Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

Nhiều thách thức đang chờ doanh nghiệp

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



(TBKTSG Online) - Theo các doanh nghiệp, chuyên gia tại hội thảo "CEO 3.0 dám thay đổi, dám gặt hái" tổ chức ngày 30-10 tại TPHCM, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn cả trong nước và thế giới, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức và do vậy họ sẽ phải thay đổi để tiếp tục trụ vững và phát triển.

Khó khăn có thể kéo dài 2 năm tới

Có mặt tại Diễn đàn CEO năm 2013, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu tái cơ cấu trong 2 năm trở lại đây, nhưng đến nay, việc tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu trong tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể theo ông Doanh, tái cơ cấu cả nền kinh tế và doanh nghiệp nhà nước rất chậm, trong khi đó, ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nông dân gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng nông nghiệp giảm dần từ mức 3,3% xuống còn 2,81% trong 2013. Nợ xấu bất động sản, đầu tư công không có dấu hiệu giảm xuống, và khả năng những khó khăn còn ở phía trước.

Riêng với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, ông Doanh cho rằng cần có một chương trình tái cấu trúc riêng cho ngành này. Vì nông nghiệp là trụ đỡ, bảo vệ sự ổn định của kinh tế. Nhưng gần đây, ngành nông nghiệp lại đang gặp những vấn đề như hàng hóa sản xuất thừa ứ, sản xuất manh mún, không liên kết được nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng và nhà khoa học lại với nhau. Chính vì vậy, người nông dân thua lỗ.

“Điều quan trọng là nông dân và nông nghiệp đang gặp khó, cần tái cấu trúc và giúp đỡ. Chúng ta đầu tư nhưng chủ yếu vào thủy lợi và gần đây là thủy điện. Nhưng cần đầu tư vào chế biến sau thu hoạch, cần liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hiện nay, có một tín hiệu mới là Nhật Bản quyết định mở cửa thị trường nông nghiệp khi tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ đầu tư lớn vào nông nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường, vùng nguyên liệu. Đây là cơ hội lớn để nông nghiệp Việt Nam tiếp cận vốn, công nghệ… Các cơ quan quản lý cần nhận thấy rõ cơ hội này.

Nhìn về tình hình hiện tại, theo ông Doanh, Việt Nam đang đối diện với sự tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 13 năm qua, thu ngân sách hụt nghiêm trọng. “tình hình còn khó khăn trong 2 năm tới nếu chưa có những cải cách mạnh mẽ và hiệu quả”, ông Doanh dự báo.

Ông Doanh cho rằng, trong môi trường hiện nay, doanh nghiệp nên đánh giá đúng thực trạng khó khăn khách quan như trên để đưa ra những bước chuẩn bị cho chiến lược trong thời gian tới. Theo ông Doanh, doanh nghiệp cần quyết tâm và sáng tạo trong kinh doanh, có chiến lược phát huy mặt mạnh của mình và khai thác mặt yếu của đối thủ để tồn tại và phát triển.

Doanh nghiệp chuẩn bị cho sự thay đổi

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, Việt Nam vẫn đang trong quá trình hội nhập, đối mặt nhiều thách thức nhưng cũng chờ đón những cơn sóng mới. Chắc chắn trong môi trường mới, doanh nghiệp cần có những thay đổi thích nghi để thay đổi cho phù hợp. Việc chấp nhận thay đổi như một vấn đề tự nhiên mà doanh nghiệp cần làm.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1 cho  biết, do là một doanh nghiệp lâu năm trong ngành gốm sứ, trước đây chỉ xuất khẩu, từ năm 1996 Minh Long chuyển sang thị trường nội địa, chuyển sang dùng máy móc thiết bị để sản xuất hàng loạt. Dù được áp dụng công nghệ mới nhưng vẫn mang văn hóa Việt Nam khi có những hình ảnh thuần Việt. Minh Long luôn mang văn hóa Việt Nam nhưng người nước ngoài dễ dàng chấp nhận.

Còn ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát cho rằng việc chọn ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh là không thể không có, như chọn nước giải khát không có ga, có lợi sức khỏe, để có thể tiêu thụ được. Nếu dùng sản phẩm giống nhau thì phải cạnh tranh về giá, trong khi đối thủ lại rất mạnh. Sự khác biệt này đã khiến cho Tân Hiệp Phát có thể phát triển được.

Nhận diện bối cảnh trong nước, ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP) cho rằng dòng sản phẩm X Men của công ty đã phải thay đổi để phù hợp với thị trường. Ông Công cho rằng không ai có thể thấy được là mình sẽ đi thế nào, nhưng doanh nghiệp phải có những chuẩn bị cho những sự thay đổi của kinh tế vĩ mô và ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hòa, Tổng giám đốc Công ty Dây cáp Rồng Á Châu, việc thay đổi để thích ứng là cần thiết, nhưng không chỉ trong những bước đột phá quan trọng của doanh nghiệp mà trong từng hành động nhỏ như chuyện đổi đối tác để có cơ hội chọn được đối tác mới tốt hơn…

Một đại biểu tham dự hội thảo cho rằng trong thời gian tới khi tham gia TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập thì doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển, nhưng để cạnh tranh sẽ không dễ dàng. Bên cạnh đó, việc nâng trần bội chi, và tăng thu ngân sách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ đón nhận những thông tin đó và đưa ra những chiến lược để chuẩn bị cho sự thay đổi và thích nghi.

Các doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi nhưng lại có 60% doanh nghiệp thay đổi thất bại, ông Trai cho rằng một phần là do sự thiếu hiểu biết, và cần biết cách quản lý sự thay đổi.

 

Trong phần thảo luận về chủ đề: Quản trị nguồn nhân lực - nhân tài và hội nhập, các diễn gia và doanh nghiệp chia sẻ rằng thách thức với doanh nghiệp hiện nay là thiếu những người giỏi để cùng đồng hành.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn về lao động. Trong khi 9.461 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang thu hút 2,6 triệu người thì hơn 332.000 doanh nghiệp trong nước chỉ có hơn 8,3 triệu lao động. Tỷ lệ thay đổi công việc trong doanh nghiệp trong nước năm 2012 là 16%, trong khi doanh nghiệp FDI là 15%. Thống kê cho thấy, 68% doanh nghiệp có nhu cầu thường xuyên tuyển dụng lao động, 1/3 trong số đó là nhân sự cấp cao.

Ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất hàng gia dụng quốc tế (ICP) cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp luôn có ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường lại không có sẵn. Ví dụ như ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, doanh nghiệp cần người phụ trách kênh siêu thị, đó phải là người hiểu những tập đoàn bán lẻ sẽ có những bước đi như thế nào.

“Vậy nhưng, người Việt Nam lại không giỏi việc này. Vì vậy, chúng tôi phải dùng tư vấn bên ngoài hoặc thuê người nước ngoài”, ông Công chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, thách thức với Dược Hậu Giang trong bối cảnh kinh tế hội nhập, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định kinh tế thế giới và có sự trao đổi, chuyển dịch về lao động chính là sợ đội ngũ lãnh đạo hiện thời không theo kịp tình hình, không đủ kiến thức mới.

Minh Tâm