Integrated Articles of GIBC Experts

Experts' perspective

Thoái vốn DNNN: Đừng để mất Thương hiệu Việt!

27-10-2015
Other articles related to Mr. Phan Huu Thang



Thoái vốn DNNN: Đừng để mất Thương hiệu Việt!

Trước khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng từ quá trình CPH DNNN, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tính đến việc phải bảo vệ thương hiệu Việt. Bởi vì việc chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ mang lại lợi ích ngay nhưng tiềm ẩn khả năng làm mất đi thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm Việt đã có.

CPH DNNN thời gian qua đã được triển khai theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng, các kết luận của Bộ chính trị về sắp xếp, đổi mới DNNN, góp phần tạo chuyển biến lớn, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN, hình thành được các DN đa sở hữu, tạo điều kiện để các DN đổi mới phương thức quản lý, huy động vốn.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh nội dung tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua ba trụ cột: Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Đầu tư công và Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). 

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban, cũng đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh và cương quyết tái cơ cấu một số ngành và lĩnh vực còn yếu, nhất là đối với đề án tái cơ cấu DNNN.

CPH không chỉ là "bán cổ phần"

Một trong các mục tiêu đổi mới, sắp xếp lại DNNN, trong đó có cổ phần hóa (CPH), đã xác định rõ nội dung là: DNNN sau sắp xếp, đổi mới vẫn phải là lực lượng nòng cốt đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng cho sự nghiệp CNH – HĐH đất nước. 

Đây chính là vấn đề then chốt, cần được tính đến để đảm bảo vai trò, vị thế chính đối với phát triển kinh tế đất nước, không những của DNNN, mà còn của đại đa số các DN khối tư nhân Việt Nam đang đứng trước những làn sóng đầu tư ngoại đến từ nhiều nơi, bằng nhiều hình thức khác nhau (trực tiếp, gián tiếp, kiều hối, đầu tư chui,…), với các phương thức, thậm chí cả các thủ đoạn khác nhau từ vận động chính sách, đến hối lộ, mua chuộc đội ngũ cán bộ, doanh nhân liên quan;…. để nhanh chóng thu lời được cao nhất trong đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, những cũng rất sẵn sàng thu hẹp sản xuất, thậm chí rời Việt Nam khi thị trường thay đổi. 

Điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư ngoại không thể, và họ cũng không có ý định trở thành nòng cốt trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước của Việt Nam – và nếu điều này xảy ra trong tương lai, chưa rõ tốt xấu, nhưng sẽ không biết bản sắc Dân tộc Việt, Văn hóa Việt khi đó sẽ như thế nào, nền quốc phòng, an ninh quốc gia có còn đảm bảo được không? 

Việt Nam cần tính đến việc phải bảo vệ thương hiệu Việt

Do vậy, vấn đề đặt ra là trong quá trình tiếp tục CPH DNNN, và thoái vốn Nhà nước ra khỏi các DN thuộc các ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước không cần phải nắm giữ 100% vốn hiện nay và trong các năm tới, cần tính đến việc bảo vệ được doanh nghiệp Việt, hàng hóa Việt đã có thương hiệu để nhân rộng các điển hình này – tạo nên một hình ảnh, một dấu ấn mạnh về một Việt Nam phát triển, hiện đại trên trường quốc tế. 

Nhật Bản từ lâu đã được biết đến là một nước công nghiệp phát triển với các tên DN và sản phẩm như Toyota, Honda, Sony… Hàn Quốc trong những năm gần đây được thế giới biết đến nhiều hơn qua các tên như Samsung, LG,… vậy Việt Nam sẽ phát triển và được biết đến với các thương hiệu DN và sản phẩm nào? 

Nếu như quá trình CPH, thoái vốn Nhà Nước ra khỏi các DN đã và đang tạo nên các thương hiệu có giá trị, đi vào thị trường (dù còn khiêm tốn) và lòng người tiêu dùng, đều sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại, với mục tiêu và cách quản trị DN mới, liệu các DN và thương hiệu Việt hiện có còn duy trì được hay không?

Thí dụ cụ thể như việc Chính phủ vừa quyết định thoái toàn bộ vốn cổ phần Nhà Nước tại 10 doanh nghiệp đầu tháng 10/2015 vừa qua. Theo đó, Chính Phủ cho phép Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà Nước (SCIC) được thoái toàn bộ cổ phần vốn Nhà Nước tại 10 DN lớn, trong đó có công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk-45%); Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI-50,7%); CTCP Viễn thông FPT (FTC-50,2%);… 

Đối với việc thoái vốn này, đã có dự báo, sau khi bán cổ phần thành công tại 10 DN trên, Nhà nước sẽ thu được 3 – 4 tỷ USD bổ sung nguồn thu ngân sách để tái đầu tư phát triển nền kinh tế.

Theo đánh giá chung, đó là những "DN tốt", một số còn là những "con gà đẻ trứng vàng" trong khi Nhà nước giữ lại "các DN ở tốp trung bình" và việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược (trong đó không loại trừ các nhà đầu tư nước ngoài) đang diễn ra, như trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn có cả những "con gà đẻ trứng vàng" nêu trên. 

Được tiền, còn thương hiệu?

Ngoài 10 DN Nhà nước chỉ đạo cho rút vốn lần này, không biết, thương hiệu Bia Hà Nội – vốn được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao, là sự tự hào về một đồ uống có xuất xứ Hà Nội, có còn giữ được không, khi Carlsberg mua lại cổ phần của Habeco?

Rõ ràng các DN đẻ trứng vàng này đang là những mục tiêu mà các nhà đầu tư ngoại (có tốt có xấu) nhắm tới. Các DN này cũng chính là các DN đã và đang xây dựng nên được các thương hiệu "sản phẩm Việt Nam – made in Vietnam" (như Vinamilk,…) đã được thị trường khu vực biết đến, nên nếu không có được sự quan tâm đầy đủ của quản lý nhà nước trong quá trình thoái vốn này, việc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dễ dàng được lựa chọn, không đáp ứng được yêu cầu CNH – HĐH đất nước sẽ xảy ra. 

Việc lựa chọn này có thể không sai do đã có chủ trương, trừ trường hợp cố tình làm trái quy định,… nhưng vấn đề đặt ra là liệu chủ trương thoái vốn này đã sát thực tế và yêu cầu phát triển của nền kinh tế cần có các thương hiệu Việt hay chưa? 

Khi CPH, thoái vốn Nhà nước ra khỏi các DN này, không có sự tham gia của các DN Việt khác và chủ sở hữu mới vắng bóng người lao động (không được như Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX đã nêu "có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động"), các nhà đầu tư ngoại nắm tỷ lệ vốn chi phối, với sự quản trị mới, có yếu tố nước ngoài, thì các sản phẩm hiện có với thương hiệu Việt "Made in Vietnam" còn giữ lại được hay không? Và các "quả trứng vàng" dù có còn được đẻ ra, cũng sẽ phải chia sẻ, phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần lớn hay nhỏ, cho nhà đầu tư nước ngoài…

Vậy làm sao để bảo vệ được thương hiệu Việt, cả DN và sản phẩm, cho thấy cần có các chính sách thích hợp để bảo vệ chung các DN và sản phẩm Việt đã có thương hiệu, như tính đến việc hỗ trợ các DN này trong việc chọn nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các DN trong quản trị DN (chọn người tài, có tâm vào vị trí quản lý – trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý vốn Nhà Nước tại DN. Mô hình, nhiệm vụ mới là: duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm đã có), có các giải pháp ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước "Thắng" trong cuộc chạy đua trở thành cổ đông chiến lược của những "Doanh nghiệp – con gà đang đẻ trứng vàng", tăng cường giám sát, hướng dẫn quá trình CPH, thoái vốn để hạn chế các "nhóm lợi ích", hoặc lợi ích cá nhân chi phối, "hợp pháp hóa" quá trình CPH, thoái vốn làm thất thoát vốn, tài sản Nhà Nước, làm mất cơ hội của các nhà đầu tư trong nước.

Thật không dễ có thể chứng minh ngay lợi ích lâu dài khi bảo vệ được các DN và thương hiệu sản phẩm Việt đã có, khi việc chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ mang lại lợi ích ngay như thu về được một khoản vốn lớn, nhưng tiềm ẩn khả năng làm mất đi thương hiệu DN, sản phẩm Việt đã có, đã được các DN, doanh nhân mất bao công sức tạo dựng. Về lâu dài sẽ khó xây dựng lại được và nhân rộng được mô hình, kinh nghiệm của các DN này ra toàn xã hội. 

Việc làm mất thương hiệu của một và nhiều sản phẩm có thương hiệu của Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của quản lý Nhà nước mà còn là trách nhiệm và lòng tự trọng trước xã hội của Doanh nhân, Doanh nghiệp Việt Nam. 

Hồng Minh 
Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC