Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

DN khỏe hay yếu đều hưởng lợi

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(DĐDN) Gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN mà Bộ Tài chính xây dựng đang chờ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối tháng 5. DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
 
- Thưa bà, gói hỗ trợ DN mà Bộ Tài chính trình Quốc hội xây dựng dựa trên nguyên tắc nào ?

Gói hỗ trợ nhằm giải cứu DN, mà chúng tôi trình Quốc hội dựa trên những nguyên tắc sau: Ổn định đảm bảo kinh tế vĩ mô không để lạm phát quay lại; Hỗ trợ đúng DN khó khăn một cách kịp thời; Tính đến khả năng cân đối của ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện về vốn và thanh khoản cho DN từ ngân sách; Phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; Gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu DN.

Gói giải pháp này cũng được đưa ra dựa trên các kết quả khảo sát về tình hình DN vừa được VCCI cũng như các bộ, ngành tiến hành nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể về tình hình DN hiện nay. Theo đó, mặc dù có những khởi sắc về mặt vĩ mô nhưng kết quả sản xuất, kinh doanh vẫn xấu do tác động bên ngoài cũng như việc thắt chặt tài khóa, tiền tệ.

- Vậy, đối tượng DN mà Bộ nhắm tới trong gói hỗ trợ này là những đối tượng DN nào, thưa bà ?

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những lĩnh vực DN thuộc diện nằm trong gói hỗ trợ này là: gia công; chế biến nông lâm, thủy sản, dệt may, da giày, xây dựng, DN BĐS… DN có lượng hàng tồn kho lớn.

Các đối tượng này (trừ DN tài chính, bảo hiểm, xổ số, DN chịu thuế thu nhập đặc biệt) sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN của năm 2012. Thuế VAT mà DN lẽ ra phải nộp trong quý II sẽ được giãn thêm 6 tháng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất với Hội đồng nhân dân các cấp giảm 50% tiền thuê đất của DN thương mại, dịch vụ hoạt động trên địa bàn trong năm 2012. Các hộ kinh doanh nhà trọ sinh viên và một số đối tượng kinh doanh khác cũng sẽ được miễn thuế khoán, thuế môn bài…

Trong bối cảnh DN khó khăn, các biện pháp hỗ trợ DN thông qua chính sách thuế cũng từng được áp dụng vào năm 2009 khi VN tiến hành kích cầu, chống suy giảm kinh tế. Tại thời điểm đó, các DN được giảm 30% thuế thu nhập, 50% thuế VAT. Ngoài ra, người lao động cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng.

Kết quả kiểm toán cho thấy giá trị gói hỗ trợ bằng thuế đạt 32.935 tỉ đồng (tăng so với mức 28.000 tỉ đồng dự kiến). Tuy nhiên, tại thời điểm đó, riêng số giảm thuế thu nhập DN chỉ trên 5.000 tỉ đồng và thu ngân sách vẫn vượt dự kiến. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc hỗ trợ thuế năm 2009 còn mang nặng tính bình quân, chỉ tác động đến DN làm ăn có lãi, trong khi nhiều DN gặp khó khăn, thua lỗ lại không được hưởng ưu đãi... Điều này đã dẫn đến sự mất công bằng trong chính sách, chưa hỗ trợ đúng đối tượng.

Xuất phát từ thực tiễn trên, gói hỗ trợ DN 2012, được Bộ Tài chính xây dựng không chỉ DN khó khăn mà ngay cả DN kinh doanh có lãi cũng được hưởng lợi.

- Việc áp dụng các giải pháp vừa được công bố sẽ ảnh hưởng đến ngân sách năm nay như thế nào, thưa bà ?

Theo tính toán sơ bộ, tổng giá trị gói kích thích đối với DN là 29.000 tỉ đồng nhưng ngân sách chỉ “chịu thiệt” khoảng 9.000 tỉ do số thuế giãn sẽ thu được vào cuối năm nay và đầu 2013 cũng như được bù đắp do tăng thu từ dầu thô. Tuy nhiên, điều quan trọng là giảm thu từ gói hỗ trợ lần này sẽ tạo điều kiện DN vượt qua khó khăn để có nguồn thu đóng cho cuối năm và các năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn bà !
 
TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV VN: 
Miễn giảm thuế chưa đủ

Miễn, giảm, giãn, hoãn thuế là giải pháp không mới, đã được liên tục thực hiện từ năm 2009 đến nay. Xét về quy mô thì gói hỗ trợ năm nay lớn hơn, lên đến 29.000 tỉ đồng, trong khi năm 2009 có giá trị tài chính khoảng 20.000 tỉ đồng. Cả đối tượng được hỗ trợ cũng như sắc thuế được miễn, giảm, dãn, hoãn cũng đã mở rộng hơn. Ví dụ, trước đây, đối tượng thụ hưởng chỉ là DN sản xuất thì nay đã áp dụng với cả DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Về sắc thuế, lần này đã mở rộng dãn, giảm thuế GTGT, tiền thuê đất. Như vậy, số tiền hàng chục ngàn tỉ đồng lẽ ra phải nộp thuế thì nhờ có chính sách hỗ trợ này, DN được để lại tái đầu tư phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ có tác dụng đối với những DN có lợi nhuận, còn hàng trăm ngàn DN đang “sắp chết” hầu như không được hưởng lợi từ chính sách này. Vì không có lợi nhuận thì không phải nộp thuế thu nhập DN nên không được giảm 30% thuế này trong năm 2012. Trong khi đó, thuế GTGT chỉ được dãn trong 6 tháng chứ không được miễn. Như vậy, xét về quy mô thì gói hỗ trợ thuế lần này lớn hơn năm 2009 nhưng tác dụng chưa chắc đã hơn vì hiện nay, sức khỏe của DN đã xấu hơn so với năm 2009. Nhiều DN có lợi nhuận đâu mà cần giảm thuế. Điều quan trọng lúc này là cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ hơn.

Ông Phan Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm ĐTNN: 
Kích thích hàng tiêu dùng, giảm tồn kho

Số lượng DN phá sản từ cuối năm ngoái và đầu năm nay có tăng lên so với bình thường do kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều DN đã đình trệ sản xuất nhưng không phải tất cả các DN đều rơi vào tình trạng đó. Trong số 450.000 DN đang hoạt động, mỗi DN có một đặc thù, tình huống riêng, Chính phủ chỉ có thể đưa ra chính sách chung, ảnh hưởng đến số đông, không thể có chính sách cho từng nhóm cụ thể. Do đó, phải chấp nhận có những DN không được cứu. Tuy nhiên, giải pháp hàng đầu hiện nay là phải kích cầu tiêu dùng, giúp DN giảm hàng tồn kho, thông qua tăng thu nhập cho người dân và giảm giá sản phẩm.

Từ năm 2010 đến nay, sức mua đã giảm mạnh và hiện đang ở mức yếu do lạm phát kéo dài. Nếu không kích được cầu tiêu dùng, các giải pháp khác sẽ không có ý nghĩa. Theo tôi, lúc này rất cần giảm thuế thu nhập cá nhân, mở rộng cho vay tiêu dùng và quan trọng là không để có thêm nhiều DN phá sản để người dân có thu nhập, tạo sức mua. Sức mua cũng có thể tăng lên khi giảm giá nên DN cần chủ động giảm lợi nhuận, Nhà nước cần giảm thuế gián thu để giúp DN giảm giá thành.

Bà Nguyễn Thị Hà Mai - Giám đốc Cty Vận tải kinh doanh sắt thép Hà Mai: 
Gói giải cứu chỉ “lợi” cho DN khỏe

Nhìn qua chi tiết các gói giải pháp, phần lớn liên quan đến các khó khăn trong tương lai của các DN nói chung, chứ không giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, của các DN trong giai đoạn hiện nay. Gói giải pháp lớn nhất liên quan đến thuế VAT và thuế thu nhập DN hình như có lợi hơn cho các DN khỏe làm ăn thuận lợi.

Bên cạnh đó, gói giải pháp cũng chưa thể giải quyết một trong những nguyên tắc quan trọng mà Thủ tướng đã kết luận, đó là việc hỗ trợ phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu DN. Gói giải pháp sẽ hỗ trợ một bộ phận DN, hộ kinh doanh nào đó, còn những tác động kinh tế vĩ mô theo kỳ vọng, vẫn còn là một bài toán khó, chưa thể có lời giải.

 Các chính sách tín dụng, kích cầu tiêu dùng về lâu dài là một ý tưởng tốt, nhưng theo tôi, không khả thi trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Hãy thử đứng ở góc độ ngân hàng, chúng ta sẽ cho ai vay, ưu đãi cho ai trong tình hình thanh khoản, lãi suất vẫn chưa thuận lợi như hiện nay.

 Một điểm yếu phổ biến của các DN nhỏ là thiếu tài sản đảm bảo cho các khoản vay, nay lại đang khó khăn, thì làm sao có thể tiếp cận hoặc hưởng dụng các chính sách tín dụng ưu đãi của các ngân hàng. Bởi bản thân các ngân hàng cũng là các tổ chức kinh doanh, họ cũng có lý do trong việc lựa chọn, sàng lọc khách hàng.Theo tôi, việc này khó khả thi trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại, mà là của các thiết chế đặc biệt hơn do Chính phủ lập ra.

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội xây dựng VN: 
Vẫn cần giải pháp đồng bộ

Gói giải cứu 29.000 tỉ đồng dành cho DN tuy là liều thuốc nhưng chưa đủ mạnh. Điều quan trọng lúc này là cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó cần kích cầu tiêu dùng, giúp DN giải quyết hàng tồn, bởi sức mua yếu khiến các DN gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tung ra trong giai đoạn này sẽ có tác dụng cơ bản tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN.

Đây là cố gắng lớn của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu chỉ đặt trọng tâm vào các giải pháp thuế không khác nào kê đơn thuốc chưa đủ liều để trị bệnh...

Kích cầu tiêu dùng, theo tôi đang là vấn đề rất cấp thiết. Gói hỗ trợ lần này đã tính đến kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm tồn kho lớn như sắt thép, xi măng để khơi thông sự luân chuyển hàng hóa, thu hồi vốn cho DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho phép sử dụng kinh phí tạm dừng mua sắm của năm 2011 sang năm 2012 nhưng cần phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để kích cầu tiêu dùng trên diện rộng.  Đó là giải pháp đồng bộ từ giảm mạnh lãi suất cho vay, quản lý tốt đến không để giá cả hàng hóa tăng cao làm hạn chế chi tiêu, giảm chi phí DN… Chỉ dãn thuế GTGT thì không mấy tác dụng. Nếu hàng tồn kho vẫn lớn, không có đầu ra thì lãi suất rẻ mấy DN cũng không vay.

H.P ghi

 
Phương Hà thực hiện