Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

GOLF – VĂN HÓA CỦA DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



GOLF – VĂN HÓA CỦA DOANH NHÂN THÀNH ĐẠT

Hình ảnh những golfer trên sân golf chính là hiện thân của lớp doanh nhân thành đạt luôn thách thức chính mình và luôn muốn tận hưởng những chuẩn mực tinh tế nhất của cuộc sống hiện đại.

Nhắc đến làng golf thành phố Hồ Chí Minh là phải nhắc đến anh Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng Giám đốc Pepsico Vietnam, Phó Chủ tịch Hội Golf thành phố Hồ Chí Minh, một trong số ít tay golf kỳ cựu trong làng golf Việt. Cũng như nhiều doanh nhân thành đạt khác, anh đến với golf rất tình cờ để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhưng dần dần "máu golf” thấm vào người, anh bắt đầu thật sự đam mê và nghiên cứu môn thể thao này hết sức nghiêm túc. Không chỉ am hiểu và đam mê golf, anh còn ra sức vận động để môn golf trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nhân hiện đại và đóng góp vào phúc lợi cộng đồng.

 

Giải Golf Pepsi của công ty hằng năm, cũng như giải golf Swing For Life của Hội Golf thành phốHồ Chí Minh, luôn nhận được sự ủng hộ tối đa của các doanh nhân và qua đó đóng góp được những số tiền lớn cho các hội từ thiện. Với vẻ lãng tử đầy phong độ, sau những giây phút tập trung cao độ để quất gậy, anh chỉ đùa: "Phải ra sân trực tiếp thế này mới thấy các doanh nhân không còn đạo mạo nữa, mà mặt ai cũng nhăn như khỉ... khi đánh hỏng. Hãy thu băng lại những tiếng kêu thét rất thảm thế này! Không nơi nào có đâu!”

 

Sân golf là môi trường thiên nhiên đích thực để doanh nhân thư giãn tinh thần, rèn luyện sức khoẻ, trao đổi công việc, thắt chặt quan hệ với đối tác và là nơi mở ra những cơ hội đầu tư mới… Không có môn thể thao nào giúp ích cho công việc kinh doanh như golf. Có thể nói golf là môn thể thao vừa chơi vừa làm! Khi chơi golf doanh nhân có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong kinh doanh để vượt qua những thách thức trên thương trường. Bên cạnh đó, môn golfcòn thể hiện đầy đủ cá tính của người chơi, giúp cho doanh nhân hiểu thêm về đối tác và từ đó có được những quan hệ thân thiết bền vững hơn trong kinh doanh.

 

Anh Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc tập đoàn Kinh Đô chia sẻ: "Trước đây, các chuyến đicông tác ở nước ngoài của tôi thường rơi vào những ngày cuối tuần nên bạn bè hay đối tác làm ăn thường ra sân golf, còn mình thì ở khách sạn nên rất buồn. Sau này, tôi tập làm quen, và đến nay mặc dù công việc rất bận nhưng tuần nào tôi cũng thu xếp để ra sân chơi golf. Nhờ vậy mà những lần đi công tác nước ngoài sau này, tôi có thể cùng bạn bè ra sân nên cảm thấy rất vui và thân thiện hơn. Một cuộc hẹn hò bình thường giỏi lắm kéo dài vài giờ, còn đối với golf, bạn có thể có 5-6 giờ liền trên sân để cùng với bạn chơi, đối tác để chinh phục từng lỗ golf.Thật là thú vị!”

 

Sân golf cũng là nơi doanh nhân có thể áp dụng bất cứ kỹ năng nào của kinh doanh để thành công!", anh Nguyễn Vy Minh, một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực khách sạn và spa, cũng là một tay golf kỳ cựu chia sẻ. Do đối tác của anh đa phần là doanh nhân Đài Loan, những gì người thường xuyên bàn công việc trên... sân golf, nên anh đã tập làm quen với môn thể thao này. Lúc đầu anh chỉ định chơi vì công việc, nhưng sau đó phát hiện ra rằng mình đã si mê golf như điếu đổ. Anh bắt đầu tìm sách vở, băng đĩa về học, nhưng vẫn chưa "đã", nên cuối cùng đành mời một ông thầy về kèm riêng.

 

Anh cho biết: "Golf thể hiện rất rõ tính cách con người mình. Người điềm dạm hay nóng nảy đều thể hiện ở trên sân golf. Golf là một cuộc chơi tính toán đường dài, cũng giống như kinh doanh. Những bước đi trước mắt chưa chắc là những gì tốt cho lâu dài. Mình phải có cái nhìn tổng thể, bao quát, đừng bị cuốn vào khoảnh khắc nhất thời mà quên đi bức tranh toàn cảnh...". Đối với anh, điều quan trọng nhất trong chơi golf là cách xử sự, trong sân có nhiều người chơi, nên mỗi người phải tuân theo những quy tắc ứng xử chung. Sự mất tập trung là một điều tối kỵ trong môn thể thao này. Suy cho cùng, golf vốn dĩ được sinh ra để dành cho những người có đầu óc kinh doanh và đam mê thử thách…

 

Người ta thường nói khi chơi golf doanh nhân có cơ hội mở rộng kinh doanh. Điều này có thể đúng, tuy nhiên, chưa có một con số thống kê cụ thể nào cho thấy bao nhiêu doanh nhân đạt được những hợp đồng làm ăn khi chơi golf. Cũng chưa có một thống kê nào nói lên tỉ lệ số doanh nhân đến với môn golf này là do đi tìm thêm cơ hội làm ăn. Riêng anh Lý Quý Trung, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn Nam An (Phở 24) thì anh đến với môn này chỉ đơn giản vìanh cảm thấy đã đến lúc cần nghỉ ngơi giải trí trong một môi trường thể thao mới, phù hợp với sức khỏe và thời gian của mình hơn. Thực vậy, môn tennis mà anh từng gắn bó hơn 25 năm nay có vẻ không còn đủ sức hấp dẫn để kéo anh ra sân mỗi chiều thứ 2-4-6 như trước đây.

 

Có nhiều lý do để anh có sự thay đổi này nhưng lý do lớn nhất có lẽ là do môi trường yên tĩnh và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà sân golf mang lại. Với anh, đi giữa sân golf giống như đi giữa vườn thượng uyển với muôn vàn loài hoa, ao hồ, trời mây bao la thoáng mát. Tầm nhìn của người chơi được nới rộng mấy trăm yard, bù lại cái không gian chật hẹp của các dãy nhà cao tầng mà hàng ngày doanh nhân phải “nhìn”. Và một khi đã bắt đầu làm quen với môn thể thao này, anh lại khám phá ra nhiều điều thú vị khác bên cạnh cái không gian rộng rãi, thoáng mát của sân golf.

 

Đó là “trí tưởng tượng” mà người chơi golf phải sử dụng khá thường xuyên với hầu như tất cả các cú đánh của mình. Điều này khác hẳn với nhiều môn thể thao khác, chủ yếu phải phản xạ càng nhanh càng tốt. Trái lại, môn golf đòi hỏi người chơi phải chậm rãi, thư giản và “tưởng tượng” trước cú đánh của mình. Và sự “tưởng tượng” này chính là hơi thở của không ít doanh nhân.

 

Thực tế thú vị:

  • Ở Mỹ, một doanh nhân chơi tennis thì đó là hạng doanh nhân chỉ bàn các hợp đồng một triệu đô, còn chơi golf thì người ta tức khắc xếp hạng anh ta vào cỡ chục triệu đô la trở lên.
  • Một doanh nhân Mỹ phải có hai tiêu chuẩn: biết đánh golf và biết điều khiển một phương tiện giao thông, đó là... máy bay.

 

(Sông Thu)