Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Cần thành lập tổ công tác liên Bộ chuyên trách chống chuyển giá

25-04-2019
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thời gian qua doanh thu và lợi nhuận của DN FDI đều tăng so với năm trước, tuy nhiên tỷ lệ DN FDI báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Ông có nhận định như thế nào về hiện tượng này?

Tuy tôi chưa có được các con số chính xác với cách tính cụ thể như Bộ Tài chính đã công bố, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi Bộ Tài chính đã có báo cáo như vậy là phản ánh đúng tình hình thực tế.

Ở đây tôi chỉ có một lưu ý: Trong tổng số các dự án có vốn FDI đăng kí được cấp phép trong cả nước, tính đến hết năm 2018 có 27.454 dự án FDI hoạt động tại Việt Nam, các dự án có quy mô nhỏ còn chiếm tỉ trọng cao (gần 50% số dự án có vốn đăng kí dưới 1 triệu USD, chưa kể đến số dự án có vốn đăng kí dưới 500 nghìn cũng khá lớn...). Các đóng góp vừa qua của khu vực FDI chủ yếu đến từ các DN có quy mô lớn, nên nếu có được báo cáo nghiên cứu về báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn... theo loại hình quy mô, ngành nghề DN FDI thì sẽ thấy rõ được đầy đủ hơn thực tế, giúp công tác nghiên cứu, quản lý, tìm các giải pháp khắc phục cũng thuận lợi hơn.

Về khó khăn, khó khăn lớn nhất trong sản xuất, kinh doanh của các DN FDI nói chung là thị trường chứ không phải là chính sách và thủ tục hành chính, đặc biệt là với các DN quy mô nhỏ, chưa có đầu ra ổn định. Có được thị trường, thị trường ổn định sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển hiệu quả, bù đắp cho các chi phí ngoài quy định (nếu có).

Hiện tượng chuyển giá của các DN FDI vẫn đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp, theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này?

Theo quy luật thị trường, hiện tượng chuyển giá tránh – trốn thuế với trình độ quản lý và công nghệ phát triển như hiện nay xét từ cả hai phía có thể thấy: Đối với các nhà quản lý thì việc quản lý ngày càng được hoàn thiện hơn, và đối với các đối tượng chịu quản lý là DN thì cách chuyển giá của các DN vẫn còn và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Cụ thể, DN kinh nghiệm hơn trong việc sử dụng công nghệ khai tăng giá trị đầu vào của máy móc, thiết bị, công nghệ; đăng kí đầu tư lớn nhưng thực tế vốn chủ sở hữu đưa vào thấp...

Còn hiện tượng chuyển giá có gia tăng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua hay không cần có báo cáo chính thức của các cơ quan quản lý thuế có liên quan. Theo tôi được biết, cơ quan quản lý thuế thời gian qua đã rất quan tâm tới công tác này, nhờ đó đã phát hiện ra được một số các đối tượng DN có hành vi chuyển giá để răn đe và có giải pháp thu hồi, phòng chống hiệu quả. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa thực hiện được thường xuyên, định kỳ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Việc chống chuyển giá không phân biệt FDI thế hệ mới hay cũ, vì hiện nay chúng ta đang có 27.454 DN FDI đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Trong giai đoạn tới, bên cạnh việc ưu tiên thu hút FDI thế hệ mới gắn với công nghiệp 4.0 thì Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục gọi vốn FDI truyền thống vào những lĩnh vực, địa bàn mà Việt Nam đang thiếu vốn và cần đầu tư theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra.

Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi trước hết cần tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về chống chuyển giá của các DN FDI. Cụ thể là, tăng cường sự liên kết quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước (như giữa Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính – Thuế - Hải quan; Bộ Công Thương - thị trường - đại diện Thương mại ở nước ngoài; giữa các bộ, ngành ở T.Ư và các địa phương, giữa các sở, ban ngành tại địa phương với các đơn vị Cục ,Vụ ,Viện... ở các bộ, ngành về tình hình các dự án FDI trên địa bàn...). Đồng thời, phải thông tin kịp thời, nội bộ về tình hình cấp phép, XNK, kinh doanh... của các DN FDI. Trước mắt các địa phương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê về các DN FDI trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần xem xét việc phân loại các dự án có quy mô lớn trên địa bàn để quản lý về chống chuyển giá về cho các bộ, ngành ở T.Ư do Bộ Tài chính làm đầu mối, cùng với đó là các cơ quan liên quan như Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm chính về quản lý chung các dự án này và là thành viên tham gia chống chuyển giá, Bộ Công Thương quản lý về giá cả thị trường bên ngoài... Tôi cho rằng cần xem xét việc thành lập một tổ công tác liên Bộ chuyên trách về vấn đề chống chuyển giá của các DN FDI để phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác này. Với các dự án quy mô nhỏ thì giao hẳn cho địa phương chịu trách nhiệm chống chuyển giá. Đồng thời, sử dụng giám định độc lập quốc tế khi cần thiết.

Sau 30 năm thu hút FDI , một vấn đề lớn được đặt ra là cần phải thay đổi cơ chế ưu đãi đầu tư trong thu hút đầu tư để việc thu hút FDI thực sự đem lại hiệu quả , xứng đáng với những ưu đãi mà các DN FDI nhận được. Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

Trước hết, phải khẳng định các cơ chế chính sách vừa qua đối với thu hút FDI đều phù hợp với từng giai đoạn phát triển và đã mang lại các thành tựu to lớn, nhưng trong quá trình phát triển không thể không có các tồn tại nhất định. Và trước mỗi giai đoạn phát triển mới, việc xem xét đặt ra các cơ chế ưu đãi mới áp dụng cụ thể cho giai đoạn mới là tiếp tục việc đổi mới để hoàn thiện chính sách cho thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn FDI.

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam vào tháng 10/2018, đánh giá về cơ chế ưu đãi có nêu: “Ưu đãi còn dàn trải, theo chiều ngang, theo quy mô vốn, không theo chiều sâu..., nên hiệu quả mang lại từ các ưu đãi còn thấp”. Do vậy, trong giai đoạn tới, nên xem xét việc chuyển đổi cơ chế ưu đãi từ chiều ngang sang chiều dọc (ưu đãi theo giá trị gia tăng, theo đóng góp cụ thể của từng DN FDI đối với nhà nước và cộng đồng; sử dụng công nghệ cao; thân thiện môi trường; tăng cường liên kết với DN trong nước; đảm bảo việc làm lâu dài, đời sống tốt cho nhiều lao động…); thu hồi các ưu đãi DN FDI được hưởng khi không thực hiện được các điều kiện để được hưởng ưu đãi... Riêng đối với các dự án có quy mô lớn, có tác động lớn đến việc thay đổi cơ cấu của ngành, vùng nhất định theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, xem xét có cơ chế đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thu hút các dự án loại này.

Trân trọng cảm ơn ông!

---

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Cần cơ quan “đặc nhiệm” về chống chuyển giá

"Định hướng thời gian tới là vẫn tiếp tục thu hút nhưng có định hướng và có chọn lọc. Các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi sử dụng đất cần xác định qua các thời kỳ khác nhau, không thể áp dụng như cũ. Tính toán thu hút FDI trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và tính toán áp dụng các giải pháp chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam cần có cơ chế ưu đãi linh hoạt hơn, kể cả biện pháp phi tài chính để thu hút các dự án lớn quan trọng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở chính, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chú trọng hoàn thiện chính sách về sử dụng đất trong và ngoài khu công nghiệp, nâng cao hiệu suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng đầu tư và bảo đảm nhu cầu phát triển đô thị, xã hội.

Về vấn đề quản lý thuế, các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế khuyến cáo Việt Nam phải có bộ phận chuyên trách về thanh tra, kiểm soát chống chuyển giá thay vì kiêm nhiệm như hiện hành. Bộ phận này có thể gọi là “đặc nhiệm chống chuyển giá” hoạt động chuyên trách, được đào tạo, đầu tư… Bên cạnh đó, các đơn vị phải chung tay xây dựng một hệ thống dữ liệu thông tin quốc gia toàn diện để chia sẻ các thông tin về DN FDI từ khâu đăng ký, mở rộng, lập mới, đầu tư thêm, doanh thu, chi phí, lợi nhuận,… để thuận lợi trong quản lý. Như vậy mới đem lại hiệu quả cao".

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Nên đặt ra điều kiện về nguồn vốn đầu tư

"Số lượng DN FDI hiện chỉ chiếm 3% tổng số DN trong nước nhưng quy mô tổng tài sản lên tới 5 triệu tỷ đồng. Trong tổng tài sản 5 triệu tỷ đồng này, tổng vốn chủ sở hữu của các DN FDI là 1,5 triệu tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và phần vốn đi vay. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thành lập hiện diện thương mại là người cư trú ở Việt Nam, sau đó đi vay nước ngoài. Điều này không chỉ làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia mà còn có hạn chế là làm cho việc chuyển vốn ra nước ngoài của nhà đầu tư dễ dàng hơn nhiều.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 140 DN có hệ số tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu trên 4 lần thì đều là các DN FDI, cá biệt có những DN có mức vốn “siêu mỏng” như CapitaLand Tower có tỷ lệ gấp 1.800 lần, Samsung Display gấp 132 lần... Do đó, nên có điều kiện khi thu hút vốn FDI để tận dụng tối đa nguồn vốn của nhà đầu tư vào Việt Nam, thay vì vốn dưới hình thức đi vay".

Hồng Vân (ghi)

Thu Hiền (thực hiện)