Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Nông nghiệp Việt Nam cơ hội hay thách thức?

13-06-2017
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Câu trả lời cho thách thức ngành nông nghiệp lại không nằm trong quy luật khách quan của thị trường, mà phần lớn thuộc về sự thay đổi thể chế, có thể nói là "ưu tiên của mọi ưu tiên", nếu chúng ta không muốn cứ đứng do dự mãi trên chấm phạt đền...
Nông nghiệp Việt Nam cơ hội hay thách thức?  - ảnh 1
 

Trong vòng hai thập kỷ rưỡi qua, tỉ trọng nông nghiệp của chúng ta đang sụt giảm đáng kể trong cơ cấu kinh tế quốc dân, từ 38,1% năm 1990 xuống chỉ còn 18,1% vào năm 2014. Đây là xu hướng tất yếu, khi chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa đã được xác định là con đường tất yếu để đưa Việt Nam nhanh chóng thoát khỏi tình trạng lạc hậu, trở thành một quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng của nền kinh tế, trong vòng chưa đầy mười năm, tổng giá trị nông nghiệp chỉ ở mức 11,1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2005 đã tăng gấp ba lần lên 33,6 tỉ đô la Mỹ, và sản phẩm của ngành đã đóng góp 20% tổng giá trị xuất khẩu vào năm 2014. Giá trị sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ tiếp tục tăng 3% mỗi năm, chạm mốc 40 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Năng suất lao động thấp

Lực lượng lao động trong nông nghiệp hiện chiếm 47% lao động cả nước nhưng chỉ tạo ra được 18% GDP. Chính vì lẽ đó, dù đứng thứ ba về giá trị trong bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á, nhưng hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lại đang đứng cuối, bình quân chỉ 489 đô la Mỹ trên một lao động, thấp hơn cả Lào và Campuchia, chưa đầy nửa của Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, và đặc biệt là chưa bằng 1/10 so với Nhật Bản.

Thật không khó để thấy rằng nông nghiệp Việt Nam đang mất dần ưu thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực!

Quy mô nhỏ, mô hình không hiệu quả

Lấy ví dụ thị trường chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam và Thái Lan. Căn cứ số liệu của tổng cục Thống kê (2013), ở Việt Nam số lượng trại heo lớn với hơn 50 đầu heo chỉ chiếm chừng 1%; 99% còn lại là các trại heo nhỏ từ 50 con trở xuống (trong tổng số 4,1 triệu trại heo), phần lớn là các hộ chăn nuôi gia đình, trong đó số lượng trại từ 5 con trở xuống chiếm đến hơn 2/3. Trong khi đó, ở Thái Lan, chỉ có 80 ngàn trại heo, nhưng cơ cấu chăn nuôi heo là 8,4% (theo mô hình trang trại) và 91,6% (chăn nuôi hộ gia đình). Đồng thời, 30% trong hơn 6.600 trang trại heo kể trên là có sức nuôi từ 500 ngàn con trở lên.

Cũng như vậy, nếu ở Thái Lan một trại gà nuôi từ 500 con gà trở xuống được xem là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, thì ở Việt Nam 90% là hình thức chăn nuôi nông hộ dưới 50 con. Trong khi đó, ở Thái Lan số lượng trại gà chăn nuôi quy mô lớn (trên 500 con) chiếm khoảng 14,5% trong tổng số 42 ngàn trại, và hơn 70% số trang trại đó có sức nuôi từ 5.000 con trở lên. Thực trạng chăn nuôi gia cầm nước ta là có đến khoảng tám triệu điểm chăn nuôi, nhưng số trại chăn nuôi có quy mô từ 100 - 1.000 con trở lên chỉ mới chiếm khoảng 3% và trên 1.000 con chỉ đạt 0,2%.

Chính nhờ quy mô hợp lý, năng suất và hiệu quả của các nông trại Thái Lan hơn hẳn Việt Nam.

Chi phí cao

Việt Nam hiện có thu nhập bình quân đầu người 2.053 đô la Mỹ vào năm 2014, đứng thứ 134/186 nước được quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp hạng, nhưng lại lọt vào nhóm những quốc gia có tỉ lệ chi tiêu cho lương thực thực phẩm cao nhất thế giới khi mỗi người dân tiêu tốn hơn 30% thu nhập một năm cho việc này, cao hơn hẳn so với những nước phát triển như Mỹ (6,8%), Úc (10,6%), hay Singapore (8,1%).

Nếu tại Mỹ, chi phí sản xuất là 1,41 đô la Mỹ cho 1 kg thịt heo, 2,2 đô la Mỹ cho 1 kg thịt bò và 0,36 đô la Mỹ cho 1 lít sữa thì tại Việt Nam, chi phí ấy lần lượt là 1,94 đô la, 2,76 đô la và 0,52 đô la Mỹ, cao hơn từ 30% cho đến trên 40%. Tương tự, chi phí để có được một kg thịt gà của chúng ta là 1,62 đôla Mỹ cao hơn trung bình 38% so với các nước trong khu vực như Ấn Độ (+47,3%), Mã Lai (+40,8%), Thái Lan (+35%), và Hàn Quốc (+20,9%). Trớ trêu thay GDP bình quân đầu người ở những nước này thì lại cao hơn ta từ vài đến vài chục lần.

Cụ thể hơn, năm 2015 mức tiêu thụ đạm động vật (thịt và thủy hải sản) của Việt Nam bình quân khoảng 84kg/người/năm (trong đó thịt các loại chiếm 62%), trị giá sản phẩm thịt khoảng 168 đô la Mỹ/người/năm. Riêng tiêu thụ thịt không thôi đã chiếm đến gần 10% thu nhập một người. Hẳn nhiên là người Việt Nam đang tiêu thụ lượng thịt ít hơn, với giá cả cao hơn mà chất lượng thì còn rất nhiều tranh cãi khi nạn thực phẩm bẩn ngày càng trầm trọng.

Vậy tại sao chi phí giá thành của chúng ta lại cao trong khi chi phí nhân công luôn thuộc loại thấp? Tìm hiểu kỹ, từ nguyên liệu thức ăn cho gia súc như bắp, bã đậu nành, cám gạo, đến các loại thuốc cho heo, gà, cá…, cho đến nguồn giống, con giống,… chúng ta đều phải nhập khẩu. Đơn cử, tổng thị trường thức ăn chăn nuôi năm 2015 ước tính trị giá 6,92 tỉ đô la Mỹ, trong khi giá trị nhập khẩu nguyên vật liệu cho ngành này không thôi đã xấp xỉ 4,87 tỉ đô la Mỹ! Nhưng vì sao phải nhập? Đơn giản, vì giá rẻ hơn và chất lượng tốt hơn mình rất nhiều.

Rõ ràng quy mô hoạt động nhỏ lẻ đi kèm với chi phí vận hành cao là lý do khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nông nghiệp Việt Nam luôn xếp hạng cuối bảng và ngày càng là mối đe dọa nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của toàn ngành. Đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế như hiện nay, đặc biệt là khi có thêm sự hiện diện của hai sân chơi lớn TPP và AEC, quy mô và độ mở ngày càng lớn và đa dạng hơn của thị trường sẽ chính là những cơ hội tuyệt vời cho nông nghiệp Việt Nam nói chung nhưng đồng thời cũng là những thách thức rất lớn đối với năng lực cạnh tranh của ngành nói riêng.

Hành động của chúng ta

Đứng trước thách thức đó, liệu chúng ta có thể làm gì? Câu trả lời là chúng ta có thể làm (và phải làm) nhiều việc cấp bách, nhưng ưu tiên, theo chúng tôi, là những bước đi cùng lúc:

• Quy hoạch từng ngành trong nông nghiệp theo xu thế của nền kinh tế thị trường, hội nhập với các nền kinh tế khác dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành.

• Cấu trúc lại các mô hình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp cho phù hợp với xu thế của hội nhập và đặc thù của nông nghiệp Việt Nam.

• Tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng nhằm giảm chi phí cho tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất và kinh doanh.

• Chú trọng đổi mới và sáng tạo vì đây luôn là chìa khóa cho mọi vấn đề về hiệu quả trong sản xuất kinh doanh từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

• Gia tăng năng suất lao động để đảm bảo hiệu quả đồng thời nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định.

• Cần có nhiều hơn những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Và cũng cần lắm những doanh nghiệp Việt trong ngành có quy mô đủ tầm ngõ hầu có thể cạnh tranh ngang sức ngang tài trong một thị trường bao gồm nhiều nền kinh tế hội nhập cũng như trên chính sân nhà đối với các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

• Cùng với đó, nhà nước cần kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho cả ngành một cách chiến lược theo từng giai đoạn, từng thời kỳ hòng giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn hay xảy ra. Không hiếm những cảnh đau lòng như thanh long, dưa hấu lúc thì mất mùa, khan hiếm khiến giá cả leo thang; lúc được mùa thì lại không có chỗ tiêu thụ dẫn đến tình trạng rớt giá thảm hại. Khá nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng thường lâm vào những tình cảnh tương tự. Đảm bảo được đầu ra ổn định của sản phẩm, cân đối được cung cầu, sẽ giúp giải quyết được hiệu quả bài toán bình ổn giá, tránh được nạn đầu cơ tích trữ, mà trên hết thảy là tránh được vô số lãng phí đối với công sức và của cải của toàn xã hội .

Sâu xa hơn, nhà nước và doanh nghiệp cũng cần có chính sách điều tiết và quản lý tính hiệu quả chung của ngành, cụ thể là đối với các hộ nông dân cá thể. Ngoài những chính sách khuyến nông thông thường như trợ giá, trợ giống, trợ vốn, hay giảm thuế suất,… các chính sách liên quan đến việc quản lý quy trình, kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh, và bao tiêu đầu ra,… cũng cần được xem xét áp dụng. Nhờ đó, nông dân không những được khoán sản lượng, mà còn được hỗ trợ, quản lý và kiểm tra trong suốt quá trình vận hành của chuỗi giá trị tích hợp nhằm đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng và được tiêu thụ trọn vẹn.

Cả nước hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tầm 500 doanh nghiệp nước ngoài, con số này là rất ít so với yêu cầu đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Sự lớn mạnh hôm nay của khối doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp là lẽ tất yếu của quá trình đẩy mạnh thể chế thị trường. Tuy nhiên, xét tương quan ở một góc độ nào đó, nội lực của các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được khai thác hết và chưa thực sự được phát huy.

Câu trả lời cho thách thức ngành nông nghiệp lại không nằm trong quy luật khách quan của thị trường, mà phần lớn thuộc về sự thay đổi thể chế, có thể nói là "ưu tiên của mọi ưu tiên", nếu chúng ta không muốn cứ đứng do dự mãi trên chấm phạt đền...

Phạm Phú Ngọc Trai