Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Để tránh những hệ lụy khi thu hút FDI

17-05-2016
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Gần 2 năm trở lại đây, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng đáng kể. 

 

Đặc biệt, kể từ khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2015) với nhiều thay đổi quan trọng như các quy định về cấm đầu tư (ĐT), ĐT có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về ĐT là bước tiến mới trong quá trình phát triển luật pháp về ĐT của Việt Nam tính từ tháng 12/1987 - năm Luật Đầu tư Trực tiếp nước ngoài ra đời, đã có tác động thúc đẩy không những ĐT nước ngoài vào Việt Nam mà còn đẩy mạnh ĐT trong nước và ĐT của Việt Nam ra nước ngoài. 

Đối với thu hút FDI, tác động tích cực của Luật Đầu tư 2014 đã mang lại kết quả cụ thể: Vốn đăng ký năm 2015 đạt trên 24 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2015 đã làm thay đổi cách nhìn nhận về mức hấp dẫn của môi trường ĐT Việt Nam, đáng chú ý có các công trình lớn trong sản xuất các loại sợi và điện.

Điển hình như nhà máy sản xuất và gia công các loại sợi công nghiệp của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với tổng vốn ĐT 660 triệu USD, hay Nhà máy Điện Duyên Hải 2 với tổng vốn ĐT 2,4 tỷ USD tại tỉnh Trà Vinh của nhà đầu tư Malaysia với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất 1.200MW.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên còn nhiều cơ hội để đón dòng ĐT bên ngoài. Tuy vậy, thu hút ĐT trong giai đoạn mới phải gắn chặt với vấn đề bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng. Không thể để cho các công trình vận hành khi không tuân thủ, không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Các địa phương không nên vì chạy theo thành tích mà để xảy ra tình trạng "bội thực" dự án (trước năm 2008) so với quy hoạch và đặc thù của tỉnh đối với một số lĩnh vực như đầu tư sân golf, nhà máy thép ở Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu - những địa phương vốn có thế mạnh về nông nghiệp và du lịch.

Muốn kinh tế phát triển, dĩ nhiên phải có ĐT. Với nguồn lực về vốn, công nghệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn cần đến dòng ĐT bên ngoài, nhưng phải thực hiện đúng chủ trương thu hút ĐT nước ngoài. Theo đó, cần phải phân định cái gì trong nước làm được thì để cho trong nước làm và chỉ cấp phép cho các dự án FDI khi đã đáp ứng đủ các quy định của luật pháp, cụ thể là đúng quy hoạch, nhà đầu tư (NĐT) có năng lực tài chính, có công nghệ cao, đảm bảo các điều kiện về môi trường và NĐT đã có cam kết, giải pháp, kế hoạch triển khai dự án rõ ràng, cụ thể.

Chẳng hạn như với ngành sản xuất sợi, nhuộm, dệt may, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đầu ngành cần tính đến khả năng trong nước (cả ngắn hạn, dài hạn) làm được đến đâu, trên cơ sở đó cho phép các NĐT nước ngoài tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành này bao nhiêu là phù hợp.

Với lĩnh vực này, theo tôi, nên tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp thuộc các nước thành viên TPP. Song, khu vực nào thì phải theo đúng quy hoạch ngành đó, tránh việc chỉ gia công với phần giá trị gia tăng thấp như cách xuất khẩu thuê cho bên ngoài ngay tại thị trường của mình, làm mất cơ hội hưởng lợi từ các quy định miễn giảm thuế của các FTA và đặc biệt là TPP.

Do vậy, để tránh hệ lụy từ việc cấp phép "nhầm" dự án không mong muốn và đảm bảo FDI trở thành nguồn lực hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, Việt Nam phải đặc biệt chú trọng đến vai trò của cơ quan có thẩm quyền xét duyệt dự án ĐT cũng như công tác hậu kiểm.

Khâu hậu kiểm có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thực hiện cam kết của NĐT liên quan đến các yếu tố an toàn lao động, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, kinh doanh (phát hiện và chống chuyển giá)...

Thêm nữa, phải xem xét, khuyến khích ĐT theo hình thức công ty liên doanh, công ty cổ phần có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong các công trình FDI, giúp tăng cường giám sát nội bộ vì hiện đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ áp đảo (lũy kế đến cuối năm 2015, FDI còn hiệu lực ĐT theo hình thức 100% vốn nước ngoài là 16.506/20.069 công trình, trong khi đó theo hình thức liên doanh chỉ có 3.321 công trình, phần còn lại là các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng BT, BOT, BTO).

Song song đó, về dài hạn, Việt Nam nên có chính sách thu hút ĐT vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nông ngư nghiệp với quy mô lớn, công nghệ xanh tạo nên vùng sản xuất nông - công nghiệp lớn cho xuất khẩu và thị trường trong nước. Thu hút ĐT vào nâng cao cơ sở hạ tầng và chất lương dịch vụ du lịch - một trong những tiềm năng lớn sẵn có của Việt Nam và Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu trong lĩnh vực này nhằm tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Tiếp đến là thu hút ĐT vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế với các NĐT có danh tiếng về đào tạo, giáo dục trên thế giới. Thu hút ĐT vào lĩnh vực y tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

H.ÂU