Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Người từ chối lương 100 triệu/ tháng khi nghỉ hưu

23-07-2015
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Gắn bó với FDI suốt sự nghiệp, lúc nghỉ hưu, ông Phan Hữu Thắng từ chối làm cố vấn với mức lương tháng 100 triệu đồng nhưng nhận lời mời làm Phó chủ tịch Quỹ Khuyến học Việt Nam.

 

Người từ chối lương 100 triệu/tháng khi nghỉ hưu

Hơn 65 tuổi và không còn là Cục trưởng Đầu tư nước ngoài đã 5 năm nhưng vẻ ngoài của ông Phan Hữu Thắng không có nhiều thay đổi. Cựu Cục trưởng đã có buổi trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam.

Dáng đi vẫn nhanh nhẹn, mái tóc được nhuộm đen nhánh, cùng phong cách giản dị, ông Thắng trả lời các câu hỏi về đầu tư nước ngoài (FDI) rất thẳng thắn, với một số thông tin mà trước đây khó có thể công bố.

Hiện tại, chuyên gia này tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam với vị trí Phó chủ tịch và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng chức danh khiến ông vui nhất là Phó chủ tịch Quỹ khuyến học Việt Nam.

Sự khởi đầu ngờ nghệch

Tốt nghiệp ở Liên Xô với học vị tiến sĩ, ông Thắng được nhận về Ủy ban Kế hoạch Nhà Nước. Khi Chính phủ thành lập Ủy ban Nhà Nước về Hợp tác và đầu tư, chuyên viên trẻ này nằm trong số vài người đầu tiên được chọn (một thành viên khác trong nhóm là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng).

Bắt đầu với vị trí Phó chánh văn phòng, rồi sau đó làm Vụ trưởng Vụ Quản lý dự án, ông Thắng làm Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 1995 đến lúc nghỉ hưu.

Trong năm đầu tiên đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, ông Thắng và các đồng nghiệp đơn giản “trình bày cái mình mong muốn” và chưa hiểu nhà đầu tư tiềm năng muốn gì. Khi các nhà đầu tư hỏi cụ thể thông số về các dự án đưa đi chào mời, đoàn xúc tiến lúng túng vì chưa có chuẩn bị.

Đó là thời gian đầy ngờ nghệch và non nớt khi chúng tôi chỉ quen với nền kinh tế kế hoạch hóa, đi xin viện trợ ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa và về phân phối lại cho các ngành, địa phương…”, cựu Cục trưởng Đầu tư nước ngoài tâm sự.

Một bước ngoặt trong giai đoạn khởi đầu là khi ông Thắng cùng thành viên trong đoàn được nghe ý kiến từ Chủ tịch Unilever Việt Nam. Ông này đặt câu hỏi: “Tại sao báo chí Việt Nam toàn đưa tin xấu về các doanh nghiệp FDI mà không nêu những cái tốt. Hơn nữa, sao đi xúc tiến đầu tư mà lại không có ví dụ về những doanh nghiệp FDI thành công?”.

Kể từ lần đó, một mô hình xúc tiến đầu tư mới được áp dụng “Sharing Success – Chia sẻ thành công” với sự tham gia tích cực của đại diện các doanh nghiệp có vốn FDI - những nhân tố điển hình của quốc gia cần chào mời đầu tư.

Khi doanh nghiệp của nước họ nói về kinh nghiệm của mình, những người đồng hương sẽ tin hơn rất nhiều lời chào mời của quan chức Việt Nam”, ông Thắng nhận định.

Thực tế, chính những doanh nghiệp thành công tại Việt Nam là người gỡ rối tiếng xấu cho môi trường đầu tư với những vấn đề như tham nhũng, quan liêu… “Nếu họ nói không gặp chuyện đó ở Việt Nam sẽ là tiếng nói khách quan”, cựu Cục trưởng nói.

Bài học từ khủng hoảng và dự án 500 tỷ USD bất thành

Năm 2000, Luật Đầu tư nước ngoài có phiên bản mới và là động lực cho một thập kỷ tăng trưởng mạnh sau đó.

"An ninh quốc gia và lợi ích mang lại cho dân tộc luôn phải đặt lên hàng đầu trong thu hút FDI”. Ảnh: Tuấn Mark.

Kể từ khi mở cửa, các khoản đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tăng nhưng chưa mạnh bởi nhiều nguyên nhân mà một trong số đó là luật pháp.

Cũng vì thế, Luật Đầu tư nước ngoài liên tục được sửa đổi nhằm đáp ứng với tình hình thực tế: 1987 – 1990 – 1992 – 1995 – 2000 và mới đây là 2014.

Năm 1997-1998, khủng hoảng tài chính ở châu Á (bắt nguồn từ Thái Lan) khiến cho việc tăng trường FDI gặp khó khăn.

Điều may mắn là độ mở nền kinh tế chưa cao nên nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam không bị tác động nhiều và trong số đó Tập đoàn Tung Shing – kinh doanh về thiết bị may mặc và bất động sản của Hong Kong là một ví dụ. Tập đoàn này vẫn phát triển bình thường trên đất nước hình chữ S trái ngược với khó khăn ở châu Á lúc đó.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế cũng là cơ hội để ông Thắng và những đồng nghiệp trong tổ soạn thảo sửa đổi luật về FDI có những bài học đắt giá. Năm 2000, Luật Đầu tư nước ngoài có phiên bản mới và là động lực cho một thập kỷ tăng trưởng mạnh sau đó.

Giai đoạn 1991-2000, vốn FDI thực hiện khoảng 20,26 tỷ USD thì 2001–2011 là 69,47 tỷ USD. Tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng từ 2% (1992) lên 18,97% (2011), và khoảng 20% trong các năm gần đây.

Năm 2008, thời điểm hoàng kim của FDI tại Việt Nam, ông Thắng và các đồng nghiệp đón nhận một dự án “không tưởng” từ Tập đoàn đầu tư Bất động sản Sama Dubai. Đây là kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế kiểu “tự trị” với số vốn lên tới 500 tỷ USD.

Thế nhưng, đặc khu 500 tỷ USD không thành hiện thực vì với hơn 30 yêu cầu thì trên 20 yêu cầu từ phía Sama Dubai không thể thực hiện được.

Cựu Cục trưởng Đầu tư nước ngoài chia sẻ: “Các ông chủ Ả-rập từng rất thành công khi xây dựng mô hình tại Dubai và muốn áp dụng tại Việt Nam. Thế nhưng, đề xuất của họ không phù hợp với luật pháp của Việt Nam. An ninh quốc gia và lợi ích mang lại cho dân tộc luôn phải đặt lên hàng đầu trong thu hút FDI”.

Chuyên gia về FDI này cho biết thêm, việc đàm phán dự án kéo dài tới 2 năm, với sự tham gia của nhiều bộ ngành dù không thành công cũng đem lại cho Việt Nam những bài học có giá trị.

Sau đó, báo chí đăng tải việc tỉnh Phú Yên đề xuất dừng đặc khu kinh tế của Sama Dubai. Thực tế, tập đoàn này cũng chưa từng vào Việt Nam mà chủ yếu thông qua một công ty tư vấn nước ngoài được họ lựa chọn.

Bí ẩn của dòng vốn công nghệ cao

Năm 2006, khi Intel chọn TP HCM (Việt Nam) làm nơi đặt nhà máy trị giá hơn 1 tỷ USD, khá nhiều người bất ngờ. Thời điểm đó, đất nước hình chữ S phải cạnh tranh khoản đầu tư tỷ đô này với Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan.

Theo ông Thắng, Việt Nam được Intel đặt nhà máy không hẳn do có ưu đãi nhiều hơn mà do môi trường đầu tư được đánh giá tổng thể tốt hơn: “Các chuyên gia tư vấn cho tập đoàn công nghệ Mỹ đánh giá rất kỹ lưỡng các yếu tố như nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, quản lý nhà nước… và điểm của chúng ta cao hơn”.

Chuyên gia về FDI này nói thêm, qua trao đổi ông thấy các nhà đầu tư Mỹ nói riêng, và các nhà đầu tư khác nói chung đánh giá cao Việt Nam ở nguồn nhân lực (thông minh, thân thiện, ham học hỏi), và nền văn hóa Việt Nam (chân thành, hiếu khách, dễ gần gũi, hòa nhập).

Bên cạnh đó là sự ổn định chính trị - xã hội cùng tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Những đặc điểm này cộng với yếu tố thị trường mới nổi, quy mô lớn, định hướng ưu tiên của Chính phủ cho phát triển khoa học công nghệ, giúp Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn công nghệ cao.

Sau khi Intel đặt nhà máy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới cũng chọn đất nước hình chữ S làm trung tâm sản xuất như Samsung, Microsoft, LG… với các dự án trị giá nhiều tỷ USD.

Từ chối lương hơn 100 triệu đồng mỗi tháng khi nghỉ hưu

Khi còn làm Cục trưởng, nếu không quá bận, ông Thắng thường mời cán bộ địa phương, doanh nghiệp, bạn bè từ các cơ quan khác… ăn trưa ở căng tin cơ quan để nắm thêm tình hình, đồng thời cũng tăng cường mối quan hệ.

Đến nay, các mối quan hệ này tiếp tục được duy trì và giúp ông nhiều trong việc nghiên cứu, tư vấn, viết bài và cả… xin tài trợ học bổng cho học sinh nghèo.

Khi nghỉ hưu, ông Thắng từ chối đề nghị làm cố vấn của một tập đoàn xuyên quốc gia với mức lương 100 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tuấn Mark.

Khi nghỉ hưu, ông Thắng từ chối đề nghị làm cố vấn của một tập đoàn xuyên quốc gia với mức lương 100 triệu đồng một tháng. Ảnh: Tuấn Mark.

Khi phóng viên đến tòa nhà Plaschem 562 Nguyễn Văn Cừ và nói số phòng 902, anh bảo vệ hỏi luôn: “Anh lên gặp chú Thắng à?”. Khi được hỏi về chi tiết này, cựu quan chức cho biết, ông đến đây làm việc đã 2 năm và theo thói quen thường chào hỏi, làm quen với mọi người trong đó có anh chị em bảo vệ, lễ tân, lao công…

Trong suốt cuộc trò chuyện, cựu Cục trưởng luôn tránh các câu hỏi về đóng góp cá nhân trong lĩnh vực FDI. Ông chỉ chia sẻ những câu chuyện chuyên môn đáng nhớ, bài học trong lĩnh vực FDI và điều cần làm giúp cho dòng vốn ngoại giao vào Việt Nam tốt hơn…

Ngay trước và sau khi nghỉ hưu, chuyên gia này nhận được nhiều lời mời làm việc từ tập đoàn, công ty lớn. Trong số đó, ông từ chối đề nghị làm cố vấn của một tập đoàn xuyên quốc gia bắt đầu đầu tư lớn tại Việt Nam thời gian đó với mức lương 100 triệu đồng/tháng.

Một người bạn nói với ông: “Mày điên à!”. Bản thân chuyên gia FDI này cũng thừa nhận, đó là một cơ hội tốt nhưng không nói lý do từ chối.

Thay vào đó, ông nhận lời tham gia Quỹ Khuyến học Việt Nam với cương vị Phó chủ tịch (Chủ tịch là nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm).

Nhiệm vụ của cựu Cục trưởng ở đây chủ yếu là vận động tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi. Ông tâm sự: “Mình xin giữ chức này đến khi không xin được tài trợ nữa thì nghỉ”.

Theo Hoàng Ly

Zing