Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Hội nhập: Không chỉ là "sân nhà, sân khách"

24-09-2015
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Gần 1.000 CEO của các doanh nghiệp đã tham gia CEO FORUM 2015, chiều ngày 24/9/2015 tại Tp. Hồ Chí Minh, để trao đổi, thảo luận về chủ đề "Tư duy 90 hay 600" khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra mắt và vận hành vào tháng 12/2015.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập với mục tiêu hướng đến một thị trường chung, trong đó: hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển giữa các quốc gia trong khu vực. 

Điều này đặt ra cho các DN Việt Nam một câu hỏi: Liệu tư duy kinh doanh hiện tại chỉ nên tập trung vào thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân, hay sẽ dần thay đổi để hội nhập quốc tế, phục vụ một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu công dân ASEAN? 

Tư duy 90 hay 600?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, khách mời danh dự của CEO Forum 2015 đã khẳng định: "Để hội nhập thành công với tư duy không chỉ phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt Nam hay 600 triệu dân ASEAN mà thậm chí cần cả tư duy toàn cầu, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh và Nhà nước thông qua cải cách thể chế, sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

 

Về tư duy 90 hay 600, trong diễn đàn cũng tồn tại hai luồng ý kiến song song. Người thì cho rằng trước mắt chỉ nên tập trung cho thị trường trong nước để ổn định "giữ chỗ"; người thì có ý kiến bảo đây là thời điểm mà DN Việt Nam cần mạnh mẽ thay đổi tư duy, sẵn sàng vươn ra biển lớn, nếu không thì quy mô DN sẽ không được cải thiện, cách thức kinh doanh cũ kĩ, nhỏ lẻ, manh mún sẽ còn tồn tại không biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm TGĐ công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, cho biết: "Tôi sẽ tư duy 600 nhưng trước mắt, với đặc thù lĩnh vực kinh doanh của mình, sẽ chỉ hành động trong khuôn khổ 90 để giữ được thị trường trong nước". 

Bà Quỳnh Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, nói: "Đã đến thời điểm các DN Việt Nam cần có tư duy và hành động trên cơ sở 600 để mở rộng thị trường kinh doanh, nếu không, chúng ta sẽ thua".

Pham Phu Ngoc Trai

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Nguyên Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu

-------------------------------
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp đầu đàn mới tạo nên được sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Nâng cao năng lực quản trị, đổi mới và sáng tạo, tầm nhìn,… là những đòi hỏi cấp thiết đối với các CEO 3.0- CEO thời hiện tại để thắng trong hội nhập, cạnh tranh hiện nay.

Thực tế hiện nay, chiếm phần lớn trong tổng số DN Việt Nam là các DN với quy mô vừa và nhỏ. Thậm chí, có những doanh nghiệp với quy mô rất nhỏ, chỉ có từ 5-10 lao động. Như vậy, việc có một chỗ đứng trong thị trường trong nước còn khó khăn, chưa nói đến thị trường nước ngoài. 

Một vấn đề khác nhiều DN Việt Nam gặp phải, đó là quá ham xuất khẩu mà bỏ quên "sân nhà", để đến khi thị trường nước ngoài gặp khó khăn thì các DN này bắt đầu loay hoay đi không được mà ở cũng không xong. 

Việc hội nhập quốc tế rõ ràng không phải nằm ở hai con số cơ học 90 hay 600, nó thể hiện sự tư duy có chiều sâu cũng như nhanh nhạy của từng doanh nghiệp trong việc nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. Khi những yếu tố căn bản này còn khiến cho doanh nghiệp gặp khó thì đá sân nhà hay sân khách cũng vậy thôi. 

Một trong những sứ mệnh của diễn đàn đặt cho thế hệ CEO 3.0 là: Đưa Việt Nam trở thành Quốc gia "chiến thắng" trong cuộc chơi hội nhập quốc tế mà trước hết là khu vực ASEAN. Nhưng làm sao để có một vị thế tốt trong bối cảnh hội nhập không phải là một câu hỏi dễ có câu trả lời.

Làm sao chiến thắng?

Các doanh nhân cho rằng: Trong cuộc đua này, có lẽ sẽ không có sự khác biệt giữa vị trí các loại hình DN. Quan niệm về DN Nhà nước, DN tư nhân, DN chiếu trên – chiếu dưới, tư tưởng hành động vì lợi thế riêng của từng DN Việt Nam nên được loại bỏ và tất cả các DN dù lớn hay nhỏ thì đều cần có một định hướng hành động chung để cùng phát triển bộ mặt kinh tế đất nước. 

Tất cả các yếu tố về năng lực quản trị của DN, tầm nhìn ngắn và dài hạn của các CEO, nguồn nhân lực, vai trò của Chính phủ trong hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, năng lực quản trị của bộ máy nhà nước…đều cần phải được đưa ra xem xét, thảo luận để phát huy được sức mạnh tổng lực, giúp Việt Nam trong tiến trình hội nhập được dễ dàng hơn.

CEO Forum 2015

Đại biểu tham dự hội nghị

Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, Nguyên Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, cho rằng: "Cần có tầm nhìn trong hội nhập đối với các C.E.O 3.0, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, bỏ tư duy xin-cho, ban- phát giữa Nhà nước và DN; DN tư nhân phải dám đòi hỏi và sáng tạo". 

Ông Lê Chí Thông, Phó Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam, bổ sung: "Trong cuộc cạnh tranh nội khối ASEAN này, sự tham gia không chỉ đến từ các DN, mà cả Chính phủ các nước cũng phải vào cuộc với vai trò người cầm lái và đánh nhịp cho con thuyền vươn lên phía trước"

Để hội nhập thành công với tư duy không chỉ phục vụ cho hơn 90 triệu dân Việt Nam hay 600 triệu dân ASEAN mà trên toàn thế giới, ông Hà Hùng Cường khẳng định không chỉ doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, có ý thức tự nâng cao năng lực cạnh tranh, mà bản thân Nhà nước cũng cần thông qua cải cách thể chế để năng lực cạnh tranh của quốc gia được cải thiện. Có vậy, ta mới có hi vọng không lạc lõng trong cuộc chơi hội nhập này. 

Trước những lựa chọn sống còn mang tính chiến lược trong thời kỳ hội nhập cạnh tranh cao như hiện nay, câu hỏi "Phòng thủ hay Tấn công?", "Dẫn đầu hay theo gót?" trở thành đề tài đặc biết thu hút các doanh nhân tham dự Diễn đàn.

Với câu hỏi "phòng thủ hay tấn công", phần lớn các CEO tham dự đều thể hiện ý chí tấn công. Một vị giám đốc doanh nghiệp sản xuất ngành giấy phía Nam cho biết: "tôi sẽ đổ bê - tông đối với các khách hàng đã có và sẽ dốc hết hầu bao cho thị truong mới bên ngoài". 

Nhưng vấn đề đặt ra là tấn công thế nào khi để tấn công được phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: năng lực quản trị của DN, tầm nhìn ngắn và dài hạn của các CEO, nguồn nhân lực, vai trò của Chính phủ trong hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, nâng cao năng lực quản trị của bộ máy nhà nước,…

Một tư duy quan trọng khác là sự lưa chọn chiến lược "Dẫn đầu hay theo gót". Các CEO doanh nghiệp Việt tham dự Diễn đàn đều bày tỏ ý chí phải dẫn đầu. Doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai đề xuất: "Trong 400 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay (số liệu 2014), cần có các DN đầu đàn. Để có được DN đầu đàn cần có sự liên kết giữa DN nhỏ và vừa với nhau. Nhà nước cần công khai ủng hộ việc xây dựng các DN đầu đàn này. Bằng việc xác định rõ các tiêu chí để được công nhận là các doanh nghiệp đầu đàn, công khai nêu các ưu đãi của Chính phủ dành cho các DN này không phân biệt DN tư nhân hay DN nhà nước".

Hồng Minh