Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Trung Quốc hưởng lợi TPP thay Việt Nam: Vá thêm lỗ hổng!

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh nêu quan điểm về việc phải lựa chọn những nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam trước thực tế thời gian vừa qua nhà đầu tư Trung Quốc tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam, chỉ tính riêng dệt may từ năm 2013 trở lại đây có khoảng 90% số doanh nghiệp là doanh nghiệp Trung Quốc tham gia.

Luồn lách, tận dụng lợi thế

PV: - Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt may, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?

TS Phan Hữu Thắng: - Ngay từ trong năm 2013, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào ngành dệt may, nhuộm đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau một thời gian chững lại khá dài so với các lĩnh vực khác.

Giai đoạn FDI đầu tư vào ngành dệt may, nhuộm, giày da, nở rộ là vào thời kỳ đầu, trong những năm 1990 của Thế kỉ trước, ngay sau khi Luật đầu tư nước ngoài (nay là Luật đầu tư) ra đời, với nhiều dự án có quy mô lớn của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc….

Việc FDI đầu tư vào ngành dệt may, nhuộm vào Việt Nam “đang nóng lên” với nhiều các dự án đến từ Trung Quốc, có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán nhiều vấn đề quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một trong những chương quan trọng trong TPP là về hàng hóa. Khi Việt Nam tham gia TPP, cũng như các đối tác thành viên khác tham gia TPP thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức 0%, và các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này.

Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt may, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc
Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, một loạt dự án dệt may của nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc

Thêm nữa, ngành dệt may Việt Nam có một tiềm năng rất lớn từ nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ, thị trường xuất khẩu đã mở rộng. Hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, và nhất là tới đây Việt Nam gia nhập TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào TPP có khả năng sẽ đặt cao hơn mức đã đạt hiện nay (năm 2013 đạt trên 11,5 tỷ USD với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Chile, Mexico…)

Có một nguyên nhân nữa là xu hướng mở rộng cửa đón đầu tư của Việt Nam hiện nay như việc dự thảo các Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi theo hướng “không ghi ngành nghề đăng kí kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh”, “các doanh nghiệp được phép thực hiện các việc mà luật pháp không cấm”, trong khi việc quản lý doanh nghiệp theo xu hướng “mở” này chưa thấy rõ.

Theo đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, công nghệ yếu sẽ có điều kiện tràn vào Việt Nam, và với tình trạng quản lý nhà nước về FDI trên địa bàn còn bất cập về môi trường (như vụ xả thải của Vedan trước đây), về công nghệ, về lao động thời gian qua tại Việt Nam (như việc một số doanh nghiệp có vốn FDI vừa qua bị các phần tử xấu đập phá nhân việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN).

Các nhà đầu tư loại này đã nhìn thấy cách “luồn – lách”, tận dụng các lợi thế của Việt Nam về thị trường, về nguồn lao động, về lỏng lẻo trong quản lý nhà nước tại địa bàn đầu tư… để đầu tư vào Việt Nam kiếm lời.

PV: - Khi đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những dự án lớn như vậy, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin ông phân tích cụ thể được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng đầu tư này? Liệu có thể hiểu đây là bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?

TS Phan Hữu Thắng: - Từ thực tiễn thu hút đầu tư, đã thấy được các bài học đối với việc tiếp nhận các dự án loại này về công nghệ, quản lý nhà nước trên địa bàn và đặc biệt là về nhân công, thường có quá nhiều nhân công quốc tịch Trung Quốc vào làm việc tại các dự án ngay từ giai đoạn thi công đến vận hành sau này.

Cũng từ thực tiễn tiếp nhận các dự án dệt may, nhuộm, giày da,… nhiều địa phương trong nhiều năm vừa qua đã có các quy hoạch lại việc tiếp nhận các dự án loại này trên địa bàn cho phù hợp với tình hình cũng như quy hoạch phát triển chung kinh tế - xã hội của địa phương, cộng với việc đầu tư vào nghành dệt may Việt Nam đã có nhiều dự án lớn, nên trong nhiều năm vừa qua, ở thập kỉ đầu của thế kỉ XXI, việc FDI đầu tư vào ngành dệt may có chững lại.Tuy các quy định về tuyển dụng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đã có các quy định cụ thể. Các sự việc bất ổn mới xảy ra vài ngày vừa qua tại một số các doanh nghiệp có vốn FDI tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, có thể thấy chỗ yếu của chính quyền địa phương trong quản lý lực lượng lao động nước ngoài, nhất là những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, có các công trình lớn với hàng nghìn người lao động

Đến nay như trên đã nêu, kể từ cuối năm 2013 việc đầu tư này lại đang “nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang đang làm thủ tục xin phép địa phương”, trước xu thế đầu tư này và tình hình hiện nay, cho thấy trong tiếp nhận các dự án dệt may, cần tính đến các vấn đề sau đây:

Các dự án loại này có thực sự phù hợp với quy hoạch phát triển ngành dệt may của Việt Nam hay không? Khả năng gây áp lực của các dự án lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực nhỏ bé trong cạnh tranh thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa, thị trường lao động? Các điều kiện về công nghệ, thiết bị, lao động, giải pháp bảo vệ môi trường…có đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam hay không?...

Nếu công tác cấp phép và quản lý FDI không tính đến các vấn đề nêu trên, để các dự án dệt may không phù hợp vào đầu tư tại Việt Nam, thì chắc chắn là Việt Nam sẽ mất chứ không được khi đón nhận dòng đầu tư này.

Để ngăn chặn cần xem xét cách làm sau đây: Luật đầu tư được áp dụng bình đẳng cho mọi nhà đầu tư, nhưng các địa phương cần phải dựa vào các điều kiện thực tế của mình và vì lợi ích quốc gia để phân tích rõ cho các nhà đầu tư hiểu các yêu cầu của địa phương về quy hoạch, về các quy định về công nghệ, thiết bị, về hạn chế của nguồn lực lao động, khó khăn trong quỹ đất và giải phóng mặt bằng,… để hướng dẫn các nhà đầu tư chỉ nhằm vào việc lợi dụng các lợi thế của Việt Nam như cách đón đầu trước TPP nhưng sẵn sàng vi phạm pháp luật của Việt Nam để kiếm lời, làm bất ổn tình hình xã hội của Việt Nam.. đến các khu vực khác để đầu tư.

Vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may trong nước phát triển cũng là một đòi hỏi cấp thiết. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã đủ trình độ để phát triển ngành ổn định và bền vững, tiếp tục nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành này.

Phải chặn dự án gây bất ổn kinh tế - xã hội

PV: Từ trường hợp của dệt may liệu có thể lo ngại các ngành sản xuất khác của nền kinh tế Việt Nam bị thâu tóm bởi tay các doanh nghiệp Trung Quốc không? Hậu quả của việc đó sẽ là như thế nào, thưa ông?

TS Phan Hữu Thắng: - Sau hơn 25 năm thu hút FDI, các vấn đề “Được – Mất” từ thu hút nguồn vốn này đã được tổng kết tại Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại VN vào tháng 3/2013. Sau đó chính phủ đã ban hành NQ103/ NQ- CP ngày 28/09/2013 về định hướng nâng cao hiệu qur thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới về.

Phải giải quyết những lỗ hổng quan trọng trong tư duy về thu hút và quản lý FDI trong giai đoạn tới
Phải giải quyết những lỗ hổng quan trọng trong tư duy về thu hút và quản lý FDI trong giai đoạn tới

Tuy vậy, qua việc Trung Quốc bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, bỏ qua quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước Việt – Trung, đã hành động đơn phương đặt giàn khoan của Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giúp chúng ta rõ hơn được về bạn bè quốc tế, cũng như là các “đối tác chiến lược” của Việt Nam.

Bài học này đang đặt ra cho Việt Nam bài toán bổ sung là phải giải quyết những lỗ hổng quan trọng trong tư duy về thu hút và quản lý FDI trong giai đoạn tới. Nếu Việt Nam không tính tới việc lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có đủ năng lực tài chính, đến từ các nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam, và đến từ các nước văn minh, có nền dân chủ thực sự, trong quan hệ quốc tế không có ý đồ bành trướng – bá quyền, đầu tư vào các dự án có quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành và sẽ là những dự án đầu tàu trong các ngành, lĩnh vực…

Mà vẫn tiếp tục để các dự án có quy mô lớn nhưng không đáp ứng được các điều kiện vừa nêu hoặc quá nhiều những dự án có quy mô nhỏ chiếm tỉ trọng lớn như hiện nay (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài – Bộ KH&ĐT hiện có tới 30% số dự án có số vốn dưới 500.000 USD), lại hay vi phạm pháp luật của Việt Nam về mua bán hàng hóa, môi trường, quan hệ lao động,… thì tuy FDI vẫn còn có tác dụng đối với nền kinh tế, nhưng không thể sớm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước trong thời gian ngắn như mục tiêu Việt Nam đang hướng tới.

Buông lỏng quản lý để các dự án không mang lại lợi ích cho Việt Nam vào đầu tư, sẽ làm tổn hại đến Việt Nam trong quan hệ quốc tế, là mầm mống cho các bất ổn chính trị - kinh tế xã hội sau này.

Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia TPP có quy định cho công ty nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam ngay cả khi các công ty này gây bất ổn và vi phạm luật pháp Việt Nam thì đã nhìn thấy trước mầm mống nguy hại từ các công ty nước ngoài loại này.

PV: - Châu Phi mới đây đã cảnh báo về hệ lụy những khoản đầu tư từ Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng đã chỉ trích Trung Quốc hành xử như một "thực dân mới", mục tiêu sau cùng là thu tóm khoáng sản, dầu khí, gỗ mang về bản quốc…. Còn Việt Nam, sẽ phải lựa chọn nguồn đầu tư như thế nào để người dân được hưởng lợi chứ không phải một vài nhóm lợi ích nào đó?

TS Phan Hữu Thắng: Đến nay về FDI Việt Nam đã thu hút được hơn 210 tỷ USD vốn đăng kí vào Việt Nam và khoảng 100 tỷ USD trong số này đã được giải ngân. Đây là một nguồn vốn lớn đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế của nước ta trong giai đoạn hơn 25 năm qua.

Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong thu hút và sử dụng nguồn vốn này, đội ngũ cán bộ quản lý FDI của VN đã trưởng thành, đủ sức để quản lý và làm lành mạnh hóa dòng vốn FDI này phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Sự việc Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh hải của VN như đã nêu trên cùng với những cảnh báo của châu Phi về hệ lụy của những khoản đầu tư từ TQ, cho thấy việc lựa chọn nguồn đầu tư và thay đổi “cách nghĩ – cách làm” trong thu hút đầu tư là một đòi hỏi cấp thiết cho giai đoạn tới.

Đòi hỏi, thu hút đầu tư phải chuyển được từ bị động sang chủ động với tư duy mới thu hút và quản lý FDI như việc dùng nghiệp vụ và kĩ thuật làm rào cản ngăn chặn các dự án có khả năng gây bất ổn đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Chỉ xem xét các dự án theo đúng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam. Không cấp phép cho các dự án mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng thực hiện hoặc sẽ thực hiện được nếu có hỗ trợ của Nhà nước.

Thu hút các dự án mà VN chưa có khả năng thực hiện trong các lĩnh vực công nghệ cao là IT và công nghệ sinh học phục vụ cho công nghiệp; thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ và vào các ngành dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng. Có các chính sách ưu đãi thích hợp khuyến khích các dự án này đầu tư vào Việt Nam

Tăng cường “hậu kiểm” và quản lý thật chắc quá trình triển khai các dự án đã được cấp phép

Tuy vậy các vấn đề liên quan đến FDI có thực hiện được hay không phụ thuộc vào việc xử lý được hay không vấn đề “lợi ích nhóm” như câu hỏi đã nêu.Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng khóa XI (tháng 10/2011), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo nguy cơ về “lợi ích nhóm” là “chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư duy cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tâm An - Phan Linh