Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Chủ trương phân cấp mạnh mẽ trong quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho chính quyền địa phương đã đem lại sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khuyến khích sự sáng tạo của các địa phương trong thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, cơ chế phân cấp này đã nảy sinh nhiều bất cập cần khắc phục, nhất là khi thu hút FDI của nước ta bước sang giai đoạn mới, với định hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng.

 

Chất lượng nhiều dự án chưa cao

Dự án FDI lớn nhất tại Ðồng Nai: đầu tư xây dựng Khu trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch do Công ty Berjaya Leisure Cayman (Ma-lai-xi-a) làm chủ đầu tư với vốn đăng ký lên đến 2 tỷ USD mới đây đã chính thức bị UBND tỉnh Ðồng Nai rút giấy chứng nhận đầu tư. Ðây chỉ là một trong số nhiều dự án FDI trên địa bàn tỉnh bị rút giấy chứng nhận đầu tư do quá thời hạn 12 tháng mà chủ đầu tư không triển khai. Trưởng phòng doanh nghiệp Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Ðồng Nai Dương Thị Hạt cho biết, đến nay, có 888 dự án FDI đăng ký tại các KCN Ðồng Nai, trong đó có 725 dự án FDI đã đi vào hoạt động với tổng số vốn 8,7 tỷ USD và còn tới 163 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện. Dự án FDI chậm triển khai, dẫn tới lãng phí đất đai, tác động xấu tới cuộc sống người dân vùng dự án, bỏ lỡ cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác...

Ðồng Nai được coi là một trong những địa phương thành công trong thu hút FDI. Nhờ nguồn vốn này, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch nhanh chóng từ nông nghiệp là chủ đạo sang công nghiệp - dịch vụ. Tuy nhiên, Ðồng Nai cũng không tránh khỏi tình trạng thu hút FDI một cách "ồ ạt" giai đoạn đầu, dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều dự án FDI chưa cao. Các doanh nghiệp (DN) FDI đầu tư vào địa phương này chủ yếu thuộc loại hình vừa và nhỏ, thâm dụng lao động lớn và vốn thấp, cùng với công nghệ lạc hậu dẫn đến suất tiêu hao năng lượng cao. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ðồng Nai, trong số 464 DN FDI trên địa bàn tỉnh, chỉ có 59 DN áp dụng công nghệ tiên tiến, ngược lại, có tới 370 DN áp dụng công nghệ trung bình và 35 DN sử dụng công nghệ lạc hậu.

Tương tự, tại Bình Dương, số DN FDI sử dụng công nghệ cao chỉ ở mức dưới 5%, khoảng 80% sử dụng công nghệ trung bình của thế giới. Còn lại là những DN sử dụng công nghệ ở mức thấp, có trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên và chưa mang tính kết nối trong chuỗi giá trị với khu vực.

Ðồng Nai, Bình Dương là hai trong số nhiều địa phương luôn đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Số lượng dự án FDI cùng số vốn đầu tư đăng ký vào hai địa phương này khá lớn. Tuy nhiên, chất lượng các dự án còn nhiều vấn đề cần xem xét. Không chỉ riêng hai tỉnh này trên phạm vi cả nước, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, có tới hơn 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình, chỉ có 5%-6% DN sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức lạc hậu và thấp. Do mặt bằng công nghệ sử dụng trong các dự án FDI chưa cao nên hiệu quả chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở của pháp luật, yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, khai tăng giá trị nhập khẩu và giá trị chuyển giao công nghệ. Công nghệ thấp dẫn đến các DN tại Việt Nam chủ yếu thực hiện gia công, hệ quả là DN tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu.

Ðặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu

Dự án FDI chậm triển khai; mục tiêu thu hút công nghệ, chuyển giao công nghệ từ các DN FDI chưa đạt được như kỳ vọng; một số dự án FDI được cấp phép chưa bảo đảm tính bền vững, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên... Ðiều này cho thấy, thu hút FDI thời gian qua mới "chạy theo" số lượng mà chưa chú trọng chất lượng. Ðây cũng là hệ quả của tình trạng "đua nhau" thu hút FDI giữa các địa phương. TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) nhìn nhận, từ năm 2006, việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo, năng động của nhiều địa phương trong thu hút FDI, nhờ đó, không ít địa phương đã thu hút lượng vốn FDI lớn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Tuy nhiên, do phân cấp đầu tư "đại trà, dàn đều", chưa tính đến đầy đủ đặc thù của địa phương về năng lực quản lý, trình độ cán bộ, quy mô kinh tế của địa phương nên đã nảy sinh nhiều bất cập. Có tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định... Một số địa phương còn dễ dãi trong lựa chọn nhà đầu tư, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến lợi ích lâu dài, vì lợi ích địa phương mà bỏ qua lợi ích tổng thể quốc gia. Phân cấp mạnh trong khi năng lực của các cơ quan được phân cấp còn yếu khiến công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý, giám sát các dự án FDI còn nhiều lỏng lẻo. Do vậy chất lượng dự án FDI được cấp phép trong thời gian qua chưa cao. Nhiều dự án được cấp phép đã phá vỡ một số quy hoạch ngành hay cấp phép nhiều cho các dự án quy mô lớn nhưng không triển khai hoặc triển khai rất chậm.

Cùng chung nhận định này, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cho rằng, chủ trương phân cấp quản lý FDI cho chính quyền địa phương có tác động tích cực đến tính chủ động của chính quyền địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư... Song, do năng lực thẩm định các dự án FDI lớn của cán bộ một số địa phương rất hạn chế nên đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không bảo đảm các điều kiện cần thiết. Ðã có tình trạng một số nhà đầu tư "rởm" được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI hàng trăm triệu USD để bán lại, khi không thực hiện được thì buộc phải trả lại giấy chứng nhận đầu tư. Không chỉ vậy, có thời kỳ, các dự án xi-măng, sắt thép quy mô lớn được nhiều địa phương cấp phép không phù hợp quy hoạch ngành và vùng lãnh thổ.

Có thể khẳng định, phân cấp quản lý FDI cho chính quyền địa phương là chủ trương đúng đắn. Mặc dù vậy, việc thực hiện phân cấp đầu tư này chưa phù hợp với tình hình thực tế nên đã bộc lộ nhiều hạn chế. Phân cấp trong bối cảnh luật pháp chính sách còn chồng chéo, thiếu quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết, cụ thể và đồng bộ, thiếu nội dung phân cấp phù hợp với đặc thù của từng địa phương, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, phân cấp phải đi đôi với cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cùng với quy định rõ trách nhiệm, chế tài xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến phân cấp; cơ chế báo cáo, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành ở trung ương và giữa các bộ, ngành với địa phương. Thế nhưng thời gian qua, nội dung này chưa được thực hiện tốt và đây là nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước về FDI.

Sau 25 năm Việt Nam mở cửa thu hút FDI, nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của nước ta. Thu hút FDI vào Việt Nam đến nay bước sang giai đoạn mới với định hướng thu hút chọn lọc các dự án FDI có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia... Ðịnh hướng thu hút này đòi hỏi cơ chế phân cấp quản lý nhà nước về FDI phải nhanh chóng khắc phục những bất cập theo hướng tiếp tục phát huy quyền chủ động, sáng tạo của địa phương đồng thời vẫn bảo đảm tính thống nhất luật pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về FDI. Hiện nay còn có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xem xét, điều chỉnh quy định phân cấp quản lý FDI. Chẳng hạn việc giới hạn quyền cấp phép dự án FDI của chính quyền địa phương tùy theo quy mô về vốn, về diện tích đất sử dụng... của từng dự án hoặc có cơ chế đặc thù với một số địa phương... Nhưng dù điều chỉnh thế nào thì quan trọng nhất vẫn phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, tránh tư tưởng lợi ích cục bộ địa phương. 

Phân cấp mạnh mẽ, toàn diện trong quản lý FDI là chủ trương đúng đắn, tạo chủ động và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý FDI. Tuy nhiên, trước mắt, để khắc phục những hạn chế của cơ chế phân cấp này thì việc phân cấp cần đi kèm với luật pháp, chính sách rõ ràng, đồng bộ, các quy định cụ thể về điều kiện thực hiện phân cấp cùng hệ thống quy hoạch ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch vùng lãnh thổ và địa phương được xây dựng đầy đủ, công khai để địa phương dễ dàng áp dụng trong quá trình thẩm định, quản lý, giám sát các dự án FDI. Ðồng thời, cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm liên quan đến phân cấp cần thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.