Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Sớm chặn đà suy giảm FDI

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(baodautu.vn) Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 1/2012 rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái dù chưa đủ để phản ánh xu thế suy giảm của dòng vốn này trong năm nay, song là sự cảnh báo sớm về tính cấp bách của những giải pháp hữu hiệu cho hoạt động thu hút FDI năm 2012.

Sớm chặn đà suy giảm FDI

 

Nhìn lại quá trình gần 25 năm qua, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài  tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) ra đời vào tháng 12/1987 đến nay có thể thấy, sau mỗi chu  kỳ FDI suy giảm lại bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. Vấn đề ở chỗ là, cần làm gì để rút ngắn thời gian suy giảm, đẩy nhanh và kéo dài giai đoạn phát triển.

Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn suy giảm thứ hai, tính từ năm 2009 đến nay, sau giai đoạn phát triển 2005 – 2008 với đỉnh cao trong thu hút và giải ngân vốn FDI của năm 2008. Lại một câu  hỏi được đặt ra là, giai đoạn suy giảm này sẽ kéo dài bao lâu?

Câu hỏi này càng có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh hiện tại, sự bất ổn của kinh tế thế giới được dự báo còn tiếp tục trong năm 2012 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam.

Năm nay, nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi phải có và duy trì được một lượng vốn đầu tư tăng trưởng ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội với mức đóng góp của nguồn vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội không thấp hơn 28% (đây là tỷ trọng bình quân nguồn vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006-2011).

Cũng phải thấy rằng, cơ hội chặn đà suy giảm của Việt Nam rất lớn khi quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đang được nâng cấp mạnh mẽ, mở đường đầu tư cho các tập đoàn, công ty từ các đối tác này vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản sau hàng loạt những thảm hoạ thiên tai của năm 2011 vẫn đang tiếp tục chuyển dịch, tìm các địa điểm an toàn cho đầu tư mới, và Việt Nam là một trong các địa điểm được lựa chọn. Các tập đoàn, công ty của Hàn Quốc vẫn tiếp tục xác định Việt Nam là một điểm đến. Các đối tác mới từ Trung Đông, Ấn Độ, ASEAN cũng đang tìm kiếm khả năng đầu tư của họ tại Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, sự ổn định về chính trị - xã hội của Việt Nam vẫn được xác định là một lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn khi lượng vốn đã đăng ký nhưng chưa giải ngân được lên tới 108 tỷ USD. Tuy đã được nói nhiều đến trong các năm vừa qua nhưng dường như các giải pháp để đưa nhanh dòng vốn này vào hoạt động vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Kéo théo đó là trên 13.000 dự án chậm triển khai đang tạo nên những lãng phí về đất đai, phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc trong dư luận và thiếu hụt sản phẩm, việc làm, ảnh hưởng đến hình ảnh môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam với bên ngoài.

Chính vì vậy, việc tập trung giải ngân trên cơ sở rà soát lại từng dự án theo từng lĩnh vực và trên từng địa bàn, gắn với việc đổi mới, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các dự án FDI đã được cấp phép, tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi cho các dự án tiến hành đầu tư tại Việt Nam là giải pháp cần phải và có thể thực hiện ngay trong năm nay để kết thúc chu kỳ suy giảm trong thu hút FDI. Khi đó, chúng ta sẽ sớm có được một nguồn vốn thực trong 2012 và một số năm trước mắt bổ sung nguồn vốn cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

TS. Phan Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu FDI Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội).

http://www.vidgroup.com.vn/c-tin-tuc/b-tin-dau-tu/som-chan-111a-suy-giam-fdi/