Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Quản lý các DN FDI (Kỳ 2): Cần một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh riêng

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(Pháp lý) – Kể từ khi đổi mới đến nay, nước ta đã đón nhận hàng trăm doanh nghiệp FDI với tổng mức đầu tư của các doanh nghiệp này lên đến hàng chục tỷ đô la. Nguồn vốn đầu tư này đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực đó, thời gian qua, dư luận trong nước cũng không khỏi giật mình khi biết trong nhiều năm liền, nhiều doanh nghiệp FDI bằng nhiều “thủ đoạn” như: Trốn thuế, bỏ trốn, chuyển giá…khiến cho ngân sách nhà nước thất thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Làm sao để quản lý tốt các doanh nghiệp và nguồn vốn FDI là bài toán không phải dễ dàng đối với các cơ quan chức năng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài.

>> Kỳ 1: Hệ lụy từ sự yếu kém trong quản lý các doanh nghiệp FDI

Luật chưa điều chỉnh sâu và thiếu chế tài xử lý

Phóng viên: Vốn FDI là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Nguồn vốn này đổ vào Việt Nam kể từ sau đổi mới và tăng nhanh qua các thời kì. Có thể khẳng định, FDI đã đóng góp vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Tuy nhiên thời gian gần đây diễn ra hiện tượng hàng trăm doanh nghiệp FDI bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế… Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?

 

433 Quản lý các DN FDI (Kỳ 2): Cần một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh riêng

TS Phan Hữu Thắng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài

TS. Phan Hữu Thắng: Trước hết nên phân chia nội dung tình trạng trên thành 2 loại: Bỏ trốn và chuyển giá, trốn thuế.

Nguyên nhân chung của cả 2 loại trên: Môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam còn 1 số hạn chế, trong đó có sự quản lý yếu kém của hệ thống quản lý nhà nước hiện hành về đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN). Có thể nêu dẫn chứng cụ thể: Việc phân công quản lý các DN ĐTNN tại các địa phương được trao cụ thể cho các Sở, ban, ngành theo chức năng quản lý nhà nước của các Sở, ban, ngành đó. Chẳng hạn, như các vấn đề về tài chính, thuế giao Sở tài chính, Cục thuế phụ trách; các vấn đề về môi trường giao cho Sở TN&MT quản lý;…nhưng trong thực tế đã thiếu sự phối hợp trong quản lý, dẫn đến thiếu một cơ quan nắm chắc được tình hình chung, cũng như tình hình hoạt động cụ thể của từng DN ĐTNN  trên địa bàn nên dẫn tới việc DN ĐTNN có các hành vi vi phạm pháp luật như bỏ trốn,…khi được các cơ quan báo chí phát hiện  thì các Sở, ban, ngành chức năng mới biết và vào cuộc. Chính việc thiếu phối hợp chặt chẽ trong quản lý các DN ĐTNN của các Sở, ban ngành đã tạo ra lỗ hổng trong hệ thống quản lý.

Ngoài ra, Nhà đầu tư không huy động được đủ vốn đã cam kết đầu tư,dẫn đến nợ xấu trong qúa trình đầu tư và sản xuất kinh doanh, không thanh khoản được. Bên cạnh đó, khi đầu tư, các DN ĐTNN gặp đúng lúc thị trường thay đổi bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN: giá cả đầu vào tăng, giá sản phẩm bán ra giảm, giá các dịch vụ DN cần sử dụng biến động thất thường, cùng các yếu tố khác không dự báo được, nếu tiếp tục đầu tư và kinh doanh sẽ không có hiệu quả, buộc nhà đầu tư phải dừng hoạt động, trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư vô trách nhiệm, thiếu vốn  đã chọn cách bỏ trốn.

Đối với các nguyên nhân chuyển giá và trốn thuế : Trước hết cần thấy rõ việc chuyển giá, trốn thuế không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác. Nếu phân tích kĩ cũng sẽ thấy rõ có sự khác nhau giữa chuyển giá và trốn thuế. Chuyển giá có các hành vi thực hiện việc chuyển giá ngoài biên giới. Trốn thuế có loại làm sai chứng từ, sổ sách kế toán được thực hiện tại Việt Nam nhưng tựu chung lại cũng là để trốn thuế thu lời về riêng cho Nhà đầu tư gây tổn hại cho đối tác liên doanh và gây thất thu thuế đối với nước tiếp nhận đầu tư.

Việc Cơ quan thuế chưa giám sát, kiểm tra được việc chuyển giá do chưa có một hệ thống Luật riêng, đủ chiều sâu để quản lý vấn đề chuyển giá.Việc chuyển giá hiện nay thuộc phạm vi kiểm tra thuế chung nên nếu có phát hiện được các kế hoạch kinh doanh không lành mạnh về chuyển giá vẫn chưa có chế tài để xử lý.

Được biết, hiện tượng bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế…của các doanh nghiệp FDI đã bắt đầu xuất hiện từ những năm 2003 – 2004. Vậy mà từ đó đến nay, chúng ta chưa đưa ra được biện pháp hữu hiệu nào để quản lý và ngăn chặn tình trạng nói trên? Những khó khăn mà các cơ quan chức năng gặp phải khi xử lý những vụ việc liên quan đến việc bỏ trốn, chuyển giá trốn thuế…?

Thực sự việc bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế đã được các cơ quan quản lý nhà nước về  ĐTNN chú trọng tập trung xử lý trong một số năm vừa qua, do vậy là tâm điểm thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây. Trước hết phải kể đến việc Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1250/QĐ-BTC ngày 21/05/2012 phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia quản lý chính sách chuyển giá của các DN ĐTNN trong giai đoạn 2012 – 2015. Theo đó, thời gian qua công tác kiểm tra thuế đã được tăng cường và cũng có một số qui định mới về quản lý chuyển giá đã được qui định tại “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế” là kết quả rút ra qua những đợt kiểm tra thuế. Các khó khăn trong xử lý vấn đề chuyển giá là các hành vi thực hiện việc chuyển giá được thực hiện giữa các công ty mẹ – con ngoài biên giới và chứng từ đã được hợp thức hóa khi sản phẩm thông quan vào Việt Nam. Trường hợp này được tạm gọi là CHUYỂN GIÁ VÀO. Trường hợp DN xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam với giá xuất khẩu thấp hơn giá thị trường, thậm chí thấp hơn giá thành sản phẩm trong giao dịch thương mại với công ty mẹ hoặc với các  thành viên khác thuộc công ty mẹ, được gọi là CHUYỂN GIÁ NGƯỢC. Đối với cả hai trường hợp này, chúng ta chưa có các qui định pháp lý phù hợp, hay như đã nêu ở trên “chưa có một hệ thống luật riêng đủ chiều sâu để quản lý vấn đề chuyển giá” nên các cơ quan thuế địa phương không thể xử lý được dù có thấy được bất hợp lý trong giá cả mua – bán hoặc phát hiện ra các kế hoach kinh doanh không lành mạnh.

Con số 518 doanh nghiệp FDI bỏ trốn với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 903,1 triệu USD (theo thống kê của Bộ Kế hoạch – Đầu tư) – nếu xét về tương quan đầu tư thì nó chỉ chiếm chưa đến 0,5% so với những DN FDI đang đầu tư vào VN. Song nhiều nhận định cho rằng hiện tượng bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế…của hàng loạt của các doanh nghiệp FDI đang tạo ra nhiều hệ lụy và tác động cả về mặt phát triển kinh tế cũng như xã hội. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Theo số liệu thống kê của Cục đầu tư nước ngoài –Bộ KH&ĐT về số DN ĐTNN bỏ trốn chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số DN ĐTNN đã đăng kí đầu tư vào Việt nam, còn các con số về số DN ĐTNN chuyển giá, trốn thuế chưa có con số thống kê cụ thể. Tuy số các DN nêu trên còn ít so với tổng số DN đã đăng kí, nhưng nếu nêu rõ một con số cụ thể là 518 DN đã bỏ trốn trong phạm vi 64 tỉnh, thành phố của cả nước là không nhỏ, đặc biệt khi còn một số địa phương chưa thu hút được nhiều vốn ĐTNN nên số lượng các DN ĐTNN còn ít. Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại ,vì nó không những làm xấu môi trường đầu tư Việt Nam mà còn để lại các tồn tại xấu khó xử lý như thanh lý, nợ xấu, giải quyết việc làm và quyền lợi của người lao động,…còn làm hạn chế thu hút đầu tư mới gây quan ngại về công tác quản lý nhà nước đối với ĐTNN.
Vấn đề chuyển giá, trốn thuế còn làm thất thu ngân sách nhà nước, làm giảm hiệu quả thu hút vốn ĐTNN, do vậy cần sớm có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên. Đồng thời, trước mắt cần tập trung thực hiện các vấn đề sau đây:

Đối với vấn đề chuyển giá: Hướng dẫn thực hiện các qui định mới về quản lý chuyển giá được qui định tại Luật sửa đổi,bổ xung một số điều của Luật quản lý thuế ,đặc biệt là đối với việc ban hành,áp dụng thông tư hướng dẫn thực hiện “Thỏa thuận giá định trước – APAS” và ban hành một qui trình kiểm tra cụ thể về chuyển giá;

Đối với vấn đề DN ĐTNN bỏ trốn thì chúng ta cần sớm ban hành qui chế phối hợp quản lý DN ĐTNN.

Ông có thể chỉ ra những “chiêu trò” mà các DN FDI thường dùng để có thể dễ dàng bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế…?

Đối với bỏ trốn: Giảm dần mức độ sản xuất, sa thải bớt lao động; xin tạm dừng một thời gian ngắn để điều chỉnh dây chuyền, mặt hàng sản xuất, tìm kiếm thị trường; Tìm và đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan như biến động của thị trường và các lỗi về phía Việt Nam (như giải quyết chậm các đề xuất của DN, sự hợp tác không tốt của đối tác Việt Nam,…) trong khi che dấu việc thiếu vốn, không đủ năng lực tài chính, quản lý để phát triển dự án; Các nhân vật chủ chốt của DN như giám đốc, đại diện chủ sở hữu của đối tác nước ngoài đi công tác nước ngoài trước khi DN tạm dừng sản xuất và không trở lại.
Đối với chuyển giá: Cấu kết giữa các công ty mẹ – con và giữa các công ty con trong cùng tập đoàn cùng công ty mẹ để định sẵn mức giá mua – bán sản phẩm hàng hóa giữa DN tại Việt Nam với công ty mẹ hoặc với các công ty thành viên trong cùng công ty mẹ, cùng tập đoàn định sẵn mức lợi nhuận, lỗ -lãi cho DN tại Việt Nam; Tìm mọi cách để kí các hợp đồng thương mại, hợp đồng xây dựng với các công ty trong cùng công ty mẹ, cùng tập đoàn nhằm nâng quá cao giá trị thực tế của các tài sản vô hình và của các sản phẩm độc quyền.
Đối với trốn thuế: Ngoài các hành vi về chuyển giá, DĐTNN còn lập chứng từ sổ sách kết toán riêng để quyết toán thuế, đối phó với kiểm tra thuế tại Việt Nam.

Quản lý thiếu đồng bộ

Trong suốt tiến trình phát triển kể từ khi mở cửa nền kinh tế cho đến nay, nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định có liên quan nhằm thu hút nguồn vốn FDI từ nước ngoài. Song dường như trong vấn đề quản lý nguồn vốn này cho đến nay vẫn còn khá nhiều bất cập dẫn đến hiện tượng trốn thuế, chuyển giá hay bỏ trốn. Vậy đâu là những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực quản lý nguồn vốn FDI? Theo ông, làm cách nào để quản lý các DN FDI một cách hiệu quả nhất?

Ngoài các vấn đề về bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế như các nguyên nhân đã được nêu ở trên. Trong quản lý vốn ĐTNN còn có một số vấn đề khác cần được tiếp tục quan tâm xử lý tiếp. Đó là: Tiếp tục thu hút được các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn; thu hút được các đối tác có tiềm lực về tài chính, về thị trường; Thu hút được ĐTNN nhưng phải bảo vệ được môi trường; Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước như đất đai, tài nguyên khoáng sản, nguồn lực lao động,thị trường nội địa…

Cách quản lý có hiệu quả nhất nguồn vốn ĐTNN trong thời gian tới là cần phải nghiêm túc  triển khai thực hiện Nghị quyết số 103/NQ –CP ngày 29/08/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN trong thời gian tới. Đây là kết quả cụ thể của Hội nghị tổng kết 25 năm ĐTNN tại Viêt nam được tổ chức vào cuối tháng 3/2013 vừa qua. Tại Nghị quyết 103 này, Chính phủ đã giao hơn 60 đầu mục công việc (đề án) cho các Bộ ngành, địa phương thực hiện với thời hạn hoàn thành đến hết năm 2014. Đồng thời, Nghị quyết 103 cũng đã chỉ rõ 5 giải pháp cụ thể để triển khai nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 103. Đó là các giải pháp về: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư; Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; Hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư; Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Tuy vậy ,theo quan sát tiến độ thực hiện các đề án nêu tại Nghị quyết 103, đã xuất hiện lo ngại đối với việc chậm triển khai, không thực hiện đúng hạn các đề án được chính phủ giao của các Bộ ngành,địa phương,khả năng xuất hiện việc “ NỢ XẤU CHÍNH SÁCH” sẽ cản trở quá trình phát triển và quản lý có hiệu quả nguồn vốn ĐTNN trong thời gian tới.

Một vấn đề khác nhận được nhiều phản hồi từ dư luận và các chuyên gia trong thời gian qua là những quy định và chế tài của pháp luật đối với việc xử lý các doanh nghiệp FDI bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế còn thiếu và yếu. Ông có thể chỉ ra những điểm yếu kém của hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này không? Cách sửa đổi, bổ sung quy định như thế nào cho hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc quản lý và thu hút các DN FDI?

Ngoài các kiến nghị cụ thể đã được nêu trong phần trên, tôi xin nêu rõ thêm một số nội dung nữa:

Điều đáng mừng là đối với hiện tượng chuyển giá chúng ta đã biết sử dụng thông lệ quốc tế về “Thỏa thuận định giá trước” (APAS – Advance Pricing Agreements) để xử lý. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế đã bổ sung vào khoản 10 điều 5 của Luật quản lý thuế “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã kí hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu hập doanh nghiệp cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giữa giá tính thuế theo giá thị trường.”

Tất nhiên còn nhiều vấn đề liên quan khác cần tính đến khi áp dụng phương pháp APAS nhưng chúng ta đã thấy một hướng ra đối với việc ngăn chặn tình trạng chuyển giá.

Đồng thời để ngăn chặn tốt hơn tình trạng chuyển giá, tại Nghị định 103 Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai đề án “Nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá trong các doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp có vốn ĐTNN thông qua chuyển giao công nghệ” sẽ được hoàn thành trong quí IV/2013.

Đối với hiện tượng bỏ trốn, tại Nghị định 103, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đề án “Xây dựng qui chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về ĐTNN theo hướng tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương và địa phương về quản lý hoạt dộng ĐTNN” và cũng sẽ hoàn thành trong quí IV/2013. Ngoài ra, để có giải pháp xử lý đối với các DN ĐTNN sẽ bỏ trốn, Nghị định 103 nêu trên của Chính phủ đã chỉ rõ việc cần phải hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có qui mô lớn “Có các chế tài hoặc yêu cầu đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ” – Qui định này cũng cần có thông tư hướng dẫn việc thực hiên để thống nhất áp dụng trong phạm vi cả nước.

Đâu là những kinh nghiệm trong quản lý nguồn vốn FDI của các nước trên thế giới mà Việt Nam có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả quản lý của nguồn vốn này thưa ông?

Thí dụ như đối với hiện tượng chuyển giá: Một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, sau khi tiến hành kiểm tra thuế, cũng đã phát hiện rất nhiều công ty vi phạm. Tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD) bao gồm hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có hướng dẫn về về chuyển giá từ nhiều năm qua. Hướng dẫn về việc phân tích so sánh, tìm kiếm – cung cấp – liệt kê chi tiết những yếu tố so sánh, cũng như cách tiếp cận biên độ giá thị trường và hướng dẫn các vấn đề thực tế liên quan. OECD đã khuyến nghị và nhiều nước đã áp dụng phương pháp APAS trong tuân thủ thông lệ quốc tế về chuyển giá.

Ngoài ra, cần nhận rõ thêm để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn ĐTNN trong giai đoạn tới cần có cách xử lý tổng thể, đồng bộ, kịp thời các vấn đè tồn tại hiện nay đối với ĐTNN mà Nghị quyết 103 nêu trên đã xác định. Trên cơ sở nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý ĐTNN hiện nay. Vấn đề “ THÀNH – BẠI” trong nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng ĐTNN thời gian tới phụ thuộc vào việc triển khai có hiệu quả hay không Nghị quyết Q103 ngày 29/08/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút,sử dụng và quản lý ĐTNN./.

Xin cảm ơn ông!

Văn Don – Thành Huế