Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Thu hút đầu tư nước ngoài: Sức ép thay đổi

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



TTCT - VN đang đứng trước sức ép phải thay đổi và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vì sức cạnh tranh trong lĩnh vực này đang bị giảm đi trông thấy.

Samsung được xem là nhà đầu tư nước ngoài thành công ở VN. Nhà đầu tư này vừa được cấp giấy phép đầu tư thứ hai với vốn đầu tư 830 triệu USD sau khi vận hành tốt nhà máy điện thoại di động 700 triệu USD ở Bắc Ninh - Ảnh: T.V.N.

Vốn giảm

Bức tranh kinh tế chưa khả quan dẫn đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu nửa đầu năm 2012 đã giảm 8%, dù năm 2011 tăng được 16%. Mặc dù có đến 50% vốn đầu tư toàn cầu đổ vào châu Á nhưng khu vực Đông Nam Á thu hút không nhiều. Kết quả mới nhất này được UNCTAD công bố ngày 23-10. Trên bình diện khu vực, nửa đầu năm nay trong số các nước thành viên ASEAN, chỉ Campuchia, Philippines và Thái Lan có tăng trưởng về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi, cũng theo báo cáo này, năm ngoái trong số các nước ASEAN, vốn đầu tư nước ngoài vào Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore tăng đáng kể, Campuchia, Lào và Myanmar tăng ở mức tốt, còn VN thì giảm nhẹ.

Cận cảnh hơn, mười tháng qua, theo Cục Đầu tư nước ngoài, có khoảng 10,5 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào VN, bằng 75,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Những dấu hiệu gần đây cho thấy năm nay tiếp tục là năm thứ tư thu hút vốn FDI của VN sụt giảm, sau khi đạt đỉnh điểm trên 71 tỉ USD vào năm 2007. Đành rằng vốn đăng ký chỉ mới là cam kết của nhà đầu tư nên chưa thật sự được hấp thu vào nền kinh tế, nhưng chỉ số này cũng phần nào cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư đang ở mức nào.

Có lý giải rằng vốn FDI toàn cầu sút giảm thì VN cũng không tránh khỏi, nhưng các chuyên gia cho rằng kể từ những năm cuối thập niên 1990, chưa bao giờ chỉ số cạnh tranh về thu hút FDI của VN thua kém các nước ASEAN như bây giờ. Một số nước ASEAN vẫn tăng được nguồn vốn FDI trong khi VN giảm.

Niềm tin giảm

Lâu nay vẫn có nhận xét rằng đánh giá về môi trường đầu tư VN của một số tổ chức quốc tế bên ngoài VN thường không sát với tình hình thực tế vì thiếu cập nhật. Nhưng gần đây một số tổ chức nước ngoài có mặt ở VN đã thực hiện một số nghiên cứu, khảo sát và đưa ra một số đánh giá khá trùng khớp nhau. Chẳng hạn, báo cáo đầu tư tư nhân ở VN khảo sát quý 4 năm nay của Grant Thornton - một công ty kiểm toán và tư vấn tài chính đã có mặt ở VN gần 20 năm qua - cho thấy mức độ hấp dẫn của VN như một điểm đến đầu tư đã giảm một nửa từ 56% trong quý 2 xuống còn 29% trong quý 4. Kết quả này tương đồng với kết quả của báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2012 của Diễn đàn kinh tế thế giới. Trong đó, VN được xếp hạng 75 so với 65 của năm 2011.

Còn kết quả cuộc khảo sát thứ chín về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thực hiện, công bố đầu tháng 11 (quý 4), cho thấy mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân châu Âu tại VN đã giảm dưới mức trung bình, còn 45 điểm so với 48 điểm của quý 3, 53 của quý 2 và 56 của quý 1 (thang điểm từ 0-100).

Quý 1 năm ngoái, VN từng được 79 điểm. Theo Grant Thornton, bên cạnh việc có đến 51% doanh nghiệp khảo sát (tăng gấp hai lần so với sáu tháng trước) coi bức tranh kinh tế VN không sáng sủa trong 12 tháng tới, số doanh nghiệp xem VN là thị trường rất hấp dẫn đầu tư và hấp dẫn hơn nơi khác cũng đã giảm xuống thấp, còn 27% so với 29% của lần khảo sát trước. Ông Preben Hjortlund, chủ tịch EuroCham, nhận xét: “Trong vòng 12 tháng qua, chỉ số về môi trường kinh doanh VN của EuroCham đã giảm từ 56 điểm xuống còn 45 điểm (giảm 11 điểm), điều này chỉ ra sự sụt giảm lòng tin vào VN như là một điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu”.

Công chúa ngủ trong rừng

Niềm tin vào môi trường kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài giảm vì nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật nhất trong nỗi quan ngại của họ là sự bất ổn của kinh tế vĩ mô VN. Theo EuroCham, khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô của VN trong vòng sáu tháng tới, khoảng 72% phản hồi cho rằng “tiếp tục thấy sự suy giảm của một nền kinh tế vốn đã khó khăn.

Mức này tăng 12 điểm so với quý trước và điều đó cho thấy các biện pháp ổn định nền kinh tế không làm giảm bớt sự lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô. Chỉ 28% doanh nghiệp nghĩ rằng tình hình sẽ được ổn định và cải thiện dần”. Các doanh nghiệp tham gia trong cuộc khảo sát của Grant Thornton lo ngại về vấn đề tham nhũng, lạm phát không ổn định, GDP tăng trưởng thấp và chính sách tiền tệ không hiệu quả. Các nhà khảo sát cho rằng đây là tỉ lệ nhận định tiêu cực nhất trong tám cuộc khảo sát gần đây do công ty này thực hiện.

Khảo sát của Grant Thornton cho rằng có đến 83% các nhà đầu tư cho rằng tham nhũng là “trở ngại chính” hoặc là một “khó khăn” khi đầu tư vào VN. “Kết quả này không có sự cải thiện nào so với kết quả của cuộc khảo sát lần trước. Trong khi đó 42% ý kiến phản hồi cho rằng quan liêu/thủ tục hành chính là “trở ngại chính” khi đầu tư vào VN. Những vấn đề trên liên tục nằm trong danh sách năm trở ngại chính khi đầu tư vào VN trong những cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi” - Grant Thornton nhận xét trong báo cáo.

Đề cập đến đầu tư nước ngoài không thể không nhắc đến Nhật Bản và Hàn Quốc bởi đây không chỉ là hai nhà đầu tư lớn nhất nhì ở VN mà còn có những đánh giá xác đáng về môi trường đầu tư VN. Tuy nhiên, gần đây nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã nói rằng VN không còn là địa chỉ ưu tiên theo công thức “Trung Quốc cộng 1” nữa mà Indonesia và Myanmar đang nổi lên như một điểm đến có thể thay thế VN. Xin mượn lời ví von rất hình ảnh của ông Yip Hoong Mun - phó giám đốc Capitaland VN, một công ty phát triển bất động sản Singapore có nhiều dự án đầu tư ở VN - nói trong một hội nghị đầu tư để kết thúc bài viết này: “VN như nàng công chúa Bạch Tuyết xinh đẹp ngủ trong rừng và có rất nhiều hoàng tử muốn đến đánh thức nàng dậy. Nhưng những khó khăn bao quanh khiến chàng hoàng tử khi đến được gần và đánh thức Bạch Tuyết dậy thì chàng đã thành một ông lão chống gậy”.

LÊ NGUYÊN MINH

 

Cần có ngay giải pháp cụ thể

VN đang đứng trước một thách thức mới với các đặc thù mới so với trước kia trong thu hút FDI sau 25 năm thực hiện Luật đầu tư. Đã đến lúc phải tổng kết nhưng chưa rõ các giải pháp và cách tổ chức thực hiện các giải pháp đó để chặn được đà giảm sút FDI, khi vốn FDI đăng ký mới năm sau thấp hơn năm trước, vốn thực hiện vẫn được coi là chủ yếu thì chỉ giữ được ở mức bình quân 10 tỉ USD/năm (bao gồm cả vốn trong nước) và không có tăng trưởng khi nhu cầu về vốn của nền kinh tế ngày càng cao.

Trước khi bước vào năm 2012, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, nhiều kỳ vọng vào những đột phá đã được đặt ra. Nhất là khi xây dựng đề án “Đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài thời gian qua và định hướng đến năm 2020”. Nhưng năm 2012 sắp qua, cánh cửa vào năm 2013 đã cận kề nhưng đâu là những giải pháp mới và tổ chức thực hiện các giải pháp này như thế nào là điều để chặn đà FDI giảm sút là chưa rõ. Đề án nêu “phát triển tiếp tục những ưu điểm đã có và khắc phục một số nhược điểm, tồn tại bằng việc xây dựng một chiến lược về FDI trong thời gian tới trên một số định hướng cơ bản, thống nhất và dài hạn về gắn chiến lược FDI với chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, xác định rõ quan điểm về FDI, đa dạng hóa các hình thức và nội dung ưu đãi đầu tư phối hợp hài hòa trong mục tiêu tiền kiểm và hậu kiểm, hoàn thiện việc phân cấp về quản lý nhà nước về FDI...”. Trong khi những đề xuất nêu ra trong dự thảo đề án chưa đi vào cuộc sống thì dòng vốn FDI trên thực tế cứ lạnh lùng xuống dốc.

Để ngăn chặn được đà suy giảm hiện nay, rất nhiều vấn đề cần có các giải pháp sát thực và sự chỉ đạo thực hiện sát sao. Chẳng hạn, với các dự án hiện có nhưng chưa triển khai được, đặc biệt là các dự án lớn, cần có biện pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy giải ngân, thực hiện dự án. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, công khai các thủ tục, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công việc mang tính dài hơi hơn là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ.

Tiềm năng của đất nước chúng ta là rất lớn cả về con người và tài nguyên. Nhưng tiềm năng có phát huy được hay không và các nhà đầu tư nước ngoài có đến VN hay không phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của môi trường đầu tư so với các nước khác.

Ts PHAN HỮU THẮNG
(nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư)