Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Việt Nam phải làm gì để trở thành chợ đầu mối; nguyên liệu và gỗ nội thất ?

01-03-2019
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Nếu thành công trong việc xây dựng Việt Nam thành một trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới, ngành chế biến gỗ sẽ có nền tảng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai. Từ đó, tự tin dự phần vào con số 450 tỷ USD giá trị thương mại của thị trường đồ gỗ nội thất toàn cầu.

Việt Nam phải làm gì để trở thành 'chợ đầu mối' nguyên liệu và gỗ nội thất ?
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch GIBC

Bổ sung các giá trị cốt lõi

Cho đến thời điểm này, lâm sản đã đứng vào top 6 mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong toàn bộ giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 16,6%, mức độ phát triển của ngành rất đáng ghi nhận, thành quả này được xây dựng trên nền tảng cốt lõi là năng lực sản xuất.

Với thế giới, khả năng chế tác thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã được ghi nhận. Bằng chứng là đồ nội thất "Made in Vietnam" dưới thương hiệu danh giá của các hãng nổi tiếng đã có mặt khắp thế giới. Thậm chí, phân khúc cao cấp nhất, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp của quốc tế, doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng đã tham gia. 

Như vậy, việc nâng cao tỉ trọng 6% giá trị các mặt hàng đang sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu là điều khả thi và chúng ta sẽ thực hiện được trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở giá trị xuất khẩu các mặt hàng gỗ nội thất thế giới hiện nay là 140 tỷ USD là thiếu tự tin. Ngành chế biến gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu cao hơn là 450 tỷ USD giá trị thương mại của thị trường nội thất toàn cầu, nếu chúng ta có một chiến lược khác biệt.

Nếu xây dựng một quốc gia mạnh về phát triển đồ gỗ, ngành cần hội tụ được năm giá trị cốt lõi, gồm: sản phẩm, công nghệ, thiết kế, thương hiệu và tính bền vững. Hiện, Việt Nam đang có những lợi thế hết sức ấn tượng về sản phẩm đồ gỗ khi có khả năng sản xuất những sản phẩm tốt được thị trường thế giới ghi nhận; về công nghệ, ngành được trang bị công nghệ sản xuất tối tân, trong đó bao gồm cả khả năng sản xuất máy móc chế biến phục phụ ngành; về tính bền vững, ngoài nhập khẩu nguyên liệu tuân thủ các quy định gỗ hợp pháp thì Việt Nam còn có nguồn nguyên liệu bản địa và chính sách phát triển nguồn nguyên liệu đã được Nhà nước xác định.

Ngành chế biến gỗ đang sở hữu ba trong năm yếu tố cốt lõi nói trên là một lợi thế không nhỏ. Điều mà Việt Nam đang thiếu là thiết kế và thương hiệu. Hai giá trị này sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp đạt đến giá trị thặng dư cao hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để ngành chế biến gỗ Việt Nam sớm gia tăng được hai giá trị trên, tạo nên những mảnh ghép hoàn hảo cho bức tranh phát triển bền vững toàn ngành? 

Câu trả lời là chúng ta cần một chiến lược phát triển và tầm nhìn xa để biến Việt Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới.

Bảy cấu phần cần phải có

Để trở thành một trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới (Vietnam World Furniture Center), Việt Nam phải sở hữu đủ các cấu phần sau: Đảm bảo tuân thủ gỗ hợp pháp; Tập trung đào tạo nhân lực cho ngành gỗ; Xây dựng viện thiết kế nội thất như là một đơn vị kinh tế độc lập; Trung tâm triển lãm nội thất quốc tế; Xây dựng thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp; Xây dựng các kênh phân phối thương mại, hay chính xác hơn là chọ đầu mối mối nguyên liệu và đò gỗ nội thất; Phát triển công nghệ, cơ khí và công nghiệp phụ trợ cho ngành gỗ.

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cũng như nỗ lực tự thân, Việt Nam đã bước đầu xây dựng được những chương trình để chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Trong chiến lược phát triển của ngành; các bộ, ban ngành cũng đang chú ý nhiều hơn trong việc đào tạo nhân lực phục vụ ngành chế biến gỗ. 

Trong tương lai, với đòi hỏi trực tiếp từ thị trường lao động, việc các trung tâm đào tạo nhân lực chuyên ngành chế biến gỗ sẽ sớm được hình thành. Kể cả các chương trình đào tạo về năng lực lãnh đạo (leadership), quản trị kinh doanh chuyên ngành, quản lý doanh nghiệp, quản trị sự thay đổi, chuyển giao thế hệ.

Với những đòi hỏi trên, ngành gỗ cần bổ sung thêm những điều kiện sau:

Thứ nhất, chiều dài lịch sử chỉ mới kéo dài hơn 20 năm, câu chuyện chính yếu của ngành chế biến gỗ vẫn tập trung vào sản xuất và đáp ứng đơn hàng từ quốc tế. Chuyên "chạy sự vụ" thường nhật như thế, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa dứt guồng sản xuất để nghĩ đến những đầu tư xa hơn là thiết kế sản phẩm. 

Trong khi đó, đã có vài cái tên thiết kế người Việt được vinh danh trên tầm quốc tế về chuyên ngành nội thất. Như vậy, nếu có chiến lược kinh doanh công nghiệp sáng tạo, trong việc sớm hình thành viện thiết kế nội thất sẽ làm lực đẩy cho ngành chế biến gỗ tạo những giá trị gia tăng.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Thế mạnh lớn nhất của chúng ta là sản xuất, rất cần trung tâm triển lãm để tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm cho khách hàng thế giới lẫn bản địa. Đáng tiếc, chúng ta không có được một trung tâm triển lãm đúng tầm. 

Nhu cầu về trung tâm triển lãm đồ gỗ nội thất quốc tế tại Việt Nam hiện đang hết sức bức thiết, kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được đáp ứng. TP. HCM, trung tâm góp phần đóng góp lớn trong bản đồ xuất khẩu rất cần có một công trình triển lãm, xúc tiến thương mại tương xứng để giải quyết nhiệm vụ phát triển xúc tiến thương mại. 

Rõ ràng, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến hoạt động thương mại vì cả nước chưa có trung tâm xúc tiến thương mại xứng tầm. Chúng ta có nhiều và rất nhiều nhà sản xuất gia công nếu không đẩy mạnh công tác buôn bán, nghĩa là chúng ta chấp nhận đánh mất giá trị thương mại, chấp nhận việc doanh nghiêp sống trong bị động, chờ đơn hàng. Như vậy, nhà nước nên xác định trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp các yêu cầu bức thiết này trên chiến lược phát triển của cả ngành gỗ của quốc gia.

Thứ ba, sau trung tâm triển lãm, nhà nước cần đầu tư để tổ chức một trung tâm phân phối thương mại quốc tế. Nói một cách dễ hiểu, đó sẽ là chợ đầu mối nguyên liệu và sản phẩm nội thất để doanh nghiệp trong ngành có thể kết nối, giao thương trong nước lẫn quốc tế. 

Đến với quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu nội thất thế giới là Trung Quốc, người trong ngành sẽ nghĩ ngay đến Phật Sơn (Foshan), một địa danh chuyên kinh doanh thượng vàng hạ cám những sản phẩm nội ngoại thất, cung cấp cho khách mua hàng cả thế giới những sản phẩm mới nhất, chủ lực nhất của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hay tại High Point - một thành phố chuyên đồ nội thất, cung cấp cho thị trường Mỹ và khu vực, người mua hàng không khó để tìm được những showroom chuyên ngành, liên tục trưng bày các sản phẩm nội thất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng lẫn thương mại. 

Việt Nam chưa thiết lập được mô hình này. Một khi chúng ta tổ chức được không gian cho những kết nối giao thương này, đồng nghĩa với việc tập hợp được nguồn lực tổng hợp của toàn ngành, từ nhà cung cấp nguyên liệu, đơn vị sản xuất đến các đơn vị thương mại.

Khi hợp nhất sức mạnh của ngành, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn trong mắt nhà mua hàng quốc tế bởi bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều muốn đến đây có thể giải quyết mọi nhu cầu về hàng hóa của họ, đỡ tốn thời gian cũng như chi phí vận chuyển. Việt Nam đủ đầy nguồn lực để đáp ứng nhu cầu này. Thay vì bước ra thị trường thế giới đơn lẻ như hiện nay để rồi tan như bọt biển trong thị trường toàn cầu rộng lớn, gom nguồn lực lại để doanh nghiệp nước ngoài thấy được thực lực toàn ngành sẽ hiệu quả hơn cho sự phát triển chung cũng như của từng doanh nghiệp.

Thứ tư, nếu hoàn thiện mục tiêu trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới, Việt Nam phải hoàn thiện công nghiệp phụ trợ. Mục tiêu này đã được nhà nước xác định từ lâu nhưng vẫn chưa hoàn thành bởi khả năng tập hợp các nguồn lực từ những ngành nghề khác nhau vẫn chưa được đáp ứng. 

Khi chúng ta chú ý đến công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí và công nghệ sản xuất, ngành sẽ có những yếu tố nền tảng cho công nghiệp hóa ngành gỗ. Đồng thời, việc nhà nước chú ý hơn đến công tác phụ trợ sẽ là cách tiếp thêm nguồn lực trong sản xuất gỗ, khâu quan trọng nhất trong toàn bộ chuỗi hoạt động của ngành.

Ngoài ra, trong bối cảnh nền kinh tế đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới, các công nghệ tiên tiến từ các cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày một lan rộng, ý tưởng “Đem sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng” là một cách tiếp cận sẽ phát triển mạnh mẽ và phổ biến toàn thế giới. Áp dụng cho hoạt động phân phối hiện đại như Ebay, Amazon, Alibaba, sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong công tác phân phối, thương mại truyền thống, bán lẻ với chi phí đầu tư cao.

Tức là không phải cần showroom, hàng hóa có thể qua ecommerce bán online. Nhà nước cũng cần tạo cơ chế và hành lang pháp lý để ủng hộ và phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.

Thực tế, đã có những doanh nghiệp tiên phong nhận ra xu hướng và con đường để đi theo định hướng này. Tuy nhiên, nếu thiếu định hướng và chiến lược đồng nhất từ phía cơ quan quản lý, việc phát triển tự phát của từng doanh nghiệp khó lòng tạo nên được làn sóng lớn và sẽ kéo dài thời gian. 

Ngành gỗ đang rất cần sự chung sức của tất cả các bên liên quan, từ nhà nước đến các hiệp hội gỗ trung ương, địa phương và các doanh nghiệp. Đặc biệt là vai trò của nhà nước trong chiến lược biến Việt Nam thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới.

Con đường phát triển của công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vốn đã được xác định sẽ đi theo định hướng bền vững và nhân bản. Trong mục tiêu này, nếu toàn ngành cùng hợp nhất sức mạnh, tổng lực nguồn lực, chắc chắn đây sẽ là câu chuyện doanh nghiệp Viêt Nam cùng vươn ra thế giới.

(*) Bài biết thể hiện quan điểm của tác giả Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC