Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

25 năm FDI: Được gì và mất gì?

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Sau 25 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh tích lũy không đáp ứng nhu cầu về đầu tư. Song những gì mà thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm được trong thời gian qua vẫn chưa xứng tầm với “sứ mệnh” mà nó được trao.

Hệ lụy cần khắc phục

Diện tích chiếm đất lớn, sử dụng vốn vay trong nước, trốn thuế đất hàng trăm tỉ đồng một dự án, hay tiêu tốn năng lượng, công nghệ thấp… là những “hệ lụy” từ không ít dự án FDI có vốn tỉ đô. “Đây là cục diện ĐTNN vào Việt Nam hơn 20 năm qua”, Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN Phan Hữu Thắng lý giải, một trong những thiếu sót của hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư của Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, thiếu phối hợp thống nhất giữa các bộ luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, làm khó cho doanh nghiệp và ngay cả các nhà quản lý ở cấp địa phương trong quá trình thực hiện. Một vị chuyên gia tư vấn lâu năm khác, ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Investconsult Group cũng nhìn ra điểm này: “Chúng ta chưa xây dựng được một thể chế chuyên nghiệp để có thể tương tác một cách thuận lợi với các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển”.

Nhưng, “nói thì rất dễ và làm thì rất khó”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN Nguyễn Mại trả lời cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam “thích” tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư hoành tráng, chính sách là “trải thảm đỏ” mời gọi, nhưng khi vào nhà đầu tư “xách” vốn vào thì nhiều rào cản đã lại mọc lên.

Ngoài lý do pháp luật chưa đồng bộ, việc cố tình hiểu khác đi của cán bộ thực thi, thậm chí là làm cho sự việc khó khăn hơn để tạo cơ hội cho tham nhũng cũng có.

Ngoài việc “vấp” bài toán thu hút, FDI còn có cái khó ở giải ngân. Điểm dễ thấy là sự đột biến tại năm 2008, khi vốn FDI đăng ký vọt lên mức hơn 71 tỉ USD, cao gấp nhiều lần so với tất cả các năm còn lại. Nhưng phía dòng vốn giải ngân, cột biểu đồ vẫn “lùn” hơn hẳn, gần như rất ít thay đổi trong 3 năm gần đây. “Chúng ta đã quá hy vọng vào những dự án tỉ đô”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) Phan Hữu Thắng giải thích về sự “ảo” nói trên.

Ở chiều sâu nguyên nhân, sự “trả giá” đối với mong muốn có được dòng vốn ngoại chảy vào nhanh chóng xuất phát từ câu chuyện thời cuộc: tư duy nhiệm kỳ! “Đó là do tư duy nhiệm kỳ, muốn thành tích đưa được dự án lớn về mình, dẫn tới ảo tưởng lẫn nhau”, GS Đặng Hùng Võ nói. Quan điểm của vị này cũng nhận được nhiều sự đồng tình. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại giải thích thêm: “Đó là vì lợi ích cục bộ địa phương đặt trên lợi ích quốc gia”.

Cho nên, những tồn tại trong thu hút đầu tư nước ngoài 25 năm qua, theo lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Thu hút không có chọn lọc, công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng, sức cạnh tranh sản phẩm chưa cao… đưa đến những hàm ý cần phải xử lý những điểm nghẽn trong quản lý nhà nước, mà trước tiên là từ quan điểm người lãnh đạo.

Cần “đại phẫu” từ đâu?

Kết quả cuộc khảo sát 1.970 doanh nghiệp FDI từ 45 nước trên thế giới và hoạt động khắp 61 tỉnh, thành phố của Việt Nam được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố mới đây cho thấy, nhân tố điều hành của chính quyền địa phương bị đánh giá thấp.

Theo ông Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, thực trạng đáng buồn là, nhiều địa phương, ban quản lý KCN, KKT chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, do vậy phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không bảo đảm lợi ích dân tộc trong việc thu hút FDI.

Theo TS Nguyễn Mại, hoạt động mời chào FDI hiện vẫn còn thụ động. Đáng lẽ, các địa phương cần phải phát huy vai trò chủ động để có quyền lựa chọn. Đơn cử như, nếu dự án phù hợp với quy hoạch phát triển, ý đồ của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương cần cân nhắc xem nên chọn nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước.

“Ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư, và lựa chọn cách thức ưu đãi, kể cả phi tài chính để đủ hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư cạnh tranh với các quốc gia xung quanh”, TS Nguyễn Mại khuyến cáo.

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN, Việt Nam đã bước sang nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, nền kinh tế đang đứng trước những nhu cầu phát triển mới. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011-2020 khẳng định, khu vực FDI là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Theo đó, việc thu hút ĐTNN cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên. Đó là, chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học; công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới… Những dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ cũng sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác cũng sẽ được tập trung thu hút đầu tư, như khuyến khích đầu tư vào các KCN, KKT đi liền với dịch vụ phụ trợ; công nghiệp nông nghiệp; chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, gồm cả thủy, hải sản; các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, cảng biển, sân bay cũng như các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn như y tế, giáo dục, đào tạo cũng sẽ được ưu tiên, khuyến khích thu hút đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.

 

Lê Quân