Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Doanh nghiệp phải dám chấp nhận thay đổi

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



CôngThương - Thừa nhận những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô, song vẫn nhìn thẳng vào những tồn tại, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW- nhận xét: nền kinh tế vĩ mô tương đối ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại… Đặc biệt những khó khăn lớn vẫn còn tồn tại và chưa có giải pháp giải quyết hiệu quả như nợ xấu, bất động sản, đầu tư công… Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong khi các nước trong khu vực lại tăng trưởng nhanh hơn như Indonesia, Lào, Myamar. Không chỉ tụt hậu về mức độ tăng trưởng mà còn hết sức chậm cải cách điển hình mới đây diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam thứ 70 về năng lực cạnh tranh, nhưng riêng về thể chế chính sách chỉ xếp thứ 79.

Từ những thực tế khó khăn của nền kinh tế hiện nay hơn ai hết các CEO là những người luôn đứng trước yêu cầu của sự thay đổi, phải liên tục nhìn nhận vào ngành nghề kinh doanh của mình, có những ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả để tiết kiệm các chi phí, tạo ra được thị trường mới, tìm ra hướng đi mới và sáng tạo các quy tắc cạnh tranh để dẫn dắt DN thành công, ông Nguyễn Quân- Bộ Trưởng Bộ Khoa học và công nghệ- nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai- Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)- thực tế cho thấy sự bùng nổ công nghệ thông tin viễn thông, các Hiệp định thương mại quốc tế và quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi nền kinh tế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Khi môi trường kinh doanh thay đổi, chính sách nhà nước có những đổi mới thì chính bản thân DN phải đối mặt với những thách thức, tự chuyển mình đáp ứng được yêu cầu đó.

Dước góc độ doanh nghiệp, ông Lê Nam Trà- Giám đốc Mobifone Trung tâm II- cho rằng, giai đoạn khó khăn này quả là một thử thách thật sự đối với DN. Việc thay đổi cách suy nghĩ, cách làm trong điều kiện nền kinh tế phát triển ổn định đã là thách thức, thay đổi trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay thì thách thức còn lớn hơn nhiều. Câu chuyện thị trường không ổn định và thường xuyên thay đổi là điều đương nhiên và vì vậy đòi gỏi DN luôn phải tỉnh táo và có những dự đoán kịp thời về xu hướng của  người tiêu dùng và thị trường để từ đó thay đổi mình cho phù hợp. Với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận" chính DN sẽ là nguồn lực mạnh mẽ trong việc dẫn dắt sự thay đổi cục diện chung của nền kinh tế.

Theo baocongthuong.com.vn