Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Thu hút vốn FDI 2011: Bất động sản sẽ không nhiều

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(TBKTSG Online) - So với những năm trước, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2010 có nhiều thay đổi về xu hướng đầu tư cũng như nguồn vốn thực hiện và xu hướng này được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp diễn cho năm tới. TBKTSG Online trao đổi với ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài về vấn đề thu hút vốn FDI.

- TBKTSG Online: Cục Đầu tư nước ngoài (CĐTNN) vừa đưa ra dự báo kết quả nguồn vốn vốn FDI thu hút được, ông nhận định gì về kết quả năm 2010?

Ông Phan Hữu Thắng: Theo số liệu chính thức về thu hút FDI 2010 tính đến ngày 21-12 (có thể coi là số liệu của 2010) của CĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tổng vốn đăng ký mới là 18,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó 17,2 tỉ đô la Mỹ là vốn cấp mới và 1,4 tỉ đô la Mỹ là vốn đăng ký tăng thêm. Vốn thực hiện trong năm đạt hơn 11 tỉ đô la Mỹ. Như vậy so với kết quả năm 2009, thì tổng vốn đăng ký mới chỉ bằng 86% và vốn thực hiện tăng 10%.

Rõ ràng là việc giải ngân trong 2010 là rất tốt, còn vốn đăng ký giảm do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân chính trước hết là sự phục hồi của kinh tế thế giới sau khủng hoảng còn chậm, do vậy các nguồn vốn đầu tư ra bên ngoài còn bị kiểm soát chặt chẽ. Thứ đến là các yếu kém của môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam như thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản và phức tạp, hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Bên cạnh đó công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) còn hình thức, chưa hiệu quả,…

Tuy vậy với kết quả thu hút FDI như nêu trên, đặc biệt là kết quả giải ngân đã tăng hơn 10% so với 2009, có thể nói kết quả này là tốt, đã đáp ứng được một phần vốn cho đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội 2010.

Gần kết thúc năm 2010 tưởng chừng nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ không còn tập trung nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng việc cấp phép dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng 4 tỉ đô la Mỹ ở Quảng Nam vào tháng cuối cùng của năm đã tiếp tục đưa lĩnh vực bất động sản lên đứng đầu bảng về vốn đầu tư. Ông nhận định gì những lĩnh vực thu hút FDI trong năm 2010?

Đúng vậy vừa qua việc cấp phép cho dự án khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Nam Hội An với vốn đăng ký 4 tỉ đô la Mỹ đã đưa tỉ lệ vốn đăng ký vào lĩnh vực Bất động sản đạt 36,8% trong tổng vốn đăng ký 2010 với 27 dự án cấp mới với tổng vốn cấp mới là 6,7 tỉ đô la Mỹ và 6 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 132 triệu đô la Mỹ. Đây là tỉ lệ khá cao theo phân ngành vốn FDI đăng ký trong 2010. Tuy vậy, theo kết quả phân ngành vốn FDI đăng ký trong 2010, ngành Công nghiệp và Xây dựng (ước tính cho 3 phân ngành chủ yếu là công nghiệp chế tạo, chế biến; sản xuất, phân phối điện-khí-nước; và xây dựng) vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất là 52,5% với 532 dự án cấp mới với trên 8,6 tỉ đô la Mỹ và 208 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm trên 1 tỉ đô la Mỹ. Đầu tư vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp vẫn rất thấp và phần còn lại là tỉ lệ đầu tư vào các ngành dịch vụ khác khoảng gần 10%.

Liệu lĩnh vực bất động sản tiếp tục ‘nóng’ trong thu hút đầu tư FDI 1-2 năm tới thưa ông?

Mặc dù khách du lịch vào Việt Nam trong 1-2 năm tới, theo dự báo của một số chuyên gia là có khả năng tăng nhẹ so với 2010, nhưng có một số các yếu tố sau đây cho thấy lĩnh vực bất động sản sẽ không nóng trong thu hút FDI trong năm 2011-2012.

Thứ nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua có nguyên nhân từ đổ vỡ đầu tư – kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn để lại một mối quan ngại sâu sắc chung trên thế giới, do vậy nguồn vốn cho đầu tư vào BĐS sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn so với các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác, nhất là khi sự phục hồi kinh tế diễn ra còn chậm, chưa thật vững chắc tại các nước có khả năng đi đầu tư.

Tiếp đến là sức ép đối với việc giải ngân các dự án “tỉ đô” đầu tư vào BĐS trong các năm vừa qua là một đòi hỏi chính đáng của dư luận, buộc chính quyền các địa phương phải cân nhắc kỹ lưỡng, tính đến hiệu quả các mặt trước khi cấp phép đầu tư cho dự án mới. Đồng thời kinh doanh BĐS hiện đang phải giải quyết hàng loạt các vấn đề về cung - cầu, về tỉ giá và lãi suất, về lạm phát… buộc các Nhà đầu tư phải tính toán cân nhắc trước khi đầu tư, trong khi công tác dự báo về thị trường rất khó khăn, các khu đất “vàng" cho đầu tư – kinh doanh BĐS khó tiếp cận và đòi hỏi chi phi cao, đã làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.

Vậy còn lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phân phối như thế nào khi Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn trong thời gian gần đây?

Đến thời điểm chúng ta phải thực hiện các cam kết của mình khi gia nhập WTO về mở cửa lĩnh vực phân phối và dịch vụ. Tuy vậy, FDI vào bán buôn, bán lẻ và sửa chữa trong 2010 mới chiếm tỉ lệ 2,1% trong tổng số vốn đăng ký đầu tư.

Năm 2010, trọng tâm trong việc thu hút FDI là tập trung giải ngân. Vậy trong năm tới, thu hút đầu tư sẽ đẩy mạnh phần nào?

Việc cần trước hết trong thu hút FDI 2011 vẫn là cần đẩy mạnh giải ngân vì nhiều lý do, trước hết là nhiều dự án đã triển khai chậm tiến độ, dẫn đến khoảng cách chênh lệch giữa tổng vốn đăng ký và vốn thực hiện là khá xa. Tổng vốn đăng ký đến thời điểm hiện tại của trên 11.900 dự án đã vượt con số 191 tỉ đô la Mỹ, trong khi vốn đã giải ngân được (theo thống kê chưa đầy đủ) mới đạt chưa đến 90 tỉ đô la Mỹ. Theo tôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đã đăng ký đầu tư và đang hoạt động tại Việt Nam giải ngân và đầu tư – kinh doanh có hiệu quả là cách xúc tiến đầu tư tốt nhất.

Tuy vậy, việc giải ngân mới chỉ là một mặt của hàng loạt các vấn đề trong thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn này. Công tác xúc tiến đầu tư mới vẫn có vị trí cần thiết của nó và việc xúc tiến đầu tư mới cần tiếp tục thực hiện theo định hướng đã đặt ra và được quy định rõ trong Luật Đầu tư về các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI là công nghệ cao, công nghệ nguồn công nghệ sinh học, đầu tư tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư vào dịch vụ y tế,… và gắn chặt việc cấp mới các dự án với các điều kiện đảm bảo bảo vệ môi trường.

Là người đứng đầu của Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, ông dự báo tình hình thu hút vốn FDI trong năm tới sẽ như thế nào?

Trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với Cục Đầu tư nước ngoài, Vụ Quản lý các khu KT-Bộ KH&ĐT,… và với nhiều địa phương chúng tôi đưa ra con số dự báo về thu hút FDI 2011 là tương ứng với kết quả 2010, có nghĩa là vốn đăng ký mới vào khoảng 20 tỉ đô la Mỹ và vốn thực hiện tiếp tục tăng ở mức 5 – 10% so 2010 đạt mức 11-12 tỉ đô la Mỹ. Về lĩnh vực đầu tư: lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng sẽ vẫn tiếp tục thu hút mạnh các nhà đầu tư và nhà đầu tư truyền thống vẫn từ Đông Bắc Á, châu Âu, Hòa Kỳ,…

Xin cám ơn ông

Quốc Hùng