Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Thấy gì khi hàng trăm DN FDI bỏ trốn ?

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(DĐDN) - Thống kê của các sở kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), ban quản lý các KCN, KCX, KCN cao, khu kinh tế trên cả nước, tính đến ngày 31/5 đã có tới 518 DN FDI “vắng chủ” với tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các DN, dự án này khoảng 903.110.000USD. Trong đó, hai địa phương “đầu tàu” là Hà Nội và TPHCM dẫn đầu số DN FDI bỏ trốn với lần lượt là 105 và 166 DN. Hiện tượng này được nhìn nhận và phân tích như thế nào dưới góc độ của các chuyên gia, nhà quản lý...

Yêu cầu một số loại DN phải đặt cọc

 


GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài: Những dự án đăng ký làm ở VN mà phía VN cảm thấy chưa có đủ tin tưởng thì biện pháp rất bình thường là yêu cầu ký quỹ, đặt cọc.

 

Trước đây, công tác thẩm định các dự án do cơ quan trung ương thực hiện, việc đánh giá năng lực các chủ đầu tư được làm kỹ, cẩn thận. Tuy nhiên, sau này phân cấp cho các địa phương đã dẫn đến tình trạng chạy đua thu hút vốn FDI. Một số địa phương chỉ quan tâm thu hút được nhiều dự án, nhiều nhà đầu tư chứ không quan tâm nhiều đến năng lực, miễn anh công bố dự án đầu tư 2-3 tỉ USD chẳng hạn... Chính hiện tượng này đã tạo điều kiện cho các DN không đủ năng lực cũng được cấp phép, sau đó nếu thấy khó khăn thì họ bỏ trốn. Điều đáng nói, lẽ ra cơ quan chức năng phải phát hiện và xử lý sớm các trường hợp chủ DN FDI bỏ trốn, thay vì để đến khi con số lên tới hơn 500 DN vắng chủ rồi mới ngồi bàn cách xử lý.

Để ngăn chặn tình trạng bỏ trốn, nên lập lại quy định yêu cầu một số loại DN phải đặt cọc khi có dự án đầu tư ở VN. Vấn đề này từ thời mới mở cửa, Ủy ban hợp tác đầu tư đã có cơ chế về ký quỹ, đặt cọc.

Đó không phải là đặt cọc bình thường, mà có thể yêu cầu chủ đầu tư mở một tài khoản, đưa vào đó một số tiền trên tỉ lệ vốn đăng ký nhất định theo yêu cầu của VN. Sau đó, nếu dự án giải ngân đến mức độ nhất định thì chủ đầu tư được bàn giao lại tài khoản.

 Nhiều chuyên gia lo ngại rằng việc đưa ra quy định phải đặt cọc, ký quỹ đối với DN FDI có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Nhưng tôi cho rằng, những dự án của các tập đoàn lớn, có uy tín thì không ai làm bậy. Nhưng những dự án đăng ký làm ở VN mà phía VN cảm thấy chưa có đủ tin tưởng thì biện pháp rất bình thường là yêu cầu ký quỹ, đặt cọc. Tôi khẳng định đây là biện pháp rất bình thường, nhiều nước đã làm rồi chứ không phải chưa có tiền lệ.

Đừng để “một mình một chợ”

 


Ông Phan Hữu Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu từ Nước ngoài, Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội: Các địa phương thu hút vốn FDI lớn cần phải cử một Phó Chủ tịch chuyên trách, làm đầu mối tổ chức giao ban hằng tháng với các sở về FDI.

 

Vốn đầu tư phát triển là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng. Với VN, vốn FDI tăng nhanh và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư xã hội qua các thời kỳ: từ 26,6 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 1991-2000; lên 69,5 tỉ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2001-2011. Tỉ trọng đóng góp của FDI trong GDP tăng từ 2% năm 1992 lên 10,7% năm 2000, 16,9% năm 2006, 18,9% năm 2011. Những con số trên chứng tỏ, nguồn vốn FDI đã có một vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện các cơ quan thống kê với hơn  500 chủ DN bỏ trốn là đáng báo động về công tác quản lý DN có vốn FDI.

Hiện nay, việc quản lý vốn FDI có vẻ được phân công, phân cấp rõ ràng và chặt chẽ, theo đó Cục thuế địa phương chịu trách nhiệm quản lý thuế, hải quan theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương quản lý hoạt động thương mại, Bộ KH-ĐT giám sát hoạt động cấp phép, đăng ký đầu tư và Bộ LĐ-TB-XH theo dõi về lao động, tiền lương… Tuy nhiên, sau thời kỳ chạy đua thu hút vốn FDI, VN đang phải giải quyết nhiều hệ lụy do mặt trái chính sách đem lại.

Đã nhiều phương án được đưa ra, trong đó có quan điểm quy định đặt cọc, khoán thuế để quản lý DN FDI. Nếu vậy, VN có thể rơi vào cảnh "một mình một chợ", giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, cần có một cơ chế phối hợp từ Trung ương đến địa phương, trong đó giao một đơn vị làm đầu mối tập hợp thông tin để báo cáo. Các địa phương thu hút vốn FDI lớn cần phải cử một Phó Chủ tịch chuyên trách, làm đầu mối tổ chức giao ban hằng tháng với các sở về FDI.

Nâng cao vai trò giám sát

 

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó ban phụ trách Ban Pháp chế (VCCI): Ngoài sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước thì các tổ chức dân sự như công đoàn, hiệp hội DN... cần nâng cao vai trò giám sát của mình.

 

Con số 518 DN FDI bỏ trốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 903,1 triệu USD - nếu xét về tương quan đầu tư, lượng vốn đăng ký của số DN này chỉ chiếm chưa đến 0,5% so với các DN khác. Đây là một tỷ lệ khá nhỏ so với những DN FDI đang đầu tư vào VN.

Tuy nhiên, hậu quả của việc này cũng cần phải tính đến. Từ những ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động, DN đối tác làm ăn trong nước, đến nguồn thu thuế hay tác động đến môi trường… đều khá nghiêm trọng, phải hạn chế tối thiểu.

Theo tôi, cần tập trung vào hai nội dung cơ bản, đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát.

Về hoàn thiện hệ thống pháp luật, VN có thể học tập kinh nghiệm của các nước đi trước về vấn đề thu hút FDI, cùng với đó các cơ quan xây dựng chính sách cùng cần chủ động hơn. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ tư tưởng hạn chế hay cản trở việc thu hút FDI. Không nên vì một số nhỏ chưa tốt mà hạn chế số lượng lớn các DN muốn đầu tư vào VN. Bởi thực tế, sau 25 năm tìm vốn đầu tư FDI, VN đã thu hút được 14.550 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 211 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 100 tỉ USD. Hầu hết các DN đến đầu tư vào VN đã làm ăn hiệu quả và đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm...

Về cơ chế giám sát, ngoài sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước thì các tổ chức dân sự như công đoàn, hiệp hội DN… cần nâng cao vai trò giám sát của mình. Ví dụ, khi nhận được những thông tin về tình hình hoạt động bất thường của DN, các DN đối tác hay người lao động có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức trên, từ đó có thể nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ tốt từ các cơ quan như ngân hàng, thuế, hải quan hay công an…

Hậu quả của thu hút đầu tư thiếu chọn lọc

 


Ông Nguyễn Tấn Định - Phó trưởng ban các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza): Nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Luật Phá sản để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc xử lý DN vắng chủ.

 

Việc DN FDI bỏ trốn, ngoài Luật phá sản của chúng ta chưa rõ ràng khiến nhiều DN (kể cả DN nội) “chết” mà không được chôn, còn do ban đầu khi vận động thu hút đầu tư, TP không có sự chọn lọc. Thậm chí, thời điểm bắt tay vào làm KCN, TP còn khuyến khích phải lấp đầy 50% trở lên thì KCN mới được làm hệ thống xử lý nước thải. Chính vì thế, có những dự án tổng vốn đầu tư chỉ vài trăm ngàn USD nhưng sử dụng nhiều ha đất vẫn được cấp phép. Theo một thống kê mới đây, trong tổng số 10 KCN, KCX của cả nước có mức độ thâm dụng lao động cao, vốn đầu tư thấp thì TP HCM chiếm tới 6 KCN, KCX.

Tính tới thời điểm này, tại TP HCM có tới 166 DN FDI bỏ trốn - đây được coi là một hiện tượng.

Việc xử lý các DN này hết sức khó khăn bởi pháp luật hiện hành chưa có quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với DN FDI vắng chủ mà chỉ quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi dự án chậm tiến độ hoặc dự án không thực hiện.

Để hạn chế và khắc phục tình trạng trên, nhà nước cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Luật Phá sản để các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý trong việc xử lý DN vắng chủ. Song song đó, thủ tục thanh lý giải thể phải rút ngắn để nhà đầu tư khi làm thủ tục phá sản được giải quyết nhanh chóng.

 Đối với dự án FDI mới phải kiểm tra vốn thật kỹ, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn. Khi nào DN FDI thực hiện đúng với số vốn cam kết đăng ký thì mới cấp giấy phép, tránh tình trạng đăng ký vốn lớn nhưng thực hiện xây dựng hạ tầng chỉ một phần vốn nhỏ.

 

VN đang phải giải quyết nhiều hệ lụy do mặt trái chính sách thu hút FDI đem lại.

 

T.Anh, P.Hà, B.Tú, N.Thành thực hiện