Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

TS. Phan Hữu Thắng: “Formosa là thất bại lớn nhất trong thu hút và quản lý FDI”

20-07-2016
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



TS. Phan Hữu Thắng: “Formosa là thất bại lớn nhất trong thu hút và quản lý FDI”

TS. Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, bộ Kế hoạch và đầu tư.

Để làm rõ vấn đề này, BizLIVE đã có cuộc trao đổi trực tiếp với  TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Thưa ông, Formosa đã thừa nhận sai phạm, nhưng nên ứng xử ra sao với điều này thì lại đang còn là một ẩn số, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này? 
TS. Phan Hữu Thắng: Formosa có thể coi là thất bại nhất của chúng ta trong thu hút đầu tư nước ngoài và quản lý FDI
Trước khi bàn tới chuyện nên ứng xử thế nào với Formosa thì chúng ta nên nhìn câu chuyện từ góc độ: tác động của việc để Formosa ở lại hay “đuổi” Formosa đi sẽ như thế nào?
Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận và coi trọng cả 2 phương án này như nhau, dù để Formosa tiếp tục hay cắt bỏ giấy phép đều cần có những phương án cụ thể, dựa trên những quan điểm khoa học, chi tiết chứ không thể hú họa, qua loa.
Trước tiên, Việt Nam cần có đội ngũ chuyên môn cao để kiểm tra, kiểm soát quá trình này. Chúng ta cần xác định rõ rằng nếu cho Formosa tiếp tục hoạt động thì cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cần có sự thống nhất giữa các bộ ngành về việc xử lý nước thải như thế nào? Formosa phải bổ xung các kỹ thuật, máy móc mới ra sao? 
Trong trường hợp nhà đầu tư không thuận theo phương án trên, cho là quá tốn kém, không làm được, thì lúc đó chúng ta buộc phải dừng dự án. Và trong trường hợp này, chúng ta cần đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.
Vậy, thưa ông, cách ứng xử của chúng ta với Formosa có ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? Liệu nhà đầu tư có trông vào đó mà sợ? 
Nhà đầu tư nước ngoài vào là do nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam. Họ thấy rằng môi trường đầu tư, chính trị xã hội ổn định, luật pháp, chính sách thông thoáng. 
Theo như tôi tham khảo một số nhà đầu tư nước ngoài thì dù Việt Nam có rút giấy phép của Formosa cũng không ảnh hưởng gì tới đầu tư của nước ngoài. Không những thế, thực ra họ đều biết về thực tế về Formosa, nên Việt Nam có “cứng rắn” hơn nữa thì nhà đầu tư nước ngoài còn thấy ta có một chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mặt khác, dù sao môi trường Việt Nam cũng còn ảnh hưởng tới các nước khác, nên có vẻ các nước sẽ ủng hộ Việt Nam trong trường hợp này nhiều hơn là phản đối.
Bài học gì cho Việt Nam sau câu chuyện của Formosa, thưa ông?
Bài học thì rất nhiều, nhưng liệu chúng ta có chịu nhìn vào đó để thay đổi? 
Về phía Chính phủ cần sự tự phê vì quản lý yếu kém, hệ thống chính sách chưa hoàn thiện.
Về đầu tư thì nên tập trung lại cho Bộ Kế hoạch và đầu tư kiểm tra, rà soát, đưa phương án, điều kiện. Chúng ta cần có sự cân đối trong việc lựa chọn nhà thầu, làm sao hài hòa giữa các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam.
Mục tiêu là thu hút công nghệ nhưng hiện nay FDI lại là 100% nước ngoài thì làm sao mà tiếp thu công nghệ? Vì thế chúng ta cần tính tới bài toán thay đổi phương thức đầu tư, hợp tác để đạt được những mục tiêu quan trọng đặt ra khi thu hút đầu tư nước ngoài.
Riêng về Formosa thì chúng ta cần có một cuộc tổng kiểm tra toàn diện theo giấy phép đầu tư, từ vốn, máy móc xem có đúng cam kết không? Và cần chứng minh sự nghiêm túc của nhà đầu tư.
Hãy coi Formosa là một điển hình, bài học cho các địa phương khác, lấy đây là “điểm” để xử lý về đầu tư nước ngoài. 
Xin cảm ơn ông!
 
 

NGUYỄN THOAN