Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Tiếp tục xin ưu đãi "khủng": Samsung cần thực hiện đúng cam kết

19-01-2015
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(Thời báo Kinh Doanh) - Cần đánh giá toàn diện việc thực hiện các cam kết của Samsung để tập đoàn này phát triển bền vững và hiệu quả tại Việt Nam, tạo sự lan tỏa và kết nối với DN trong nước. Việc xin ưu đãi của Samsung cũng cần đánh giá thận trọng và đúng quy định để tạo cơ hội cho DN Việt Nam được tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của Samsung, theo khuyến nghị của Ts. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.  

 

Thưa ông, mới đây, Samsung đã đề xuất lên Chính phủ và các cấp ngành xin một số ưu đãi giảm thuế và chế độ ưu đãi về thủ tục hải quan cho Dự án Dự án Samsung CE Complex (SECC) với mức ưu đãi lên tới 15,5 triệu USD. Điều đáng chú ý là trong một số sản phẩm mà Samsung xin ưu đãi thì không thuộc diện miễn thuế. Vậy ông đánh giá thế nào về tính hợp lý của những đề xuất ưu đãi mà Samsung đưa ra?

 

Tôi khẳng định việc xin ưu đãi và có cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư (NĐT) là những hoạt động bình thường trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chứ không riêng gì Samsung.

Tuy nhiên, với trường hợp của Samsung, trước hết cần nghiên cứu kỹ về các nội dung DN này xin ưu đãi, các quy định của luật pháp về ưu đãi, các ưu đãi mà Samsung đang được hưởng, để xác định việc xin ưu đãi đó có “vượt khung” hay “không vượt khung”.

Tiếp đó, cần nhận thức rõ quyền xin hưởng ưu đãi là của NĐT, còn việc có dành các ưu đãi đó cho NĐT hay không thuộc về các cơ quan quản lý.

Được biết Samsung mới đề xuất 3 ưu đãi cho “Dự án Samsung Complex” (SECC) tại Tp.HCM, có vốn đăng ký 1,4 tỷ USD, được cấp phép tháng 10/2014, tập trung vào việc miễn thuế và ưu đãi chế độ thủ tục hải quan.

Trong đầu tư quốc tế, điều dễ nhận thấy là các NĐT luôn đòi hỏi nước chủ nhà dành cho họ các ưu đãi tối đa, trong khi lại ít quan tâm đến quyền lợi, quyền được bảo vệ của các DN bản địa khi họ còn non yếu và chịu sức ép cạnh tranh từ các DN ngoại ngay trên sân nhà.

Ts. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài.  

 

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, về các vật tư xây dựng, các NĐT phải ưu tiên mua các vật tư trong nước đã sản xuất được và đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm và phải liệt kê ra được các vật tư nào trong nước chưa sản xuất được, khi đó mới nên đề xuất được NK (chưa nói đến việc xin miễn thuế NK do phải thực hiện đúng quy định đối với việc miễn thuế NK).

Các đề nghị tiếp theo của SECC về miễn thuế và thủ tục hải quan cũng phải được xem xét, giải quyết căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia về đầu tư và thương mại.

Cần nói thêm, dự án SECC mới được cấp phép, nên  NĐT cần tiến hành thực hiện các cam kết khi xin cấp phép đầu tư, các điều kiện phải thực hiện đã được quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư và tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… về triển khai dự án.

Trong quá trình hoạt động sau này, khi có tác động xấu từ các quy định về thuế và hải quan, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN mới xin ưu đãi mới.

 

Samsung đã hiện diện ở Việt Nam với nhiều dự án lớn có trị giá tỷ USD, giúp tăng kim ngạch XK và tạo việc làm. Song nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả đầu tư, tính lan tỏa và giá trị gia tăng mà Samsung mang lại cho Việt Nam không nhiều. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Đúng là Samsung đã trở thành một “hiện tượng Samsung” tại Việt Nam khi từ một dự án đầu tiên năm 2008 tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 670 triệu USD, nay đã mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và có thêm các dự án “Tỷ đô” tại Thái Nguyên, và Tp.HCM, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới gần 9 tỷ USD.

Không phủ nhận hoàn toàn các đóng góp của Samsung đối với Việt Nam trong thời gian qua như bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư; giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương đầu tư; tạo việc làm; tăng cường khả năng XK từ Việt Nam; đưa các sản phẩm công nghệ cao vào sản xuất tại Việt Nam;…

Nhưng cũng có thể nhìn ra những tồn tại của đầu tư Samsung tại Việt Nam như: giá trị sản phẩm XK của Samsung mà các DN Việt Nam tham gia được còn rất thấp. “Lối ra” cho phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam với cách không hỗ trợ các DN Việt Nam của Samsung như hiện nay là chưa rõ ràng. Do đó, việc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thông qua các DN nội địa và đào tạo nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam cũng chưa thấy.

Việc đòi hỏi các ưu đãi cũng là một ví dụ. Việc tạo ra các cạnh tranh giữa các DN Việt Nam trong thực hiện các dịch vụ cho Samsung (như dịch Logistics,…) cũng đáng để ý tới. Đó là chưa nói đến công tác hậu kiểm, kiểm tra đánh giá lại việc góp vốn, xuất nhập khẩu, nghĩa vụ thuế… nói riêng và các cam kết của Samsung nói chung cũng chưa được tập trung, công bố.

Kinh nghiệp quản lý các dự án lớn cho thấy, sau kiểm tra, thanh tra, luôn phát hiện các sai phạm của các NĐT, chưa thể nói Samsung đã có vi phạm gì, nhưng cần tiến hành đánh giá toàn diện việc thực hiện các cam kết của Samsung nói chung để giúp Samsung phát triển bền vững và hiệu quả tại Việt Nam.

Cũng như cần thẳng thắn đặt vấn đề với Samsung hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, mà trước mắt tham gia được vào dây chuyền sản xuất linh, phụ kiện sản phẩm của Samsung tại Việt Nam.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, với các dự án lớn, cần có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, song ưu đãi thế nào cho hợp lý, đặc biệt là vấn đề "nói không với ưu đãi vượt khung" cần được cơ quan quản lý chú ý. Vậy theo ông, cơ chế ưu đãi cần lưu ý những gì để đảm bảo phù hợp, thận trọng, hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nền kinh tế?

 

Xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các NĐT tiềm năng, các dự án có công nghệ cao, có năng lực tài chính, có thị trường,… là một định hướng đúng trong công tác xúc tiến đầu tư.

Các ưu đãi đầu tư đã dành cho các NĐT như Samsung, như các dự án của Samsung đều được xác định đúng theo các quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đều hiểu rõ  phải làm đúng luật và đã thận trọng giải quyết các ưu đãi không những theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm cấp phép, mà còn bảo đảm hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài giữa NĐT và nền kinh tế.

Lấy ví dụ các ưu đãi mà dự án đầu tiên của Samsung ở Bắc Ninh được cấp phép năm 2008: đã áp dụng các ưu đãi đối với dự án có sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư theo NĐ 108, theo đó Thuế TNDN bằng 10%, được miễn 4 năm từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo…

Tuy nhiên, để được hưởng các ưu đãi trên, NĐT phải thực hiện đúng các cam kết về: mục tiêu, quy mô, tổng vốn đầu tư, thời hạn và tiến độ thực hiện dự án, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo chi phí hoạt động nghiên cứu - phát triển…

Việc dành các ưu đãi cho các dự án của Samsung sau này cũng đã tuân thủ các nguyên tắc nêu trên. Và một trong các nguyên tắc quan trọng nhất là ban hành các ưu đãi phải phù hợp với các quy định của luật pháp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận đầu tư, “nói không với ưu đãi vượt các khung quy định của luật pháp” sẽ bảo đảm được hài hòa lợi ích giữa NĐT và nền kinh tế.

Cẩm An thực hiện