Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

FDI: Loay hoay tìm mô hình quản lý

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng một ủy ban đặc biệt do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để quản lý FDI đã cho thấy, công tác quản lý trong lĩnh vực này đang tồn tại nhiều bất cập.

Khi quản lý luôn “đi sau-chạy sau”

Không thể phủ nhận vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài- FIA). Tuy nhiên, những gì đang diễn ra thực tế vừa qua cho thấy sự “bị động” của cơ quan này.

Điển hình là việc Quy hoạch sân golf được tiến hành sau khi phát hiện có khả năng xâm phạm vào đất nông nghiệp và đã được cấp phép nhiều tại các địa phương (trong các năm 2007-2008);Việc các doanh nghiệp FDI cần được hướng dẫn đăng ký lại theo quy định tại Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp 2005, nhưng đến đầu năm 2012, khi thời hạn cho phép việc đăng ký lại sắp hết ảnh hưởng tới quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp, mới phát hiện ra còn hàng trăm doanh nghiệp FDI chưa thực hiện việc đăng ký lại; 

Tình trạng một số doanh nghiệp FDI lợi dụng sơ hở của quản lý Nhà nước gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường (được công luận chú ý bắt đầu từ vụ VEDAN ở Đồng Nai, sau rất nhiều năm doanh nghiệp này hoạt động)…

Nguyên nhân của sự “buông lỏng” trên, được các nhà nghiên cứu thẳng thắn chỉ ra rằng, là do sự xa rời thực tiễn của cơ quan quản lý FDI. Chính vì thế, cơ quan quản lý FDI đã không nắm chắc được tình hình và diễn biến thực tế của FDI trong phạm vi cả nước, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm… Hệ quả là, công tác quản lý nhà nước luôn “đi sau”, mang tính kỹ thuật – chữa cháy các vụ việc đã xảy ra, mà không thể xử lý căn nguyên vấn đề.

Điều đáng buồn là cách thức quản lý như vậy có xu hướng được yên ổn tồn tại, không ai trong hệ thống quản lý chịu trách nhiệm.

Mô hình nào là phù hợp?

Công tác quản lý nhà nước đối với FDI có hiệu quả hay không, có thể nói là phụ thuộc vào bộ máy quản lý.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng FIA cho biết, trong 25 năm qua, về bộ máy quản lý nhà nước về FDI được tổ chức theo 2 mô hình.

Cụ thể, từ năm 1987–1995, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài 1987 ra đời, công tác quản lý nhà nước đối với FDI được thống nhất vào một mối là Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư (gọi tắt tiếng Anh là SCCI). Đây là một mô hình tổ chức quản lý liên Bộ, với người đứng đầu là Chủ nhiệm Ủy ban (cấp Bộ trưởng, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm), các Phó chủ nhiệm (cấp Thứ trưởng và tương đương đương nhiệm của các Bộ, ngành liên quan khác như Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp, Bộ Ngoại thương, Ngân hàng Nhà nước, ….). 

SCCI là cơ quan cấp Bộ, có chức năng và quyền hạn như các Bộ, ngành khác trực thuộc trực tiếp Chính phủ, nhưng chỉ quản lý nhà nước chuyên ngành về FDI (lúc đó chưa có FDI của Việt Nam ra nước ngoài).

Định kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu đột xuất, Ủy ban họp phiên toàn thể Ban lãnh đạo gồm Chủ nhiệm Ủy ban (người chủ trì), một số Phó chủ nhiệm đương nhiệm làm việc trực tiếp tại Ủy ban và một số Phó chủ nhiệm kiêm nhiệm là cấp Thứ trưởng hoặc tương đương từ các Bộ, ngành. Mọi vấn đề lớn liên quan đến FDI, dự án FDI… đều được báo cáo và thảo luận tại phiên họp. Mô hình tổ chức đó được hình thành theo định hướng “Một cửa - Một đầu mối” trong phạm vi toàn quốc đối với FDI.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2005, SCCI và Ủy ban kế hoạch nhà nước hợp nhất thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chủ trương phân cấp quản lý được thực hiện. Bộ máy quản lý Nhà nước về FDI trực thuộc một Bộ và phân cấp quản lý hoạt động FDI về UBND cấp tỉnh, thành phố và Ban quản lý các khu công nghiệp, công nghệ cao, khu kinh tế. Theo đó, từ 2006 Chính phủ đã giao cho UBND các tỉnh, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cấp phép các dự án FDI, đối với các dự án có tầm quan trọng quốc gia thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến của các Bộ liên quan.

Theo mô hình này, cơ quan quản lý nhà nước về FDI hiện nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Bộ phận thuộc Bộ trực tiếp quản lý các hoạt động FDI trong phạm vi cả nước là Cục Đầu tư nước ngoài và Vụ quản lý các Khu Kinh tế…

Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài theo dõi trực tiếp tình hình hoạt động FDI ngoài các khu kinh tế, và có trách nhiệm tổng hợp chung tình hình, kết quả hoạt động FDI trong toàn quốc, bao gồm của cả các khu kinh tế. Vụ quản lý các Khu kinh tế theo dõi và tổng hợp tình hình FDI tại các khu này.

Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là FIA vừa qua đề nghị thành lập một ủy ban đặc biệt quản lý về FDI, theo đó một Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, còn Bộ này là cơ quan thường trực. Mô hình này được coi là giống mô hình đầu tiên.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng chưa được nhiều chuyên gia đồng tình. TS. Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, đúng là cần thiết phải có một mô hình quản lý nhà nước khác, nhưng cần tiếp tục mô hình quản lý như hiện nay là đầu mối tập trung vào một bộ (cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Cùng với đó, việc phân cấp quản lý FDI vẫn được thực hiện, nhưng giới hạn việc phân cấp cấp phép. 

Cụ thể, với các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương được cấp phép các dự án có quy mô vốn đến 100 triệu USD và đến 50 triệu USD (đối với các địa phương còn lại). Diện tích đất sẽ sử dụng của dự án đến 50 ha cho tất cả các địa phương.

Các vấn đề cần lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trước khi cấp phép đối với tất cả các dự án không phân biệt quy mô vốn, diện tích đất sẽ sử dụng đặc biệt là đối với các dự án chuyên ngành, các dự án có tầm quan trọng quốc gia vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường vai trò và năng lực cho một cơ quan quản lý thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bởi, hiện nay, ngoài việc kêu gọi, thống kê, các cơ quan đầu mối về FDI tại Bộ này không có nhiều thẩm quyền.

Theo đó, thành lập một TỔNG CỤC ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI – do một thứ trưởng của Bộ, kiêm Tổng cục trưởng điều hành trên cơ sở các đơn vị hiện có, cũng như của một số Bộ, địa phương liên quan, trong đó có các bộ phận chuyên sâu về xúc tiến đầu tư, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, quản lý FDI sau cấp phép, pháp chế, tổng hợp – thống kê, Trung tâm tiếp nhận, phân tích, xử lý số liệu FDI... Tổng cục có đại diện ở phía Nam (TP Hồ Chí Minh), miền Trung và một số thành phố khác khi cần thiết.

“Có như vậy, thì sẽ không tạo nên xáo trộn lớn, mà vẫn mang lại hiệu quả quản lý nhà nước cao”, TS. Thắng nói.

Trí An