Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Một năm thành công hút vốn FDI

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



Nhà máy sản xuất điện thoại di động Nokia tại Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).
Nhà máy sản xuất điện thoại di động Nokia tại Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).

Năm 2013, trong mức tăng trưởng GDP 5,42% của cả nước, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTNN) có đóng góp quan trọng khi chiếm khoảng 20% GDP. Với tổng số vốn đăng ký lên tới 21,6 tỷ USD, thu hút đã vượt đáy suy giảm của giai đoạn 2009 - 2012 và vượt xa dự báo (13 - 14 tỷ USD). Những thành tựu ĐTNN đạt được đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, xác định rõ những giải pháp cấp bách nhằm khơi thông nguồn vốn này cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và các năm tiếp theo.

Vốn ĐTNN hồi phục

Có ba vấn đề cốt lõi của ĐTNN mà bất cứ quốc gia tiếp nhận ĐTNN nào cũng phải tính đến, đó là vốn, công nghệ và quản lý nhà nước. Điều đáng mừng là hoạt động ĐTNN năm 2013 đã đạt được nhiều thành tựu lớn về cả ba vấn đề nêu trên.

Trước hết về vốn, vốn được xác định là mục tiêu quan trọng nhất, bởi có vốn thì mới có đầu tư, có nguồn thu cho ngân sách, tạo ra việc làm, có hàng xuất khẩu, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế,... và thực hiện được mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Năm 2013, ngay từ đầu năm, trong bối cảnh đầu tư từ khu vực nhà nước suy giảm, một lượng vốn lớn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đang "chôn" vào bất động sản..., cùng với việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, thì vốn ĐTNN đã tăng đáng kể, thể hiện sự kịp thời và vai trò không thay thế được của nguồn vốn ĐTNN trong suốt thời gian hơn 25 năm qua.

Ngay sáu tháng đầu năm, vốn ĐTNN thực hiện đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước, bằng 54,8% cả năm 2012, tương ứng là số vốn ĐTNN đăng ký đạt 10,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước và bằng 80% so cả năm 2012. Đà tăng trưởng ngoạn mục đó tiếp tục trong sáu tháng cuối năm, để cả năm 2013, vốn ĐTNN thực hiện đạt được khoảng 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012; vốn ĐTNN đăng ký đạt khoảng 21,6 tỷ USD, tăng 54,5%.

Không chỉ gia tăng về lượng, chất lượng vốn ĐTNN trong năm 2013 cũng được cải thiện rõ nét thông qua tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao và vẫn tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Một số dự án đã được cấp phép đều có quy mô lớn như dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam (SEVT), vốn đầu tư hai tỷ USD tại Thái Nguyên; dự án Samsung ElectronicMechanics (SEM) vốn đầu tư một tỷ USD để sản xuất, cung ứng vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động của dự án SEVT; dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD; dự án Lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) tăng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD, tương ứng với việc nâng công suất đăng ký ban đầu lên hơn bốn triệu tấn... Các dự án nêu trên, tuy có quy mô lớn nhưng đã tích cực triển khai nhanh theo đúng tiến độ đăng ký, cụ thể như dự án SEVT khởi công vào tháng 3-2013; dự án SEM đã triển khai ngay để đi vào sản xuất tháng 8-2014; dự án Lọc dầu Vũng Rô đã ký hợp đồng thiết kế tổng thể dự án và trao thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản)...

Về công nghệ, cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, ĐTNN được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước có nền công nghệ phát triển, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Thiếu công nghệ cao, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không thể cạnh tranh và không thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác, cũng như không thể đạt được mục tiêu CNH, HĐH đất nước. Với thực trạng mới chỉ có 5-6% số lượng doanh nghiệp ĐTNN sử dụng công nghệ cao, số còn lại sử dụng công nghệ chỉ ở mức trung bình so với thế giới thì thu hút ĐTNN năm 2013 đã có bước tiến đáng kể về công nghệ. Chỉ với các dự án SEV, SEVT, SEM nêu trên của Tập đoàn Samsung cùng với hàng chục các doanh nghiệp ĐTNN phụ trợ khác do Samsung đưa vào và với các dự án khác như Nokia trong năm 2013 cũng đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh,... đã cho thấy các dự án ĐTNN không đơn thuần thực hiện việc lắp ráp tại Việt Nam mà đã tiến tới tập trung vào sản xuất linh kiện, phụ kiện như vi mạch và linh kiện điện tử cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu từ Việt Nam. Các dự án trong các lĩnh vực khác như lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên)... đều đưa các công nghệ chuyên ngành vào thực hiện.

Bên cạnh vốn và công nghệ, quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN giữ vai trò quyết định đối với sự thành -bại của mọi quốc gia trong tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ngoại này. Có vốn, có công nghệ nhưng quản lý tồi sẽ không mang lại hiệu quả cho đất nước. Qua các sự kiện nổi bật liên quan đến ĐTNN được tổ chức trong năm 2013 như Hội nghị Tổng kết 25 năm ĐTNN tại Việt Nam vào tháng 3-2013 và sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29-8-2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN trong thời gian tới, cho thấy công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN đã đi vào chiều sâu, chỉ rõ ra được các khó khăn, trở ngại mà ĐTNN đang phải đối mặt và tìm ra được các giải pháp thiết thực để khắc phục. Việc thực hiện tốt, nghiêm túc Nghị quyết 103 chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu hút ĐTNN trong giai đoạn tới, tiếp tục góp phần vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hoàn thiện môi trường đầu tư

Hoạt động ĐTNN đạt được những kết quả tích cực nêu trên, trước hết là do sự tiến bộ trong quản lý điều hành hoạt động ĐTNN của Chính phủ và khả năng chủ động, năng động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, đặc biệt của các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài trong bối cảnh các doanh nghiệp cần phải có các đối sách kịp thời để vượt khó. Môi trường đầu tư Việt Nam, tuy còn nhiều mặt yếu kém, nhưng về cơ bản vẫn có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, điện nước, nhân lực, dịch vụ các loại, hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư,... để bảo đảm cho hoạt động ĐTNN có hiệu quả. Môi trường đầu tư Việt Nam cũng đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh, được cộng đồng quốc tế xác nhận sự tiến bộ: Tại Diễn đàn kinh tế thế giới, trong báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2013 -2014, Việt Nam xếp vị trí thứ 70, tăng 5 bậc. Việc tăng bậc là nhờ cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 87, tăng 19 bậc), chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông và năng lượng (xếp thứ 82, tăng 13 bậc). Ngoài ra, Việt Nam cũng có bước tiến về hiệu quả thị trường hàng hóa (xếp thứ 74, tăng 17 bậc) nhờ giảm các rào cản thương mại và thuế quan. Sự ổn định chính trị - xã hội cũng là một lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số vừa đạt mốc 90 triệu người và triển vọng kinh tế Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên đã tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư hiện có và hấp dẫn các nhà đầu tư mới. Chủ đầu tư các dự án SEV, SEVT, SEM, LG Electronic,... được cấp phép trong năm 2013 đã nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ ngày càng tăng của các mặt hàng như điện thoại di động, sản phẩm điện tử khác tại Việt Nam. Ngoài các sản phẩm công nghệ cao, Việt Nam cũng đang là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ các loại trong các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, khí, nước, điều hòa (vốn ĐTNN đăng ký vào lĩnh vực này năm 2013 hơn hai tỷ USD); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa (vốn đăng ký gần 500 triệu USD); hợp đồng chuyên môn, khoa học công nghệ (vốn đăng ký hơn 400 triệu USD), tiếp đến là dịch vụ lưu trú ăn uống, xây dựng, giáo dục - đào tạo, y tế,... có tới khoảng 30% tổng vốn ĐTNN đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực này.

Các đối tác truyền thống từ khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Xin-ga-po... với sự am hiểu sâu về thị trường, luật lệ, cung cách làm ăn tại Việt Nam nên không ngại phải đối mặt với các trở ngại hiện có của môi trường đầu tư Việt Nam, tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam. Năm 2013, Nhật Bản đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đến, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Trung Quốc đều trong tốp 10 nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào tăng trưởng ĐTNN năm 2013.

Các kết quả khả quan về ĐTNN đạt được trong năm 2013 được kỳ vọng là kết quả khởi đầu cho một giai đoạn mới phát triển hiệu quả và bền vững ĐTNN tại Việt Nam, đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện thông qua Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29-8-2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN trong thời gian tới.

Việc tổ chức thực hiện quyết liệt, đúng hạn với chất lượng cao các đề án tại Nghị quyết 103 của các bộ, ngành, địa phương là một đòi hỏi cấp thiết và đây cũng là việc "cần làm ngay" đối với hoạt động ĐTNN hiện nay. Đã hơn bốn tháng kể từ khi Nghị quyết 103 được ban hành, nếu tổng kết lại các công việc cần hoàn thành và đã hoàn thành trong năm 2013, chắc chắn kết quả đã thực hiện được chưa nhiều, nhiều cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật vẫn chậm được ban hành, thậm chí có thể gọi là "nợ xấu" về chính sách.

Hiện tại, nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng thương mại là nguy hiểm đối với cả nền kinh tế. Còn nợ "xấu" chính sách về ĐTNN nếu có, còn tệ hại hơn vì nó cản trở cả một lĩnh vực quan trọng của một quốc gia trên con đường phát triển và vươn lên trong quá trình hội nhập. Từ kinh nghiệm chung về tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, cũng như các diễn đàn, sự kiện về ĐTNN các năm qua, như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhằm cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh của môi trường Việt Nam, cần xem xét giao cho một cơ quan quản lý Nhà nước cấp bộ làm đầu mối thành lập Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ xem xét và đôn đốc việc triển khai Nghị quyết 103 ngay từ đầu năm 2014 để việc thực hiện nghị quyết có thể hoàn thành đúng hạn. Đây là điều kiện tiên quyết và cần thiết cho mọi hoạt động ĐTNN, thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả ĐTNN trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

TS PHAN HỮU THẮNG