Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Cử tri quan tâm theo dõi phiên thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015). Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của cử tri thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai về phiên thảo luận.

Tăng cường các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp 
 
Đánh giá về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thời gian qua, ôngNguyễn Tuấn Quỳnh, Phó Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Mặc dù thời gian qua những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước là rất cần thiết và phát huy được hiệu quả nhất định, nhưng vẫn không đủ để nền kinh tế trong nước vượt qua khó khăn, cũng như chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và kỳ vọng của doanh nghiệp. Theo đó, trong 10 tháng năm 2013, doanh nghiệp duy trì hoạt động trong tình trạng khó khăn, cụ thể là sức mua giảm sút, hàng tồn kho, ách tắc về tín dụng, lương và phúc lợi cho người lao động…
 
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh dự báo, trong giai đoạn tới, tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp và chậm khởi sắc, vì một số khó khăn khó có thể được giải quyết nhanh chóng và triệt để. Do đó, bên cạnh các nhiệm vụ và giải pháp được triển khai để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Nhà nước cần tăng cường và triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung nâng cao tính hiệu quả của những chính sách liên quan đến các vấn đề: Lãi suất, thuế hay hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với thị trường quốc tế, thương mại toàn cầu… Song song cùng chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm thích nghi với sự biến động của nền kinh tế. Ví dụ như thay đổi khả năng tư duy, phương thức hợp tác phù hợp xu thế mới; cải tiến bộ máy vận hành doanh nghiệp hướng đến phát triển lâu dài, bền vững; cơ cấu lại những ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả; tích cực tham gia và xây dựng vị trí trong chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết nhằm nâng cao tính cạnh tranh. 
 
Cử tri Trương Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đăng Đức, có trụ sở tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho rằng, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây cả nước đã có 200.000 doanh nghiệp phá sản là con số rất lớn. Chỉ có 21% số doanh nghiệp của cả nước có phát sinh nộp thuế là con số đáng báo động. "Sức khỏe" của các doanh nghiệp phản ánh sự mạnh hay yếu của nền kinh tế đất nước. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hết sức khó khăn. Về phương án hỗ trợ vay của Chính phủ thông qua ngân hàng với tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân, cử tri Trương Văn Đức đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu và điều chỉnh cơ chế để nâng tỷ lệ vay là 20% và 80% nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. 
 
Mặt khác, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo đặc thù ngành chứ không nên hỗ trợ phân tán và chung chung như hiện nay. Đối với những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, theo cử tri Trương Văn Đức nên tập trung vốn cho lĩnh vực này, bởi đây là nhóm doanh nghiệp đang cần vốn nhiều nhất để tái cấu trúc và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Bên cạnh, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng đầu tư của nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Cần quan tâm chất lượng nguồn nhân lực và cải cách tiền lương 
 
Đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu, cử tri Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) đánh giá: Việt Nam nằm trong số những nước có giá lao động rẻ nhất thế giới. Tuy nhiên khi thực hiện chính sách hội nhập, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều, nguồn lao động dồi dào và giá rẻ sẽ không còn là thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới. Mặt khác, hiện tại thị trường lao động tương đối phức tạp, vừa thừa lại vừa thiếu do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, nguồn lao động thừa do các nguyên nhân khách quan (khủng hoảng kinh tế, cắt giảm nhân sự…) hoặc đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, trong khi đó lại thiếu lực lượng lao động chuyên môn cao, đào tạo đúng ngành nghề. Vì vậy, các yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là vấn đề cần quan tâm và cấp thiết đối với nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi sự chuyển giao thế hệ, kế hoạch kế thừa, mở rộng quy mô, địa phương hóa nguồn lực… 
 
Trước thực trạng này, ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ, Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tích cực triển khai cải cách giáo dục toàn diện, chú trọng về chất và khâu hướng nghiệp; quy hoạch giáo dục hướng đến nguồn nhân lực đầu ra phù hợp với từng phân khúc nhu cầu; đầu tư, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; doanh nghiệp phát triển, bồi dưỡng và giữ chân nhân tài. 
 
Cử tri Võ Thành Dương, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 330, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong phiên thảo luận sáng 1/11, các đại biểu đã tập trung đặt các câu hỏi đúng trọng tâm và đề cập những vấn đề mà người dân, dư luận đang quan tâm. Trong đó, đại biểu tỉnh Yên Bái đã đặt vấn đề điều chỉnh và giảm thiểu tỷ lệ chênh lệch giữa các nhóm đối tượng hưởng lương hưu là rất cần thiết. Bởi thực tế, lương thời điểm hiện tại và những cán bộ nghỉ hưu trước cải cách tiền lương năm 1993 có sự chênh lệch cao, gây thiệt thòi cho người được hưởng lương. Ông Võ Thành Dương cho rằng, vấn đề cải cách tiền lương cần dành sự quan tâm đối với các đối tượng chính sách, đặc biệt là lực lượng thanh niên xung phong./. 
 
Mỹ Phương, Sỹ Tuyên