung cũng đã có tái đầu tư tại Việt Nam, cho thấy thị trường Việt Nam đã giúp Samsung đạt được các thành công lớn trong thời gian ngắn.

Chắc chắn Samsung cũng sẽ nhận ra các mặt trái hoặc bất lợi sau này nếu chỉ có các DN của Hàn Quốc, DN nước ngoài khác tham gia chủ yếu vào dây chuyền sản xuất các sản phẩm của Samsung tại Việt Nam. Việc sắp xếp lại chắc chắn sẽ được tiến hành khi nền công nghiệp của Việt Nam đủ mạnh và đây là xu thế phát triển tất yếu của công nghiệp Việt Nam. Không lợi dụng các điểm yếu của địa bàn nơi đầu tư để kiếm lợi cho mình, đồng hành cùng phát triển với địa phương nơi đầu tư là những gì mà các tập đoàn lớn trên thế giới đã từng thực hiện ở nhiều nơi.

Đối với Samsung, hiện chúng ta đã có nhiều ưu đãi khác nhau, có các mức do Chính phủ quy định, lại có một số ưu đãi cho các địa phương thông qua Hội đồng nhân dân để quyết định. Xin lưu ý rằng, các ưu đãi về sau ngày càng lớn hơn ưu đãi trước. Có cảm giác như đang có một cuộc chạy đua ưu đãi cho DN.

Do vậy, đối với hiện tượng phát triển nóng của Samsung, về tổng quan là tốt, nhưng trước hết cần tổ chức kiểm tra, đánh giá lại một cách toàn diện việc thực hiện các cam kết của Samsung đến nay. Hãy chuyển từ “hồ hởi, phấn khởi” trước hiện tượng Samsung sang “phấn khởi có hướng dẫn, kiểm tra” để Samsung phát triển hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Để DN này thực sự có đóng góp cho kinh tế Việt Nam thông qua việc liên kết, hỗ trợ các DN Việt phát triển, đưa tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam với tỷ lệ tham gia ngày càng cao hơn của các DN Việt.

Trước các tình hình như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần thẳng thắn trao đổi với Samsung, đồng thời nên tính đến việc đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ các DN Việt trong công nghiệp hỗ trợ và tính đến việc đầu tư vào công nghệ gốc, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

Các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, về tài chính, ở cả Trung ương và địa phương cần vào cuộc xem xét giải quyết thỏa đáng tình huống không nhất quán, không tiếp nối giữa các văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư, kinh doanh đối với các DN FDI và sự chênh lệch ưu đãi đầu tư (nếu có) giữa các địa phương dành cho dự án đầu tư vì NĐT rất bám sát sự phát triển, hoàn thiện của hệ thống pháp luật, nhanh nhạy tìm ra các “lỗ hổng” có lợi cho họ.

Từ kinh nghiệm quản lý các dự án FDI có quy mô lớn trước đây khi tiến hành kiểm tra, thanh tra sau một số năm các dự án này hoạt động đã phát hiện ra rất nhiều các vấn đề không rõ ràng về vốn, về thuế... cùng các vi phạm khác nên đã kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh lại hoạt động, ưu đãi của các dự án này.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương:

Phải cam kết cụ thể

Yêu cầu của Samsung về giảm thuế nhập khẩu đầu vào cho vật tư xây dựng và nguyên liệu sản xuất đặt ra vấn đề vẫn còn tồn tại sự chưa hài hoà hoá các chính sách trong hội nhập. Xét ở góc độ nào đó, yêu cầu này cần được xem xét, bởi đúng là khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thì thuế các loại nguyên liệu mà Samsung xin ưu đãi sẽ tự động cắt giảm. Tuy nhiên, việc phải chờ đợi có thể làm kéo dài thời gian đầu tư để đi vào sản xuất kinh doanh.

Xét theo góc độ chính sách, Nhà nước cần thúc đẩy tự do hoá thương mại với việc hài hoà hoá các hiệp định, gắn với tự do sản xuất. Ý tôi muốn nói là chính sách phải làm sao phù hợp với quá trình phát triển, thế nhưng phải trên cơ sở bình đẳng. Chúng ta có thể xem xét làm sao để đẩy nhanh quá trình này lên, nghiên cứu tạo thuận lợi hơn cho DN, nhưng phải lưu ý bình đẳng. Nếu áp dụng cho Samsung phải nhìn trên tổng thể tác động với các DN, lĩnh vực khác.

Xét theo mục tiêu ưu đãi, cần lưu ý rằng, không phải công nghệ cao vị công nghệ cao, mà cần tạo ra năng lực sản xuất trong nước có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, phải có lan toả và chuyển giao công nghệ. Nếu DN nước ngoài nhận ưu đãi mà giá trị gia tăng trong nước của DN Việt không có thêm gì cả thì không được. Cái đó đặt ra vấn đề lớn hơn, trò chơi ở đây phải là thị trường.

Nếu đã cho ưu đãi thì Samsung phải có những cam kết rõ ràng, rộng hơn là các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao cũng cần cam kết rõ ràng. Bởi vì, khi DN đã đòi ưu đãi thì rõ ràng không còn tính thị trường nữa, lúc này DN cần phải có cam kết cụ thể.

TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế:

Đừng ảo tưởng sẽ “ăn đời ở kiếp”

Gần đây, Hàn Quốc đã công bố một bản báo cáo cho thấy, Samsung đang chịu sự cạnh tranh rất gay gắt từ Trung Quốc. Các DN Trung Quốc đã sản xuất điện thoại di động có tính năng tương tự Samsung, nhưng giá rẻ hơn rất nhiều và đã làm giảm sản lượng của Samsung. Đó là điều mà chúng ta cần phải hết sức chú ý.

Nếu như chúng ta ưu đãi quá nhiều cho Samsung và đến một lúc nào đó Samsung bị các đối thủ cạnh tranh khác vượt lên, thì lúc ấy chúng ta sẽ ôm một Samsung với rất nhiều thiệt thòi, chứ không phải là một Samsung có sự ưu việt như chúng ta vẫn nghĩ bây giờ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu của một Samsung trong năm qua cũng có thể trở thành điểm bất lợi trong tương lai, nếu như không nói là một gánh nặng, khi Samsung mất lợi thế cạnh tranh.

Với những đề nghị của Samsung, cần xem xét đề nghị nào có thể chấp nhận được, phù hợp với các cam kết hội nhập trong thời gian tới. Ví dụ, chúng ta cam kết sẽ giảm thuế nhập khẩu, vậy đối với những mặt hàng mà Samsung nhập vào để xuất khẩu thì có thể xem xét giảm. Nhưng nếu như chúng ta chấp nhận giảm thuế cho cả những sản phẩm mà chúng ta vẫn đánh thuế đối với các nhà nhập khẩu khác thì rất có thể đó là một lỗ hổng để Samsung tận dụng nguồn nhập khẩu ấy, tạo ra một lợi thế cạnh tranh. Chưa kể, họ có thể lợi dụng nhập khẩu thêm nhiều hơn nhu cầu thực của họ để ăn chênh lệch giá. Điều đó cũng cần phải xem xét.

Tôi rất thông cảm với cơn “lên đồng” hiện nay, cứ Samsung đi đến đâu thì mọi người đều háo hức và dốc hết “ruột gan” để ưu đãi. Tôi nghĩ, chúng ta cần xử lý vấn đề một cách hết sức bình tĩnh, công bằng để tránh tạo ra những bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Đấy là cái điều chúng ta cần phải hành động vì lợi ích đất nước, chứ không phải vì lợi ích của một địa phương nào.

Theo tôi, không một nước nào công nghiệp hóa thành công chỉ dựa vào FDI mà không có DN dân tộc, thương hiệu dân tộc. Bởi vì, DN FDI là thương hiệu của người ta đầu tư, kinh doanh ở mình, đến lúc nào thấy không có lợi thế nữa thì họ sẽ đi chỗ khác. Không nên nhầm lẫn rằng, Samsung sẽ ăn đời ở kiếp với mình. Đó là điều rất ảo tưởng.

Ngọc Khanh

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Phó chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài