Integrated Articles of GIBC Experts

Experts' perspective

Củng cố vị thế doanh nghiệp tư nhân

10-03-2015
Other articles related to Mr. Pham Phu Ngoc Trai



Hai năm trở lại đây, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế – một chủ trương lớn của Nhà nước – đã được đề cập trên diễn đàn Quốc hội, tại các cuộc hội thảo qui mô quốc gia, cũng là lúc nhiều người đặt vấn đề cần mạnh dạn thay đổi cách nhìn nhận vai trò và vị trí doanh nghiệp tư nhân trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

 

Củng cố vị thế doanh nghiệp tư nhân

Ảnh minh họa.

Trước thời kỳ đổi mới, cả nước chỉ có 15.000 doanh nghiệp tư nhân, đến nay con số này đã lên đến 600.000. Số liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy khát vọng làm giàu của doanh nhân biểu hiện qua con số khoảng 80.000 doanh nghiệp tư nhân được thành lập mỗi năm, nhưng đồng thời những khó khăn trong làm ăn cũng khiến một số lượng tương ứng phải phá sản hoặc tạm ngừng hoạt động. 
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp xấp xỉ 50% GDP và tạo ra việc làm cho xã hội nhiều nhất với gần 90% số lao động của cả nước.
Vào giai đoạn 2000-2010, trong khi hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) tại khu vực kinh tế nhà nước là 8,53 và khu vực đầu tư nước ngoài là 9,65 thì khu vực tư nhân chỉ bỏ ra 3,28 đồng vốn để tạo 1 đồng giá trị tăng thêm.

Thế nhưng vai trò của kinh tế tư nhân lâu nay vẫn chưa được nhìn nhận tương xứng với kết quả mang lại cho nền kinh tế.
Trong đời sống kinh doanh, công  ty tư nhân thua lỗ thì chết còn công ty nhà nước thua lỗ thì được giãn nợ, xoá nợ. Có người ví von trong khi doanh nghiệp nhà nước như đứa con ruột làm ăn chưa mang lại nhiều hiệu quả thì doanh nghiệp tư nhân chính là đứa con nuôi trong gia đình đã đỡ đần cho cha mẹ vượt qua biết bao khó khăn.
Thế mà khác với chủ trương thể hiện qua các văn bản, các biện pháp quản lý vẫn chưa cho thấy một sự đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận đồng vốn cũng như sử dụng tài nguyên đất nước.

Tại sao vậy? Trong một cuộc hội thảo gần đây, nhà kinh tế vĩ mô Võ Đại Lược cho rằng chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường nhưng lại dựa trên kinh tế nhà nước.
Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm phải thay đổi thể chế kinh tế thị trường trên nền tảng là kinh tế tư nhân.
Chúng ta đang cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là một phần trong lộ trình này. Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua như là sự tái khẳng định một quan điểm đúng đắn: đó là nguyên tắc quyền tự do kinh doanh của tư nhân được tôn trọng hàng đầu.

Chúng ta đang kỳ vọng vào sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, thích nghi và phù hợp với lộ trình hội nhập, trong đó vị trí của doanh nghiệp tư nhân được xác lập rõ ràng hơn, để thành phần này có thể thu hút tối đa nguồn lực toàn xã hội, từ tài chính đến trí tuệ mà lâu nay trong chừng mực nào đó đã bị lãng phí và hạn chế, một phần cũng do các chính sách được ban hành chưa tạo niềm tin thực sự vào tương lai của kinh tế tư nhân.

Thực ra, những năm gần đây doanh nghiệp tư nhân đã có những bước chuyển động đáng kể với sự phát triển tự thân về qui mô đồng vốn và mở rộng thị trường cùng với việc mua bán – sáp nhập của các doanh nghiệp. Đó là một xu hướng tích cực trong quy trình hình thành các tập đoàn lớn, có khả năng làm đối trọng với các thành phần kinh tế khác, kể cả các công ty FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang làm ăn trên đất nước chúng ta.

Chúng ta đều biết rằng những thế mạnh của các công ty FDI là sự hậu thuẫn qua hoạt động ngoại giao giữa hai chính phủ (của quốc gia đầu tư và Việt Nam), tiềm năng về tài chính từ công ty mẹ và một hệ thống ngành tương đối hoàn chỉnh từ chính quốc.
Đa số các công ty này có bề dày lịch sử hình thành, có xuất phát điểm từ các nền kinh tế phát triển lại được bảo vệ và hỗ trợ từ những chính sách và luật pháp của chúng ta. Bất cứ một sự cố nào xảy ra trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đa số các công ty FDI đều được bảo vệ tích cực từ những cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ của họ. 

Bằng việc luôn hỗ trợ, xử lý các vấn đề vướng mắc tốt nhất và cụ thể cho từng doanh nghiệp FDI, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mở cửa để hội nhập. Đáng tiếc là khu vực kinh tế tư nhân VN lại không được đối xử như vậy dưới danh nghĩa của chính mình hoặc các hiệp hội. Cụ thể là không dễ dàng gặp gỡ và đối thoại với cấp chính quyền liên quan để giải quyết những vấn đề khó khăn trong kinh doanh.

Phải chăng các Hiệp hội Doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu năng lực chuyên môn, chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp VN, hay là sự gắn kết với các cơ quan nhà nước lỏng lẻo là đất sống cho tư duy ban phát khi doanh nghiệp tư nhân cần sự hỗ trợ hoặc bảo vệ một cách chính đáng.

Khoảng cách này đã từ lâu hình thành tập quán “tranh thủ sự hỗ trợ” chứ không bằng “trách nhiệm của nhà nước” đối với doanh nghiệp. Mối “quan hệ” được hình thành như là một thế mạnh riêng của từng công ty trong hoạt động kinh doanh.

Năm 2015 sẽ là cột mốc quan trọng với nền kinh tế khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực (điển hình là sự hình thành cộng đồng AEC cuối năm nay) và chúng ta bắt đầu hội nhập sâu và rộng hơn với các nền kinh tế khác nhau trên thế giới thông qua việc chuẩn bị ký kết Hiệp định TPP, Hiệp định Thương mại Tự do EU-VN (EU-VN FTA)…
Cơ hội phía trước rất nhiều nhưng rủi ro cũng không ít do năng lực cạnh tranh của Việt Nam với các nền kinh tế khu vực và trên thế giới đang có khoảng cách còn quá lớn, từ môi trường kinh doanh, các nguồn lực… cho đến một thể chế kinh tế thị trường thực sự.

Hiện nay, Chính phủ đang tỏ rõ sự quyết tâm trong việc thay đổi thể chế kinh tế thị trường. Đây là cơ hội tốt để đặt những đường ray pháp lý cho con tàu tư nhân băng ra hệ thống cao tốc khu vực và toàn cầu.

Về phần mình, các doanh nghiệp tư nhân cũng cần xác định được vai trò trong nền kinh tế. Gần 30 năm đổi mới đi cùng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế khác, đây là giai đoạn chuyển giao thế hệ của quá trình lập nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài việc nâng cao năng lực lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi, tự mình cũng cần tái cấu trúc để thích nghi và phù hợp với sự phát triển bền vững dựa trên những chuẩn giá trị vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được tinh thần “màu cờ sắc áo” của quốc gia.

Chúng ta còn quá ít những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu ngành như Masan, FPT, Vinamilk, Saigon Co-op, Pomina, Vingroup, Minh Long… Làm thế nào thương hiệu của doanh nghiệp cũng chính là thương hiệu của quốc gia và là niềm tự hào của đất nước?

Các doanh nghiệp tư nhân phải là mũi nhọn phát triển kinh tế bền vững. Chỉ cần Chính phủ, cùng 90 triệu dân sẵn lòng tôn trọng và bảo vệ doanh nhân – người giàu, người tạo ra sản phẩm và dịch vụ Việt Nam tốt nhất – thì dù không kêu gọi thống thiết “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thì hàng made-in-Việt Nam sẽ lên ngôi theo quy luật của một nền kinh tế thị trường thực sự.
Một trong những nguyên tắc của kinh tế thị trường là phải để thị trường chọn lựa ai đáng nhận được tài nguyên gì của đất nước để mang lại hiệu quả tốt nhất, để nhiều người trong cộng đồng được hưởng lợi nhất. Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng, tất yếu sẽ tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp dẫn đến sự méo mó của thể chế kinh tế!
* Tác giả là thành viên Hội đồng Chuyên gia BizLIVE. Bài đã đăng trên tạp chí Forbes Việt Nam, số 22, tháng 3/2015.

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI