Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Những điểm cần khắc phục trong thu hút FDI

06-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phan Hữu Thắng



(Chinhphu.vn) – Có ba vấn đề cốt lõi của đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tính đến, đó là: Vốn, công nghệ và quản lý Nhà nước. Rất mừng khi ĐTNN năm 2013 đã đạt được các thành tựu lớn trong cả 3 vấn đề trên.

Tuy vậy, bên cạnh những gam màu sáng, đầu tư nước ngoài năm 2013 vẫn còn những điểm yếu cần khắc phục trong thời gian tới.

Điểm sáng

Trước hết nói về những điểm sáng. Vốn đầu tư đã có sự gia tăng về lượng. Số vốn thực hiện cao (vượt đáy suy giảm năm 2012 giai đoạn 2009-2013 sau khi đạt đỉnh cao vào năm 2008). Cụ thể: Năm 2009 vốn đăng ký đạt 23,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt được 10 tỷ USD; năm 2010 số vốn tương ứng là 19,8 tỷ USD và 11 tỷ USD; năm 2012 là 13,9 tỷ USD và 10,4 tỷ USD; năm 2013 là 21,6 tỷ USD và 11,5 tỷ USD). Như vậy, vốn FDI thực hiện trong năm 2013 đạt lại mức cao nhất kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, năm 2013 chất lượng vốn đầu tư FDI cũng cao hơn trước, thông qua tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao và vẫn tập trung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.         

Nhiều dự án quy mô vốn lớn với hàm lượng công nghệ cao được cấp phép trong 2013 như: Điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD của Dự án Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); Tăng vốn đầu tư của Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh từ 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD; Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Nguyên; Dự án Samsung Electronic-Mechanics (SEM) vốn đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất, cung ứng vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động của dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronic Vietnam (SEVT) cũng tại Thái Nguyên; Dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), tăng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD tương ứng với việc nâng công suất đăng ký ban đầu lên trên 4 triệu tấn; Dự án Bus Industrial Center, vốn đầu tư 1 tỷ USD của nhà đầu tư Liên bang Nga tại Bình Định; Dự án Công ty TNHH LG Electronic Vietnam tại Hải Phòng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn cũng nhanh hơn, nhiều dự án có quy mô lớn nhưng đã tích cực triển khai nhanh theo đúng tiến độ đăng ký, như dự án SEVT khởi công vào tháng 3/2013; dự án SEM triển khai ngay để đi vào sản xuất tháng 8/2014; dự án lọc dầu Vũng Rô đã ký hợp đồng thiết kế tổng thể dự án.

Về công nghệ, thời gian trước đây, mới chỉ có 5-6% số lượng doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ cao. Số còn lại là những công nghệ ở mức trung bình so với thế giới (đánh giá của Bộ KHĐT tại Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam 3/2013) thì thu hút FDI 2013 đã có bước tiến bộ đáng kể.

Các dự án SEV, SEVT, SEM nêu trên cùng với hàng chục dự án phụ trợ khác… không đơn thuần thực hiện việc lắp ráp mà đã tập trung vào sản xuất linh, phụ kiện để sản phẩm hoàn chỉnh xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này đã chứng minh sự tiến bộ của FDI 2013 về thu hút công nghệ so với các năm trước đây. Bên cạnh đó, các dự án được điều chỉnh tăng vốn, có quy mô lớn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn-Thanh Hóa, Vũng Rô-Phú Yên… đều đưa các công nghệ chuyên ngành vào thực hiện.

Những điểm cần khắc phục 

Tuy vậy, ĐTNN vẫn chưa khắc phục được những điểm yếu như tình trạng mất cân đối giữa các đối tác đầu tư; tình trạng mất cân đối giữa các ngành kinh tế; tình trạng mất cân đối trong hình thức đầu tư; mức vốn giải ngân (vốn thực hiện) còn thấp so tổng vốn đăng ký…

Cụ thể, danh mục 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất 2012-2013 cho thấy trong tổng số khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án ĐTNN tại Việt Nam, thì chủ yếu là các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á, vắng bóng các nhà đầu tư từ Châu Âu, Bắc Mỹ…

Đáng lo ngại là Liên minh Châu Âu - một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1.810 dự án FDI và tổng vốn đăng ký khoảng 723 nghìn tỷ đồng (34,28 tỷ USD) - lại vắng bóng trong bảng xếp hạng 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam 2012-2013. Điều này cho thấy cần phải cải thiện niềm tin và nhận định về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Châu Âu.

Về cơ cấu ngành, Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng ĐTNN 2013 vẫn chưa có các tiến bộ trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Tổng vốn ĐTNN 2013 đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản chỉ có 89 triệu USD trên tổng số 21,6 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam 2013.

Về hình thức, đầu tư 100% vốn nước ngoài hiện vẫn là hình thức đầu tư chủ yếu trong ĐTNN tại Việt Nam (chiếm 86% dự án đăng ký mới năm 2013). Dù đến nay vẫn chưa có một kết quả nghiên cứu chính thức nào so sánh về hiệu quả của các hình thức ĐTNN tại Việt Nam được công bố. Nhưng hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài cho thấy sẽ có hạn chế hơn so với các hình thức khác (như liên doanh) trong các mặt tiếp thu và nhận chuyển giao công nghệ, điều chỉnh các bất cập trong quản lý doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, tuy vốn thực hiện ĐTNN 2013 cao hơn các năm trước, chiếm tới trên 50% số vốn đăng ký (11,5 tỷ USD/21,6 tỷ USD ), nhưng vẫn chưa tạo ra được sự đột phá về giải ngân. Thực tế giải ngân nhiều năm qua vẫn giữ ở mức bình quân 10-11 tỷ USD /năm. Hiện vẫn còn hơn 100 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng chưa giải ngân và chưa có giải pháp đột phá để tháo gỡ.

Trên đây là một số điểm yếu về thu hút FDI cần được khắc phục trong thời gian tới. Tuy vậy, so các năm trước, kết quả ĐTNN 2013 là đáng ghi nhận. Có được kết quả đó trước hết là do sự tiến bộ trong quản lý, điều hành hoạt động ĐTNN của Chính phủ và khả năng chủ động, năng động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Các kết quả này được kì vọng là kết quả mở đầu cho một giai đoạn mới phát triển hiệu quả và bền vững ĐTNN tại Việt Nam.

TS. Phan Hữu Thắng

Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư NN, Bộ  KHĐT

http://baodientu.chinhphu.vn/Gop-y-Hien-ke/Nhung-diem-can-khac-phuc-trong-thu-hut-FDI/190268.vgp