Integrated Articles of GIBC Experts

Experts' perspective

Ưu đãi FDI thế nào cho hiệu quả?

06-07-2014
Other articles related to Mr. Phan Huu Thang



Trong 25 năm, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn tăng song chất lượng FDI chưa thực sự như mong đợi, nhất là những năm gần đây. Trước thực tế trên, vấn đề nâng cao hiệu quả của FDI đang được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra cho những năm tiếp theo với mục tiêu cần nỗ lực đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn FDI. 

 

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về thực trạng và những giải pháp trong cải thiện tình hình thu hút FDI của Việt Nam:

 

Nhìn nhận một cách tổng quát, trong 25 năm qua FDI đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Cụ thể về vốn, sau 25 năm, Việt Nam đã đưa được trên 90 tỷ USD vốn FDI thực hiện ở Việt Nam.

 

Lượng vốn FDI hàng năm chiếm tới 25% của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đây là nguồn vốn hết sức quan trọng cho việc đầu tư và bổ sung cho phát triển kinh tế-xã hội trong những năm vừa qua.

 

Về công nghệ, thông qua FDI, chúng ta đã tiếp thu được công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó tạo ra được nhiều ngành nghề mới, cũng như bổ sung được các điểm yếu trong sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông, thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn...

 

Một điểm đáng ghi nhận là FDI đã giúp Việt Nam chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nền kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò chủ yếu sang hướng phát triển theo công nghiệp, dịch vụ.

FDI cũng giúp tạo trên 2,3 triệu lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp khác.

 

Cùng với các lợi ích trên, FDI cũng giúp tăng thu ngân sách của Nhà nước. Mức nộp ngân sách Nhà nước tăng dần qua các năm, từ dưới 1 tỷ USD cho tới 2 tỷ USD mỗi năm và năm 2012 đã vượt qua con số 3 tỷ USD.

 

Ngoài ra, FDI cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới của Việt Nam, cũng như nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Năm 2012 vừa khép lại, ông có nhận định gì về những điểm sáng trong thu hút FDI năm qua?

 

Năm 2012, thu hút FDI của Việt Nam có ba điểm sáng chủ yếu. Thứ nhất là về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu có vốn FDI, kể cả dầu thô đã đạt trên 37% so với năm 2011. Giá trị xuất khẩu cụ thể kể cả dầu thô là 73 tỷ USD và không kể dầu thô là 63 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu các khu vực có FDI chỉ tăng 23,5% với con số là trên 60 tỷ USD.

 

Thứ hai, FDI trong năm 2012 vẫn tiếp tục thu hút được các dự án có quy mô lớn, tác động đến các lĩnh vực, ngành nghề. Cụ thể như dự án WINTEK tại Bắc Giang vốn đầu tư tới 870 triệu USD; dự án sản xuất lốp xe ôtô Bridgestone tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư trên 575 triệu USD; dự án LIXIL tại Đồng Nai với tổng vốn 441 triệu USD.

 

Thứ ba, năm 2012 chúng ta vẫn giữ vững được các định hướng của Chính phủ là tập trung thu hút vào công nghiệp và sản xuất. Trong tổng số 13 tỷ USD vốn FDI có trên 9 tỷ USD vốn tập trung cho các dự án sản xuất, cơ khí chế tạo chiếm tới hơn 72% tổng vốn đăng ký của năm 2012.

 

Ông đánh giá gì về chính sách thu hút FDI hiện nay ở Việt Nam?

 

Bên cạnh những thành công mà FDI mang lại trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn những bất cập, hạn chế. Sau 25 năm thu hút FDI, chúng ta vẫn chưa có quy hoạch riêng cho FDI trong từng thời kỳ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cho tới năm 2020.

 

Vì vậy, trong Đề án đánh giá thực trạng và thu hút FDI tới năm 2020 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành và báo cáo Thủ tướng cũng đã kiến nghị phải xây dựng quy hoạch về FDI nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung tới năm 2020.

 

Bên cạnh đó, chất lượng FDI trong giai đoạn qua vẫn chưa cao kể cả về mặt công nghệ, lượng vốn thực hiện, chưa kể đến các vấn đề bất cập khác như gian lận thương mại, chuyển giá…

 

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng FDI thấp, hiệu quả sử dụng FDI không cao là do chúng ta chưa có những định hướng về chính sách thu hút FDI cụ thể. Thực tế đó ra sao thưa ông?

 

Thực tế 25 năm qua cho thấy rằng, định hướng cơ bản trong thu hút FDI đã được xác định rõ ngay từ đầu là nhằm vào các đối tác tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường. Tuy nhiên, về các mục tiêu cụ thể thì chúng ta còn thiếu.

 

Có thể có một số biện luận cho rằng, hàng năm vẫn có những danh mục dự án góp vốn FDI của toàn quốc và từng khu vực thì đó là mục tiêu cụ thể. Nhưng thực sự các danh mục chúng ta đặt ra trong kêu gọi vốn FDI thời gian vừa qua tỷ lệ thực hiện rất thấp.

 

Điều này cho thấy rằng, các mục tiêu cụ thể đặt ra thể hiện các mong muốn của Việt Nam chứ chưa đáp ứng được các nguyện vọng, ý đồ của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo quan điểm của ông, việc xây dựng hệ thống ưu đãi chuẩn và ưu đãi linh hoạt đối với các dự án mục tiêu, nhà đầu tư mục tiêu cần phải thực hiện như thế nào để tránh đi vào vết xe đổ mà các địa phương từng “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư?

 

Đến nay, hiện tượng cạnh tranh tràn lan trong thu hút FDI giữa các địa phương về cơ bản không còn, các địa phương hiện nay đang thu hút các dự án theo đúng hướng của địa phương. Có chăng thì chỉ có sự mời chào không có kế hoạch, thiếu sự phối hợp giữa các khu công nghiệp ở một số địa phương trước hiện tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hướng tới thị trường Việt Nam sau thảm họa động đất.

 

Qua nghiên cứu có thể thấy các mục tiêu, ưu đãi chuẩn, ưu đãi đặc biệt là sự cần thiết nhưng phải đáp ứng được hai vấn đề.

 

Trước hết, cần căn cứ vào các thực tiễn hoạt động đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua để thấy rõ các ưu đãi nào đã ban hành đã có tác dụng và cần duy trì. Những ưu đãi nào đã tỏ ra lạc hậu, không đáp ứng được cần điều chỉnh và bổ sung và những ưu đãi mới nào cần ban hành cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là trong xu thế FDI đang sụt giảm từ năm 2009 tới nay.

 

Cùng với đó, xây dựng các ưu đãi chuẩn và các ưu đãi tình thế phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam khi ra nhập các tổ chức quốc tế, về lộ trình mở cửa và lộ trình áp dụng hai điều kiện đó để sử dụng ưu đãi có hiệu quả nhất các ưu đãi này.

 

 Nguồn TTXVN