Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

"Nhìn" hạ tầng đầu tư bất động sản

20-08-2015
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Huỳnh Phước Nghĩa



Sau khi Tập đoàn Vingroup được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch thường xuyên bị ngập lụt gây ách tắc giao thông như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm..., hàng loạt dự án bất động sản tại Q.Bình Thạnh đã khởi động để “ăn theo”. Những người mua nhà cũng "nhìn" đường chạy tới đâu để mua đất, mua nhà nơi đó.

'Nhìn' hạ tầng đầu tư bất động sản Hạ tầng được đầu tư, kết nối đồng bộ là lợi thế cho những chủ đầu tư có dự án tại khu vực phía đông - Ảnh: Đình Sơn
8 tỉ USD đổ vào khu đông
Theo thống kê của Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC), riêng khu vực phía đông TP.HCM tính đến giữa năm 2015 đã có khoảng 8 tỉ USD được đầu tư vào hạ tầng, các dự án nhà ở và thương mại, dịch vụ... Đây chỉ là những dự án có sẵn đã công bố, cộng dồn lại mà chưa kể những dự án đang chuẩn bị triển khai, chưa công bố nhưng có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Một số chuyên gia ước tính, có tới gần 14 tỉ USD đã và đang đổ vào hạ tầng, bất động sản (BĐS) phía đông.
Theo phân tích của ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cao cấp GIBC, khu phía đông hấp dẫn các nhà đầu tư bởi đây là cửa ngõ vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với đầy đủ hạ tầng như cảng Phú Mỹ, sân bay Long Thành sắp được khởi động... Toàn bộ các tỉnh, thành trong vùng đều đổ tiền vào phát triển hạ tầng nên các doanh nghiệp BĐS cũng đổ dồn về đây để đầu tư, ăn theo. “Hiện hướng nam đã kín dự án, hướng tây còn “lình xình”, hướng bắc thì khó phát triển trong khi khu vực phía đông hạ tầng được đầu tư đồng bộ nên thị trường BĐS khu vực này có thể tăng trưởng kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm nữa”, ông Huỳnh Phước Nghĩa phân tích.
 
 
'Nhìn' hạ tầng đầu tư bất động sản - ảnh 2
Hiện hướng nam đã kín dự án, hướng tây còn “lình xình”, hướng bắc thì khó phát triển trong khi khu vực phía đông hạ tầng được đầu tư đồng bộ nên thị trường BĐS khu vực này có thể tăng trưởng kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 năm nữa
'Nhìn' hạ tầng đầu tư bất động sản - ảnh 3
 
Ông Huỳnh Phước Nghĩa,
chuyên gia tư vấn cao cấp GIBC
 
Cụ thể hơn, ông Đỗ Văn Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam, tính toán trong 8 tỉ USD thì có khoảng 3 tỉ USD đổ vào đầu tư hạ tầng, còn lại BĐS “hút”. Hiện nay khu vực phía đông TP.HCM gồm các quận Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức đang phát triển nhanh và trở thành điểm nóng trong việc thu hút đầu tư; trong đó Bình Thạnh với vai trò là cửa ngõ và có vị trí hạt nhân lại chưa phát triển tương xứng. Tuy nhiên, với những định hướng quy hoạch đã được phê duyệt, bộ mặt mới cho hạ tầng đô thị Bình Thạnh nói riêng và phía đông TP nói chung chắc chắn sẽ có đột phá, tạo tiền đề và sức bật cho cả khu vực.
Giao dịch tăng mạnh
Không chỉ các nhà phát triển BĐS, người mua nhà, người đầu tư cũng nhìn “đường chạy tới đâu, cầu thông chỗ nào” để nhắm mua nhà. Vì thế, giao dịch của các dự án khu phía đông thời gian qua có tỷ lệ thành công cao nhất. Điển hình như dự án Saigonres Plaza (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh) đã kinh doanh thành công giai đoạn 1 với hơn 200 giao dịch, hiện tiếp tục công bố gói sản phẩm mới ở giai đoạn 2. Dự án Vinhomes Tân Cảng do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư đến nay đã bán được khoảng 3.000 căn hộ. Dự án Lexington (Q.2) của Novaland hơn 1.300 căn đến nay đã bán hết. Dự án Mega Vilage của Công ty Khang Điền ở Q.9 chỉ trong một ngày mở bán đã có hơn 100 căn hộ được khách hàng đặt mua. Trước đó, các dự án Mega Ruby, Mega Residence cũng đã bán hết, với giá bán dự án sau luôn cao hơn dự án trước. Theo lý giải của Công ty Khang Điền, dự án được mua nhiều bởi nằm ngay đường vành đai trong dẫn lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Không chỉ giao dịch khá tốt, thậm chí nhiều dự án đã xuất hiện mua bán chênh lệch giá trên thị trường. Một chuyên gia BĐS tính toán, trong những tháng đầu năm nay, hầu hết các dự án xung quanh tuyến metro đều có mức tăng giá khoảng 10 - 15%, thậm chí có dự án tăng giá tới 45% trên thị trường thứ cấp.

Đình Sơn