Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Giải bài toán thiếu hụt lao động kỹ thuật cao thời Covid-19

05-05-2020
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật cao trong các doanh nghiệp FDI cho thấy đã đến thời điểm Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực này mới tối đa hóa được các lợi ích từ nguồn vốn FDI mà Việt Nam đang tích cực thu hút.

Doanh nghiệp hạn chế đào tạo cho lao động người Việt

Tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam tính đến ngày 20-3-2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đạt gần 8,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 758 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 5,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,4% về số dự án; 236 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với 1,1 tỉ đô la, giảm 18%; 2.523 lượt góp vốn mua cổ phần của các nhà ĐTNN với tổng giá trị góp gần 2 tỉ đô la, giảm 65,6%. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89.300 tỉ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%(1).

Một trong những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm đầu tư của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong quí 1-2020 là một số lượng lớn lao động kỹ thuật - chuyên gia nước ngoài (nhất là các vị trí kỹ thuật quan trọng) đã vắng bóng hoặc không thể quay trở lại Việt Nam đúng hạn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, trong khi không có nguồn lực tại chỗ để thay thế.

Nhìn lại chặng đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong khu vực ĐTNN giai đoạn 2000-2019, thấy rõ hơn thực trạng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động kỹ thuật cao hiện nay. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ĐTNN có mức tăng trưởng ấn tượng, từ 0,407 triệu lao động năm 2000 lên 4,6 triệu lao động năm 2019. Tuy nhiên, lực lượng lao động trên chưa có tác động thúc đẩy nguồn nhân lực kỹ thuật cao phát triển đồng đều trong toàn bộ khu vưc ĐTNN.

Nguyên nhân do đâu?

Một trong những nguyên nhân gây nên sự sụt giảm đầu tư của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong quí 1-2020 là một số lượng lớn lao động kỹ thuật - chuyên gia nước ngoài (nhất là các vị trí kỹ thuật quan trọng) đã vắng bóng hoặc không thể quay trở lại Việt Nam đúng hạn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, trong khi không có nguồn lực tại chỗ để thay thế.

Trong hơn 30 năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ưu tiên thực hiện hoạt động gia công để khai thác lợi thế lao động giá rẻ. Tính đến cuối năm 2017, gần 80% số lao động trong các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không có bằng cấp/chứng chỉ đào tạo, tỷ lệ này gần như không thay đổi kể từ năm 2011(2). Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2017, 69% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động kỹ thuật có tay nghề. Không tuyển dụng được, các nhà ĐTNN buộc phải đưa các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam.

Cũng theo VCCI, doanh nghiệp FDI có quy mô vốn nhỏ chiếm tỷ lệ lớn nên không có khả năng đào tạo, tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đáng nói là tỷ lệ doanh nghiệp FDI có quy mô vốn nhỏ ngày càng tăng. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn 10 triệu đô la/dự án chỉ chiếm 87,4% thì tới năm 2017, con số này đã tăng lên 89,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp có quy mô vốn lớn hơn 25 triệu đô la/dự án năm 2017 vẫn giữ nguyên như năm 2012.

Mặt khác, liên kết giữa doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước còn yếu, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Thực tế sự hấp dẫn về mức lương, về môi trường làm việc của các doanh nghiệp FDI có sức lan tỏa rộng, xác lập xu hướng chuyển dịch lao động chủ yếu từ khu vực trong nước (kể cả khu vực công) sang khu vực ĐTNN; còn tác động lan tỏa từ khu vực ĐTNN sang khu vực trong nước về chất lượng nguồn lao động là chưa có. Hiện doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài vẫn chiếm đa số (87% số doanh nghiệp FDI trả lời điều tra của VCCI năm 2017 là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Những yếu tố này càng tạo điều kiện cho việc hạn chế đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho lao động người Việt, đồng thời việc đưa chuyên gia người nước ngoài vào Việt Nam thêm phổ biến.

Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực

Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật cao trong các doanh nghiệp FDI cho thấy đã đến thời điểm Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực này mới tối đa hóa được các lợi ích từ nguồn vốn FDI mà Việt Nam đang tích cực thu hút. Xây dựng chiến lược này cần lưu ý tới các nội dung:

Thứ nhất, đến nay, lợi thế của Việt Nam không còn là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, mà là sự ổn định chính trị - xã hội, cùng với thể chế kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng đảm bảo được nhu cầu phát triển toàn diện của Việt Nam; tốc độ kinh tế tăng trưởng cao; thu nhập của người dân tăng; văn hóa phát triển tích cực… Để phát huy được các lợi thế đó, cần có một nguồn nhân lực đủ mạnh, bên cạnh chữ tâm, cần nắm được khoa học, công nghệ - kỹ thuật, quản lý kinh tế - tài chính, văn hóa... ở mọi cấp.

Riêng đối với nguồn nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp ĐTNN, việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này phải đi trước một bước nhưng cần được thực hiện căn cơ, bài bản, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành; hệ thống các trường dạy nghề cần được sắp xếp lại và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ, nâng cao chất lượng giảng viên, ưu tiên đào tạo cho lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo hiện chiếm tới gần 70% lượng vốn FDI thu hút được; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI thực hiện việc đào tạo lao động người Việt. Các việc cần làm vừa nêu nhắm đến mục tiêu “tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030”(3).

Thứ hai, để khắc phục số lượng doanh nghiệp FDI có quy mô vốn nhỏ còn quá lớn, hệ thống quản lý nhà nước về FDI từ trung ương đến địa phương cần tập trung xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; xem xét không cấp phép cho các dự án có quy mô dưới 25 triệu đô la trong một số lĩnh vực, địa bàn nhất định.

Thứ ba, thúc đẩy sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN với khu vực doanh nghiệp trong nước, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ với các mục tiêu: giảm ngay số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ; giảm hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hiện đang chiếm tối đa; khuyến khích các hình thức đầu tư như doanh nghiệp liên doanh, công ty cổ phần có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước; nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI; khuyến khích doanh nghiệp FDI đào tạo, sử dụng các chuyên gia của Việt Nam, cũng như khuyến khích các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người Việt sau một thời gian làm việc tại các doanh nghiệp ĐTNN, khi đã nắm được công nghệ và kỹ thuật thì quay về làm việc tại các doanh nghiệp trong nước nhằm làm sâu sắc hơn mối liên kết giữa hai khối doanh nghiệp này. 

(1) TCTK: Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế quí 1-2020.

(2) Báo cáo của Bộ LĐTB&XH tại Hội nghị toàn quốc “30 năm ĐTNN tại Việt Nam /2018”.

(3) BCHTW - Bộ Chính trị: NQ số 50-NQ /TW ngày 20-8-2019;

- FIA -MPI /Cục ĐTNN - Bộ KH&ĐT

- Báo cáo điều tra doanh nghiệp FDI 2017 của VCCI;