Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Tìm giải pháp khắc phục thu hút FDI

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(DĐDN) Với vị trí địa lý thuận lợi trong vùng kinh tế động lực phía Nam, có hệ thống cảng biển là ưu thế để thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ logistics và phát triển các ngành công nghiệp, nhưng hiện nay kết quả thu hút vốn FDI ở BR - VT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. 

Nhà máy thép Posco tại KCN Phú Mỹ II - dự án có vốn đầu tư lớn nhất (1,2 tỉ USD) 
đã đi vào hoạt động từ năm 2009

Đến hết tháng 7/2012, BR - VT có 298 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 27 tỉ USD (không tính các dự án khai thác dầu khí và ODA).

Thiếu sự khác biệt

Theo GS-TS khoa học Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, BR-VT là địa phương khá thành công trong thu hút FDI. Cho đến nay, dự án FDI lớn và có hiệu quả nhất là Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro. Sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài, BR-VT nằm trong số các địa phương được cấp phép dự án FDI đầu tiên. Tuy nhiên, có một thực tế là ngoài dầu khí thì các dự án khác của tỉnh có cơ cấu sản xuất na ná nhau, không có nhiều sự khác biệt. Bên cạnh đó, chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh còn dàn trải, nhỏ lẻ nên tính khả thi chưa cao, chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư còn chồng chéo, trùng lắp, chưa có sự trao đổi thống nhất giữa các tỉnh, thành trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến tại cùng một thị trường, một lĩnh vực.

Theo TS Phan Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (CFIS) - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, để trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, BR - VT phải đánh giá được thực trạng thu hút và sử dụng FDI trên địa bàn thời gian qua một cách toàn diện, cụ thể từ việc thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về FDI, đến quá trình và thủ tục cấp phép, quản lý và giám sát, hỗ trợ sau cấp phép. Ngoài ra, tỉnh phải xây dựng được một kế hoạch dài hạn về nâng cao hiệu quả trong thu hút và sử dụng FDI vào địa bàn đến năm 2020, trong đó chỉ rõ các việc cần làm ngay từ năm 2012 - 2015 và giai đoạn sau 2016 - 2020. Trong xây dựng chiến lược nêu trên cần chuẩn bị tốt quy hoạch gọi vốn FDI trên địa bàn, trong đó có phân chia lĩnh vực ưu tiên, đặt trong quy hoạch tổng thể của cả nước. Danh mục kêu gọi vốn FDI phải rõ ràng, cụ thể, đủ thông tin để xúc tiến và cấp phép, thực thi được ngay khi có nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, tỉnh cần rà soát các thủ tục hành chính hiện có, công bố quy trình thủ tục hành chính công khai về FDI trên địa bàn, giám sát kiểm tra việc thực hiện quy trình này chặt chẽ, chế tài xử lý cơ quan, cá nhân vi phạm.

Ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ

Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến nông - lâm sản, may mặc - giày da, sản xuất VLXD là 5 ngành nghề chính kêu gọi thu hút đầu tư vào CCN của BR - VT.

Ông Hồ Văn Niên - Chủ tịch UBND tỉnh BR - VT cho biết, thời gian tới, BR - VT sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục thu hút đầu tư các dự án vào lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ dầu khí, khu đô thị…

Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2012-2020, tỉnh sẽ đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật 29 cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích 1.523ha. Dự kiến tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN của tỉnh giai đoạn 2012-2020 là 4.570 tỉ đồng. Vốn đầu tư này sẽ được huy động từ mọi thành phần kinh tế, nhưng chủ yếu là vốn kêu gọi từ các nhà đầu tư có năng lực để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp (CCN).

Có 5 ngành nghề chính kêu gọi thu hút đầu tư vào CCN của tỉnh gồm: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến nông - lâm -sản, may mặc - giày da, sản xuất vật liệu xây dựng. Để thực hiện quy hoạch phát triển các CCN, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phải được ưu tiên hàng đầu. Trên cơ sở xác định ngành nghề ưu tiên, trong giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh sẽ tập trung đào tạo công nhân kỹ thuật cho các ngành chủ lực như cơ khí, điện - điện tử, các nghề phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như : gia công chính xác, kỹ thuật điện, cơ khí chế tạo… Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đi đôi với việc đổi mới chương trình và nội dung đào tạo cho phù hợp với nhu cầu phát triển của các CCN, đặc biệt là CNHT.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về các CCN; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về định hướng phát triển các CCN của tỉnh trên các phương tiện truyền thông; Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm về các CCN để kêu gọi các DN đầu tư hạ tầng CCN cũng như các DN đầu tư các dự án thứ cấp vào CCN. Trong đó, chú trọng công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các DN thuộc ngành CNHT từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đồng thời, xây dựng các mối liên kết với các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trên cả nước để liên kết phát triển ngành nghề trong CCN” - ông Niên cho biết.

Phúc Minh - Sơn Quỳnh