Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

FDI 2015: Tăng tốc về đích ngoạn mục!

03-01-2016
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Theo số liệu thống kê được công bố định kỳ hàng tháng đầu năm của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, những lo lắng về tình hình thu hút FDI vào Việt Nam là có nguyên nhân. Trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp hiện có chỉ đạt 5,43 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ 2014. Con số này trong 7 tháng đầu năm cũng chỉ là 9,9 tỷ USD, bằng 92,4% so cùng kỳ 2014.

Các điểm sáng

Sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI đăng ký bắt đầu từ tháng 8/2015, giúp kết quả thu hút FDI 8 tháng đầu năm đạt 13,3 tỷ USD, tăng 30,4 % so cùng kỳ 2014. Kết quả cả năm 2015 đạt 22,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với mức đã đạt được trong 2014 là 21,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Dù có thăng trầm, nhưng có thể coi vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là một điểm sáng, góp phần để toàn cảnh bức tranh về FDI 2015 hấp dẫn hơn.

Điểm sáng tiếp theo của FDI 2015 là vốn FDI thực hiện. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu, nguồn lực lao động chất lượng cao – qua đào tạo còn thiếu,… nhưng vốn FDI thực hiện hàng tháng vẫn duy trì được ở mức tăng trưởng nhẹ so với cùng kì năm trước. Vốn FDI giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6%; 7 tháng đạt 7,4 tỷ USD tăng 8,8% so cùng kỳ 2014, tăng 17,4%. Kết quả cả năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD, vượt 2 tỷ USD và tăng 12,5% so với 2014.

Cùng với các kết quả trên, số lượng các dự án cấp mới và số lượt dự án tăng vốn của các doanh nghiệp FDI hiện có để mở rộng sản xuất đều cao hơn so với năm 2014. Số dự án cấp mới 2015 là 2.013 dự án, tăng 26,8%, số lượt dự án tăng vốn từ các doanh nghiệp FDI hiện có là 814 lượt tăng 37,0%, cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam, vào môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục được giữ vững, được đánh giá cao.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI như xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt mức 115,132 triệu USD tăng 13,8%, xuất khẩu không kể dầu thô đạt 111,326 triệu USD tăng 18,5%, nhập khẩu đạt 97,982 triệu USD tăng 16,4%, đã tác động tích cực tới tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 2015, góp phần giúp GDP đạt mức 6,7% cao hơn mục tiêu đặt ra đầu năm.

Năm 2015 là năm có những tiến bộ vượt bậc trong hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư: Luật đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 thay thế cho Luật đầu tư 2005 với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.

Các tiến bộ vượt bậc này của quản lý Nhà nước đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng về FDI trong 5 tháng cuối năm 2015, làm đảo chiều từ suy giảm trong 7 tháng đầu năm so cùng kỳ 2014, sang tăng trưởng trong 5 tháng cuối năm, giúp FDI về đích ngoạn mục.

Còn có khá nhiều các điểm sáng khác nhỏ hơn, góp phần tạo nên bức tranh sáng của FDI 2015 có thể nêu gọn như: tiếp tục giữ được chân và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, đặc biệt là Hàn Quốc (đứng đầu với vốn đăng ký và tăng thêm 6,7 tỷ USD chiếm 29,5% trên 22,7 tỷ tổng vốn FDI đăng ký 2015), Nhật Bản (đứng thứ ba với 1,84 tỷ USD)…; Đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục đổ nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện, nước, khí, điều hòa, với mức vốn FDI đăng ký 18 tỷ USD, chiếm gần 80% tổng vốn FDI đăng ký trong 2015, phù hợp với định hướng CNH, HĐH đất nước;…

Vốn đăng ký 10 ngành lớn nhất

Những điểm tối

Bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên của FDI 2015, còn có một số vấn đề cần lưu ý đối với công tác thu hút, quản lý FDI. Đó là chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư tiềm năng đến từ châu Âu, châu Mỹ, (đặc biệt là Bắc Mỹ), châu Úc, Nga. Nhìn vào Top 10 các nhà đầu tư lớn nhất trong 2015, có tổng vốn FDI đăng ký tới trên 19,4 tỷ USD, chiếm 85,4% tổng vốn FDI 2015, thấy chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Trung Quốc). Sự thiếu vắng các nhà đầu tư tiềm năng phần nào đã hạn chế việc thu hút công nghệ cao từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu,...

Mất cân đối về hình thức đầu tư. Đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tiếp tục là hình thức đầu tư chủ yếu trong FDI 2015, khi chiếm tới trên 86% số dự án FDI 2015. Với tình hình này, việc tiếp cận công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý thông qua FDI rõ ràng bị hạn chế, và không phù hợp với mục tiêu thu hút công nghệ tiên tiến thông qua FDI vào Việt Nam.

Tái xuất hiện việc “Đầu tư chui” khi người nước ngoài thông qua người Việt Nam đứng tên mua bất động sản, đầu tư là một dạng đầu tư “chui” có vốn nước ngoài, như tình trạng người nước ngoài mua các dự án ven biển theo kiểu thâu tóm, tập trung ở khu vực quận Ngũ Hành Sơn, quận Sơn Trà, sân bay nước mặn,… thuộc Đà Nẵng. Đây là một dạng đầu tư chứa đựng nhiều tiềm ẩn xấu về lâu dài.

Số lượng dự án FDI không triển khai trong năm, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn đã được cấp phép từ nhiều năm trước, tuy đang được các địa phương “Hậu kiểm” xử lý, nhưng vẫn còn nhiều, để lại nhiều tồn tại khó giải quyết.

Ngoài ra, còn các vấn đề khác sau đây, vẫn cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ. Đó là việc chuyển giá – trốn thuế của một số các doanh nghiệp FDI với nhiều nghi án cũng chưa có giải pháp hữu hiệu, chưa có kết luận chính thức dù được đề cập đến trước và trong 2015; việc tiếp cận đất của các nhà đầu tư cũng còn nhiều khó khăn; quỹ đất ngoài các KCN còn không nhiều và khó tiếp cận, trong khi đất trong các KCN thì có xu hướng tăng giá so với trước; vẫn chưa xử lý dứt điểm được các vấn đề về gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động đầu tư nước ngoài; thiếu hụt nguồn nhân lực cao; chính sách thì thông thoáng nhưng thủ tục hành chính thông qua bộ máy, con người cụ thể vẫn còn nhiều phiền hà đến hoạt động của doanh nghiệp.

Nhận xét và dự báo

Bước vào năm 2016 và giai đoạn mới 2016 – 2020, thu hút FDI vào Việt Nam đứng trước những thuận lợi và khó khăn đan xen. Các thuận lợi cơ bản như: nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục phát triển với khả năng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng GDP cao; sự ổn định chính trị – xã hội, cùng với các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế, giải phóng lực lượng sản xuất,… của Chính Phủ, đã và tiếp tục được ban hành trong thời gian tới.

Các Bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp thực hiện các cải cách, đổi mới trong quản lý nhà nước để hỗ trợ thúc đẩy đầu tư; Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế trong nước.

Các khó khăn, thách thức cũng thấy rõ như: dòng vốn FDI toàn cầu có xu hướng giảm; cạnh tranh trong thu hút FDI tiếp tục diễn ra gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực; nền kinh tế tiếp tục đối mặt với các tồn tại hiện nay tuy đang được khắc phục dần từng bước: cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu so nhiều nước trong ASEAN; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu của hoạt động FDI; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; còn có khoảng cách giữa chính sách và thực thi;…

Trước những thuận lợi và thách thức đó, đặc biệt là thách thức về cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, cho thấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vì “Sức cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh mỗi nước sẽ quyết định thành tựu thu hút đầu tư của nước đó”.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cần tiếp tục hoàn thiện các yếu tố cấu thành nên môi trường đầu tư – kinh doanh: hoàn thiện thể chế kinh tế; hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư – kinh doanh; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực về dịch vụ tài chính, ngân hàng, logictics; cải cách thủ tục hành chính,…

Nâng cao được năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam, sẽ thúc đẩy được dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2016 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, dự kiến nguồn vốn FDI thực hiện trong 2016 sẽ tăng khoảng 10  - 15% so với mức đã đạt được trong 2015.

Ts. Phan Hữu Thắng