Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Tham vọng của ông Phạm Phú Ngọc Trai là trong 5-10 năm nữa

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Nếu điều ông Thân Trọng Phúc chưa làm được cho Intel Việt Nam khi rời Công ty là đạt doanh thu 1 tỉ USD tại thị trường nội địa thì đối với Phạm Phú Ngọc Trai, việc đào tạo đội ngũ nhân sự lãnh đạo giỏi kế thừa ở PepsiCo là một sứ mệnh còn dang dở.

Cho đến ngày rời PepsiCo, chức vụ cao nhất ông Trai nắm giữ là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Nam Á. Ở vị trí này, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Trong hơn 20 năm làm việc với PepsiCo, ông Trai đã có 4 lần liên tiếp đưa PepsiCo Việt Nam giành giải thưởng DMK, giải thưởng cao quý nhất của hệ thống PepsiCo toàn cầu mang tên Donald M. Kendall, nguyên Chủ tịch và là người đồng sáng lập tập đoàn này.

Khi hào quang của chiếc ghế CEO PepsiCo đang ở đỉnh cao, đầu năm 2010, giới truyền thông hay tin ông Trai xin nghỉ khi chưa đến tuổi về hưu để chuyển sang làm nhà tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với các cộng sự, ông đã thành lập Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (Global Integration Business Consultants - GIBC) để tiếp nối giấc mơ đào tạo đội ngũ kế thừa người Việt. Ông cho biết, với GIBC, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm, chẩn bệnh và chữa bệnh cho doanh nghiệp Việt qua việc khảo sát, phân tích và đánh giá hiện trạng để từ đó giúp họ xây dựng chiến lược trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, ông Trai vẫn đặt hẹn cho buổi phỏng vấn với NCĐT tại văn phòng ở lầu 5, Khách sạn Sheraton Saigon, trụ sở của PepsiCo Việt Nam. “Chiếc ghế CEO của PepsiCo vẫn còn níu kéo hay ông đã không vượt qua được chiếc bóng quá lớn của chính mình tại PepsiCo?”. Ông đáp ngay: “Tôi vẫn còn gắn bó với PepsiCo trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Cố vấn về Đối ngoại của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, tôi còn là Đồng Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của VinaCapital Group và giữ một số cương vị khác nữa. Nhưng hiện tại, tôi dành trọn tâm huyết cho GIBC”.

Điều khiến ông Trai còn băn khoăn đối với PepsiCo là đào tạo lực lượng nhân sự Việt giỏi để kế thừa. Trong giai đoạn ông còn làm CEO, tỉ lệ người Việt nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao so với người nước ngoài là 8:2. Thế nhưng, sau khi ông rời PepsiCo, tỉ lệ đó đã bị đảo ngược. “Tôi đã có cơ hội để làm tốt hơn”, ông Trai bộc bạch. Tuy nhiên, ông cũng nói ngay: “Khoảng 1-2 năm nữa, sẽ có sự thay đổi. Người Việt sẽ tham gia làm quản lý tại công ty này nhiều hơn”. Người nước ngoài có thể giỏi về chuyên môn hay kỹ thuật, nhưng không thể nào am hiểu văn hóa, chính trị - xã hội hay những điều tinh tế của đất nước và con người Việt Nam. “Đôi khi đó chính là những yếu tố quyết định thành bại trong kinh doanh”, ông nói.

Không lý giải cụ thể cho việc chưa đào tạo được thế hệ kế thừa đủ mạnh tại PepsiCo, ông Trai cho rằng, một phần nguyên nhân là do kinh tế của Việt Nam thời gian qua phát triển quá nhanh. Từ sau khi nền kinh tế được mở cửa, chính các công ty FDI vào Việt Nam đã có công đào tạo nhân sự người Việt bài bản. Tuy nhiên, những năm sau đó, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo sự bùng nổ của thị trường nhân sự Việt. “Các doanh nghiệp ngành này sẵn sàng trả tiền để thuê lại nhân sự quản lý giỏi được đào tạo từ các doanh nghiệp FDI, khiến nhân sự cao cấp trong khối này thiếu trầm trọng. Đó là thời gian xáo trộn kinh khủng về nhân sự, nhất là nhân sự cao cấp”, ông Trai nhận xét.

Ở GIBC, ngoài việc chẩn đoán bệnh, xây dựng chiến lược và hỗ trợ thực thi chiến lược cho doanh nghiệp Việt, ông Trai và các cộng sự đã tổ chức 2 chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo cấp cao tại Trường Đại học UCLA (Mỹ) cho khoảng 40 CEO Việt. Chương trình này sẽ được duy trì hằng năm, sắp tới là vào tháng 10.2012 theo kế hoạch của GIBC. Ông cũng dự tính sẽ tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp theo mô hình gia đình mang tên “Từ công ty gia đình đến tập đoàn kinh tế toàn cầu”, hợp tác với Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore (NUS Business School) vào tháng 6.2012.

Vốn được coi là một trong số ít những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật của Việt Nam trong suốt 2 thập niên qua - giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới, ông cho rằng việc đào tạo một lớp trẻ kế nghiệp đối với ông không chỉ là ước mơ mà còn là sứ mệnh. Tham vọng của ông là trong 5-10 năm nữa, thế hệ lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam sẽ là những người Việt tuổi từ 30.

Tự đặt ra cho mình một sứ mệnh không đơn giản và chiếc bóng quá lớn tại PepsiCo chính là những thách thức lớn cho ông lúc này. Tuy nhiên, ông cho rằng, những gì đang làm được có thể chậm thành công nhưng là làm cho chính mình; còn ngày trước, dù thành công nhưng là làm cho người khác.

http://www.doanhnhanconghien.vn/4601n/tham-vong-cua-ong-pham-phu-ngoc-trai-la-trong-5-10-nam-nua.html

Người Việt trẻ sẽ thay thế các vị trí người nước ngoài đang nắm giữ

Đỉnh cao của Phạm Phú Ngọc Trai nên được hiểu là ở PepsiCo có đúng không?

Tôi chưa bao giờ có khái niệm về đỉnh cao bởi khó đong đếm điều đó. Hôm nay đánh ván golf này đạt được điểm cao, tôi gọi là đỉnh cao của hôm đó, nhưng để đánh giá cả quá trình là không thể.

Tại sao?

Chẳng hạn, có những thương hiệu lớn tại Việt Nam mà tôi đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập (SJC, ACB, Saigon Co.op, Tribeco - PV), tôi cho đó là những giá trị để lại của mình. Các doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục phát triển lớn mạnh. Như vậy, đỉnh cao đó vẫn tiếp tục cao đấy chứ.

Anh nói gì với các bạn trẻ mà anh đang đặt tham vọng đào tạo trở thành những nhân sự cao cấp thay thế thế hệ của anh?

Theo tôi, người Việt có năng lực quản lý và tôi tin các bạn trẻ được đào tạo tốt vài năm thôi đã giỏi. Tôi chỉ có lời khuyên rằng, thực tế và thực dụng khác nhau nhiều lắm. Chỉ vì lương mà bỏ việc để sang chỗ mới là không nên, nếu mình không đánh giá hết những tiềm năng và sự phát triển trong hiện tại. Đừng bao giờ phủ nhận lịch sử của bất cứ doanh nghiệp nào mà mình có cơ hội cộng tác. Sự tồn tại của họ qua thời gian hẳn phải có những lý do nhất định. Vì vậy, cần xác định tư tưởng rõ ràng để có sự cam kết cũng như chấp nhận rủi ro khi làm việc.

Anh có vẻ ít áp lực hơn so với thời làm ở PepsiCo?

Không hẳn. Lúc đó, tôi có trách nhiệm quản lý rủi ro, nhưng nay làm chủ doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp, tôi đặt thêm lên vai mình cả nhiệm vụ xử lý khủng hoảng.

Một nhận xét về cá nhân mình?

Tôi là người kỷ luật trong công việc nhưng hết sức linh hoạt.