Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Dám thay đổi - Dám gặt hái

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Vietnam CEO Forum 2013 là sự kiện thường niên lớn nhất của giới CEO Việt. Với chủ đề "Ceo 3.0: Dám thay đổi - Dám gặt hái", diễn đàn vừa diễn tại TP. Hồ Chí Minh, quy tụ hơn 800 CEO khắp cả nước.

Diễn đàn "Dám thay đổi - Dám gặt hái". Ảnh VGP/Lê Anh

Theo đánh giá của các diễn giả, sự thay đổi này là một cột mốc quan trọng trong tương lai doanh nghiệp. Nó có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chắp cánh cho doanh nghiệp vươn lên tầm cao mới, nhưng đồng thời, nó cũng ẩn chứa những rủi ro làm cho nhiều doanh nghiệp e ngại... Hơn ai hết, các Giám đốc điều hành (CEO) là những người luôn đứng trước yêu cầu của sự thay đổi.

Còn theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân thì đổi mới sáng tạo được cho là vấn đề sống còn của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập ngày càng sâu với thế giới. Các hiệp định thương mại sắp được ký kết với nhiều nước và đặc biệt là hiệp định TPP. Do đó các doanh nghiệp phải tự đổi mới mình nếu muốn cạnh tranh được khi chúng ta đã mở cửa, hội nhập.

Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho rằng: Rào cản lớn hiện nay là doanh nghiệp có dám thay đổi hay không. Bởi nếu việc thay đổi diễn ra trong thời điểm doanh nghiệp đang thành công, thì không ít doanh nghiệp không dám vượt qua cái bóng của thành công để thay đổi, nâng doanh nghiệp lên tầm cao hơn. Do vậy, để thay đổi, đòi hỏi bản lĩnh của lớn doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu.

Còn theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, khi "dám thay đổi" thì doanh nghiệp phải liên tục nhìn nhận vào ngành nghề kinh doanh của mình; phải tạo ra được thị trường mới, tìm ra hướng đi mới và sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Để làm được điều này thì chiến lược nguồn nhân lực đối với mỗi doanh nghiệp là rất quan trọng để dẫn dắt doanh nghiệp thành công. Đối với một doanh nghiệp lâu đời như Minh Long thì nguồn nhân lực luôn được đào tạo và có tính kế thừa.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập Toàn cầu, chia sẻ những lo lắng về chiến lược nguồn nhân lực trong xu thế hội nhập toàn cầu. Theo ông Trai, mặc dù Việt Nam nằm trong top 5 nước có giá lao động rẻ nhất thế giới, tuy nhiên khi Việt Nam thực hiện chính sách hội nhập và nguồn đầu tư nước ngoài đổ về càng nhiều thì nguồn lao động dồi dào và giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh nữa.

Đây là thách thức với các CEO Việt đối với vấn đề nhân sự, nhân công trong doanh nghiệp thời gian tới.

Lê Anh