Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Tiền bạc không phải là thước đo duy nhất của một doanh nghiệp thành công

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư - Tạp chí Kinh doanh Uy tín hàng đầu, số: Phạm Phú Ngọc Trai - Một bước ngoặt mới, ra ngày 22-03-2010
Tiền bạc không phải là thước đo duy nhất của một doanh nghiệp thành công
Tác giả: Lan Anh    NCĐT 22/03/2010
 

Trò chuyện của Nhịp Cầu Đầu Tư với ông Phạm Phú Ngọc Trai về những được - mất trên con đường kinh doanh và quan điểm điều hành của ông.  

Gây dựng PepsiCo tại Việt Nam trong hoàn cảnh nền kinh tế mới mở cửa rất non trẻ và gắn bó trong suốt gần 20 năm, ông được giới kinh doanh trong nước đánh giá là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuyên nghiệp. Điều gì tạo nên thành công này?

Cách đây 20 năm, khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới phôi thai, tôi đã có mong muốn phát triển một ngành công nghiệp có tầm cỡ. Lúc đó, tôi có thể thành lập công ty tư nhân, hoặc ngân hàng… như nhiều người cùng thời. Mỗi người có một cách chứng tỏ khả năng lãnh đạo và đưa doanh nghiệp thành công. Cá nhân tôi mong muốn được lãnh đạo một công ty đa quốc gia.

Điều gì khiến tôi làm được ư? Công ty đa quốc gia luôn muốn có hệ thống giống nhau, nhưng thực ra ở mỗi thị trường lại có những hoàn cảnh riêng. Người lãnh đạo phải biết kết hợp giữa hệ thống điều hành quốc tế với những đặc điểm của địa phương. Tôi đã từng qua Ấn Độ, qua Mỹ để thử sức mình, rồi khi trở về Việt Nam lại quản lý một số thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi muốn chứng minh rằng người Việt Nam cũng có thể lãnh đạo một công ty đa quốc gia.

Từ thời điểm ông bắt đầu làm việc cho Pepsi đến nay, đã có thêm nhiều nhà quản lý trẻ Việt Nam bước chân vào những vị trí cao trong các công ty nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về đội ngũ này?

Thị trường đã sản sinh ra một đội ngũ quản lý trẻ, có năng lực, được trang bị tốt về kiến thức, đó là điều rất đáng mừng. Theo một thống kê mà tôi đọc được, hiện nay có hơn 7.000 người Việt Nam làm ở các vị trí quản lý trong các công ty nước ngoài. Điều mà tôi day dứt nhất khi rời khỏi Pepsi là không tạo dựng được một người kế thừa. Ban Giám đốc của Pepsi hiện nay toàn người nước ngoài, chỉ có 2 người Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ hiện nay có xu hướng không kiên nhẫn. Họ thiếu sự gắn bó với doanh nghiệp. Có thể tham vọng, lý tưởng của họ nằm ở chỗ khác. Tuy nhiên, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải gắn kết được các thành viên. Tôi nghĩ các bạn cần vận dụng văn hóa Việt Nam vào quản lý các công ty đa quốc gia. Thực tế nhưng đừng thực dụng.

Ông là cổ đông sáng lập của một số công ty, ngân hàng mà hiện nay đang rất phát triển, tại sao ông không theo đuổi công việc này?

Tôi tham gia vào những hoạt động này vì muốn đóng góp với bạn bè trong giai đoạn đầu. Nhiều người tưởng tôi rất giàu có vì là cổ đông sáng lập của nhiều công ty, nhưng thực ra không phải thế. Chẳng hạn như với Tribeco, lúc làm ở Pepsi tôi phải bán hết cổ phần để tránh xung đột lợi ích.

Ông có bao giờ nuối tiếc rằng mình đã không theo đuổi hoạt động kinh doanh riêng mà lại làm việc cho Pepsi?

Bạn bè, người thân, kể cả gia đình cho rằng tôi đã dành một thời gian quá dài cho Pepsi, đi làm công cho công ty nước ngoài. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc. Tôi nghĩ là mình đã thực hiện được một số ý nguyện của mình. Mỗi người có lý tưởng kiếm tiền, quan niệm về lợi nhuận khác nhau. Tôi nghĩ thành công là đem lại lợi nhuận cho công ty và giá trị cho xã hội. Chưa chắc có nhiều tiền mà uy tín xã hội đã tốt.

Đồng ý là về mặt lợi nhuận, nếu là sở hữu của cá nhân mình thì tốt hơn. Tuy nhiên, xây dựng được nhiều giá trị cho xã hội, ở một góc độ nào đó, cũng có thể coi là lợi nhuận. Nếu anh được cộng đồng trân trọng thì anh là người giàu có về giá trị, khác với những người có bạc tỉ. Tôi rất tôn trọng những người tự mình xây dựng nên sự nghiệp, nhưng còn tùy vào sự đóng góp của họ cho cộng đồng, mà sự kính trọng của mình đối với họ ít hay nhiều.