Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Tập trung giải ngân vốn đầu tư nước ngoài: Thêm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

05-05-2020
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Trước tình hình nghiêm trọng của dịch Covid-19, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, một giải pháp bổ sung được xem là hiệu quả và hoàn toàn có cơ sở là tập trung giải ngân vốn đầu tư nước ngoài.

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đã tác động không nhỏ tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam: hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu… gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, một giải pháp bổ sung được xem là hiệu quả và hoàn toàn có cơ sở là tập trung giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020, duy trì và tạo thêm việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội, khắc phục các tác động xấu của dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, đóng góp của đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng nền kinh tế hàng năm không nhỏ, lượng vốn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ở mức cao trong nhiều năm qua.

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo số liệu của Tổng cục Thống kê và các số liệu khác của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong quý I/2020 lượng vốn này đã sụt giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước dù vẫn chiếm tới 24,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhìn vào 2 chỉ tiêu cơ bản của đầu tư nước ngoài gần đây là vốn và giá trị xuất khẩu trong 2019 và quý I/2020 sẽ thấy rõ hơn mức độ có thể ảnh hưởng của đầu tư nước ngoài đến tăng trưởng của nền kinh tế trong 2020. Cụ thể trong quý I/2020, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chỉ đạt 8,5 tỷ USD giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2019; vốn thực hiện đạt 3,9 tỷ USD giảm 6,6%; xuất khẩu không kể dầu thô đạt 39,8 tỷ USD, giảm 2,9%; xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 40,4 tỷ USD, cũng giảm 2,9%.

Điều đáng quan ngại ở đây là sự sụt giảm của cả vốn đầu tư và giá trị xuất khẩu quý I/2020 của khu vực đầu tư nước ngoài so cùng kỳ, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cộng với các yếu tố như sự sụt giảm chung còn kéo dài của thị trường xuất nhập khẩu, các hiện tượng bất thường của thời tiết vẫn tiếp diễn tại nhiều khu vực… cho thấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm.

Mặc dù, lượng vốn đầu tư nước ngoài có bị ảnh hưởng như đã nói ở trên, nhưng nhìn chung, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh trong nhiều năm vừa qua. Chỉ lấy các số liệu cụ thể trong 5 năm 2016 - 2020 cho thấy, bên cạnh số vốn đăng ký tăng từ 26,89 tỷ USD năm 2016 lên mức 38,95 tỷ trong 2019, thì số vốn thực hiện cũng tăng: năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, năm 2017 là 17,5 tỷ USD, năm 2018 tương ứng là 19,1 tỷ USD, năm 2019 vượt 20,3 tỷ USD. Chưa kể đến yếu tố, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt trong phòng chống đại dịch Covid-19, đã bảo vệ tốt cộng đồng xã hội, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn nhất.

Bên cạnh đó, cũng chỉ tính trong 5 năm từ 2016 đến hết quý I/2020 (giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020), số vốn đăng ký đạt 147,75 tỷ USD và số vốn đã thực hiện 76,63 tỷ USD, thì số vốn chưa được giải ngân còn 71,12 tỷ USD. Số vốn đăng ký chưa thực hiện, cộng dồn từ 1988 đến 31/12/2019, còn lớn hơn với 154,2 tỷ USD. Nếu tập trung giải ngân được 15% lượng vốn này thì số vốn giải ngân từ nay đến cuối năm sẽ đạt mức 23,13 tỷ USD. Con số này, cộng với số vốn đã giải ngân 3,85 tỷ USD trong quý I/2020 thì tổng vốn đầu tư nước ngoài sẽ giải ngân được trong 2020 là 26,98 tỷ USD, tăng 32,3% so 20,38 tỷ năm 2019 - một con số thật giá trị cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và an sinh xã hội dù chịu tác động của Covid-19.

Đấy là chưa kể số vốn đăng ký chưa thực hiện nêu trên thuộc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong cả nước, là điều kiện thuận lợi để từng tỉnh, thành phố tập trung giải ngân trước yêu cầu cấp thiết về vốn đầu tư hiện nay. Cụ thể, số dự án phân bố theo các địa phương như sau (xin nêu 10 địa phương có số vốn chưa giải ngân lớn nhất): TP.Hồ Chí Minh 9,458 dự án; Hà Nội 3,818; Bình Dương 1,685; Đồng Nai 1,685; Bà Rịa - Vũng Tàu 471; Bắc Ninh 1,573; Hải Phòng 796; Thanh Hóa 146; Hà Tĩnh 77; Thái Nguyên 162. Đây cũng chính là những địa phương có số dự án quy mô lớn nhiều, nên việc giải ngân cần được tập trung vào các dự án có quy mô, sức lan tỏa lớn này.

Rõ ràng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài của chúng ta đang khá dồi dào. Cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư cũng đang mở ra khá khả quan. Vấn đề đặt ra là làm sao để tìm giải pháp tăng cường giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi sản xuất bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu ngay trong quý II/2020, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là nhiệm vụ cấp bách đối với hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Trước nhu cầu giải ngân vốn đầu tư để duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, bên cạnh các giải pháp vĩ mô lớn (như Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng một chương trình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong toàn quốc, trình Thủ tướng Chính phủ ra một quyết định riêng về tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giao các cấp ngành, địa phương phải nhận thức được trách nhiệm lớn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giải ngân này trong giai đoạn hiện nay), việc cần làm ngay là tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nhất là với số chuyên gia mới vào lần đầu: sau khi xét nghiệm âm tính, được làm việc tại khu độc lập, cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát; Gia hạn giấy phép lao động khi hết hạn cho các chuyên gia này khi chưa có người thay thế; Cải tiến thủ tục thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất; Tạm dừng các cuộc thanh, kiểm tra chưa cần thiết trong thời gian có dịch, trừ trường hợp cấp thiết.

Cùng với đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký, cần thực hiện theo nguyên tắc tập trung giải ngân các dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế khác như xuất khẩu, tạo việc làm… Tập trung vào những dự án ở các thành phố, đô thị lớn có cơ sở hạ tầng và dịch vụ liên quan tốt (như vào 10 địa phương đã nêu trên có số vốn đăng ký cao nhất hiện nay).

Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm đầu mối, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan rà soát lại tình hình và thực trạng hoạt động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay trong phạm vi toàn quốc, xếp thành ba loại: Loại các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (xem đã giải ngân hết hay chưa giải ngân hết vốn đăng ký? có nhu cầu tăng vốn mở rộng sản xuất không? thúc đẩy giải ngân phần vốn chưa thực hiện để đảm bảo đúng chất lượng đầu tư và các hạng mục đầu tư đã cam kết; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho việc tăng vốn mở rộng sản xuất...).

Loại các dự án đang triển khai đầu tư xây dựng: rà soát lại tiến độ thực hiện dự án theo cam kết; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng; Yêu cầu các nhà đầu tư chậm tiến độ đẩy nhanh tốc độ xây dựng đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đã đặt ra; Đối với các dự án “treo” kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Loại thứ ba là các dự án mới được cấp phép: tạo điều kiện thuận lợi để các dự án này hoàn thành các thủ tục hành chính liên quan, nhằm đảm bảo được tiến độ triển khai dự án đúng quy định.