Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Hãy cứu khi doanh nghiệp còn sống!

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Nếu thấy điều gì chưa phù hợp hoặc việc sử dụng luật, chính sách đó đem tới sự khó khăn cho DN thì chúng ta không nên máy móc chấp nhận mà cần thay đổi.

“Nhìn lại cả một chuỗi thời gian dài từ năm 1986 đến nay thì nền kinh tế ảnh hưởng rất lớn từ chính sách của Nhà nước và hội nhập bên ngoài. Những chỉ tiêu kinh tế như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xuất khẩu… đều tăng, giảm theo các chính sách, sự hội nhập” - trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, ông Phạm Phú Ngọc TraiChủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu, nhận định như trên.

Chính sách còn nửa vời!

. Thưa ông, như ông vừa nói, nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) phụ thuộc rất nhiều từ điều hành của Nhà nước. Thời gian qua, theo ông đánh giá, chính sách nào của Nhà nước còn “nợ” DN?

 

- Ông Phạm Phú Ngọc Trai (ảnh): Trong năm gần đây, Nhà nước đã có những chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả nhất định. Ví dụ năm 2011, sau khi Nghị quyết 11 về thắt chặt tiền tệ được đưa ra thì chúng ta có những chỉ số tiến triển tốt, như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi xuống, lạm phát giảm, đồng tiền ổn định. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ cũng đưa ra hệ lụy là làm cho sức mua đi xuống. Chính điều này khiến các DN nhỏ và vừa đã bị ảnh hưởng lớn, hàng tồn kho chất đống.

 

Chưa hết, việc điều hành vĩ mô trong lĩnh vực ngân hàng (NH) cũng còn nhiều điều chưa nhất quán, chưa phù hợp. Trong lúc các DN vừa và nhỏ khó khăn thì có thời điểm lãi suất NH cho vay quá cao, có khi lên tới trên 20%/năm. Rõ ràng trong khó khăn như vậy, chỉ riêng chuyện trả lãi cho NH thì DN cũng đã đủ đuối rồi chứ đừng nói đến tồn tại và sống tốt.

Ngay cả về vấn đề đầu tư công, Nhà nước đã dồn “lực” quá lớn để hỗ trợ cho các DN nhà nước. Trong khi đó, DN nhỏ và vừa đóng góp tăng trưởng tốc độ GDP khá nhiều nhưng sự hỗ trợ từ Nhà nước dành cho các DN này lại chỉ ở mức thấp. Nhìn vào chính sách, tôi vẫn tin rằng Nhà nước sẽ tìm cách để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, e là chờ khi Nhà nước hỗ trợ cụ thể thì các DN không còn tồn tại nữa rồi!

Ngoài ra, trong điều hành vĩ mô về giá cả, nhất là giá xăng dầu, điện nước có những điều chỉnh không phù hợp khiến DN không phát triển được. Chính sách nhà nước đã đưa đến khó khăn của DN, thậm chí làm nhiều DN phá sản, yếu đi.

. Nói như vậy là việc điều hành vẫn còn nhiều bất cập?

+ Trong điều kiện kinh tế hiện nay, tôi cho rằng rất cần bàn tay của Nhà nước vì các DN chưa đủ vững để tự đứng một mình. Tuy nhiên, cách tham gia của Nhà nước hiện nay lại thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán. Chủ trương của bộ này lại có thể tạo lỗ hổng cho ngành khác, gây ra hàng loạt các hệ lụy mà nền kinh tế, cụ thể là các DN nhỏ và vừa phải chịu.

Nhiều DN vẫn phát triển tốt do giữ đúng nguyên tắc tập trung vào sản phẩm chính, vào thế mạnh của mình. Ảnh: HTD

Tôi thấy cái lãng phí lớn nhất, “vết thương” lớn nhất của ngành NH chính là quy định khi thành lập NH thương mại thì các NH phải có vốn lên tới 3.000 tỉ đồng. Nhà nước quy định điều đó dù biết các NH không thể đáp ứng được, “ép” các NH phải đi vay. Chính sách này đã gây xáo trộn trong lĩnh vực NH, tạo ra cuộc đua huy động vốn. Nhưng sau đó, Nhà nước lại không tiếp tục duy trì quy định đó nữa và chấp nhận không cần vốn 3.000 tỉ đồng. Như vậy, là điều hành không nhất quán!

. Vậy cần sửa đổi như thế nào để giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này?

+ Nói cho cùng, tất cả chủ trương, chính sách, kể cả luật là để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định. Nhưng trong quá trình phát triển, nếu thấy điều gì chưa phù hợp hoặc việc sử dụng luật, chính sách đó đem tới sự khó khăn cho DN thì chúng ta không nên máy móc chấp nhận mà cần thay đổi, luật đã ban hành vẫn có thể sửa được. Nhưng bây giờ hở chút là có tình trạng đổ thừa cho luật, cho chỉ thị này, văn bản kia… mà không chịu nhìn lại thực tế. Chẳng hạn mới đây là chuyện các dự án “treo”. Tôi đồng tình là với những dự án “treo” thì chúng ta phải rà soát và thu hồi. Nhưng Nhà nước cũng cần phải xem là dự án đó “treo” trong thời điểm nào để tính toán phương án phù hợp. Đang trong tình cảnh khó khăn mà các địa phương cũng nói các DN phải xây dựng các dự án thì khác nào bảo họ nhảy xuống sông chết đi! Cần phải xét nhiều khía cạnh rồi hãy quyết định.

Thời điểm vàng của tái cấu trúc

. Những tác động bên ngoài khiến DN gặp khó nhưng DN đâu thể cứ trông chờ vào Nhà nước?

“Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì kinh tế là trọng tâm, doanh nghiệp là quân chủ lực. Những người đứng mũi chịu sào như doanh nhân cần phải có những tư duy mới, đột phá và phải khiến lãnh đạo, nhà làm chính sách hiểu được, tin được những ý tưởng đó. Tôi trông chờ vào sự đoàn kết của cộng đồng doanh nhân.”

(Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi gặp mặt hơn 100 đại diện  doanh nghiệp trẻ cuối năm 2011)

+ Các DN trong giai đoạn này cần phải tự tái cấu trúc để đảm bảo làm sao cho chi phí hợp lý. DN phải có định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng là giai đoạn của mua bán và sáp nhập (M&A). Đừng nghĩ cụm từ “sáp nhập” theo hướng xấu mà nên hiểu theo nghĩa những DN có tay nghề, chuyên môn, tài chính muốn hợp tác với DN khác.

 

Tái cấu trúc cũng là cách để các DN trong thời gian qua đi vay quá nhiều giảm bớt chi phí, hoặc tránh việc tập trung đa dạng hóa mà quên sản phẩm chính của mình là gì.

. Đa dạng hóa cũng là nhu cầu, thưa ông?

+ Tôi phát hiện có những DN trước đây họ rất thành công ở một sản phẩm. Nhưng sau đó thay vì tiếp tục đầu tư vốn vào lĩnh vực chính của mình thì DN này lại đầu tư quá lớn vào lĩnh vực khác. Điều đáng nói là hầu hết họ đầu tư vào lĩnh vực mà họ không am hiểu, chẳng hạn chạy theo bất động sản. Do đó, với những lĩnh vực không phải là lợi thế, tôi khuyên DN hãy cắt đi và tập trung vào thế mạnh của mình trước. Rất nhiều DN vẫn phát triển tốt do họ giữ đúng nguyên tắc về tập trung, không bị mất đi những thế mạnh.

Thêm một vấn đề của các DN hiện nay là năng lực tổ chức. Đừng chỉ nhìn thấy rủi ro, cũng đừng chỉ nhìn thấy cơ hội. Vì vậy, vấn đề tái cấu trúc là điều rất cần thiết ở mỗi DN lúc này.

. Thời gian qua, hàng loạt sản phẩm từ Trung Quốc thâm nhập vào thị trường nội địa, cần hỗ trợ DN ra sao để họ có sản phẩm thay thế?

+ Câu hỏi này rất chính xác. Một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là khi hội nhập, DN trong nước vẫn còn có những hạn chế về cạnh tranh. Bỏ hàng rào thuế quan thì hàng biên giới đi qua rất nhiều, nhất là nguyên liệu đầu vào và thiết bị của Trung Quốc. Nhiều DN trong nước đang tồn tại và phát triển nhờ nguồn nguyên liệu và thiết bị này vì giá rẻ hơn và DN cũng chưa tìm ra được thị trường thay thế nào rẻ hơn. Khi chúng ta đang còn những lệ thuộc vào một thị trường thì rõ ràng sẽ có những rủi ro. Tất nhiên chúng ta phải tôn trọng quy luật khách quan. Nếu nó rẻ, bền, có chất lượng thì ta phải chấp nhận.

Về căn cơ, để cải thiện tình hình này, cách tốt nhất Nhà nước nên có những chính sách về thuế, lãi suất, xúc tiến đầu tư để tạo điều kiện cho DN dần lớn lên, phát triển, thay đổi quy mô sản xuất và tìm thị trường mới thay thế.

. Xin cảm ơn ông.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai là một trong những nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc, nổi bật trong suốt hai thập niên - giai đoạn kinh tế đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập với kinh tế thế giới.

Ông từng là phó giám đốc Công ty Nước giải khát quận 3, chủ tịch HĐQT Công ty Nước giải khát Tribeco, Công ty SPco rồi Công ty Nước giải khát Quốc tế IBC trước khi trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương, là người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo khu vực tại một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Ông đã đưa Pepsi Việt Nam bốn lần liên tiếp giành hạng nhất của giải thưởng DMK - giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn PepsiCo toàn cầu...

Năm 2010, ông Phạm Phú Ngọc Trai nghỉ hưu sớm để chuyển sang công việc của một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp, lập ra Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC).

MAI PHƯƠNG thực hiện