Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

"Hãy chuẩn bị và chứng tỏ thực lực"

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



Nhà quản trị Phạm Phú Ngọc Trai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, doanh nhân Cổ Gia Thọ, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà hoạt động xã hội Vũ Kim Hạnh đã có một cuộc trao đổi thân tình với hơn 800 sinh viên trường ĐH Tây Đô hôm 22.8. Phó hiệu trưởng nhà trường - TS Nguyễn Ngọc Minh nhận định: "Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu LBC đã chắp cánh cho sinh viên miền Tây nghĩ xa, tự tin hơn và biết nghĩ về cách nhập cuộc".

Không có nhà lãnh đạo hoàn hảo

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch LBC đặt vấn đề: "Mỗi năm có khoảng hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng khoảng 63% trong số đó không tìm được việc làm phù hợp trong năm đầu tiên. Vì sao vậy? Vì các bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Vậy bây giờ chúng ta phải chuẩn bị là vừa".

Thừa nhận mình kém may mắn vì phải bỏ học đi làm kinh doanh khi đang học cấp 3, ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch HĐQT công ty CP tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: "Quyết định là phải có hoài bão. Niềm đam mê, niềm tin vào chính mình sẽ dẫn đường cho các bạn đi đến thành công. Muốn thành công phải hết lòng với công việc mình chọn, chấp nhận hy sinh một số thú vui, chấp nhận rủi ro, không sợ thất bại. Sau những trải nghiệm, vượt qua sóng gió con người sẽ thấy trân trọng những gì mình đã trải qua".

"Tố chất quan trọng nhất đối với một doanh nhân trẻ là gì?" - sinh viên Võ Văn Phụng, lớp QTKD 6A, trường ĐH Tây Đô, hỏi: "Khi gặp khó khăn trong công việc, diễn giả đã làm cách nào để vượt qua?". "Khi đối mặt với những khó khăn, thậm chí thất bại, bạn hãy luôn giữ vững tinh thần, tỉnh táo tìm cách vượt qua, bí quyết của tôi là chia sẻ những khó khăn đó với người thân, bạn bè, gia đình, đối tác để tìm hướng đi", ông Thọ nói.

Hãy sống có trách nhiệm hơn và chứng tỏ thực lực

"Em muốn sau này ra trường sẽ lên Sài Gòn xin việc làm. Nhưng sinh viên miền Tây sao bằng sinh viên Sài Gòn, và trường tư sao bằng trường công. Liệu em có thể tìm được cơ hội nào không trên Sài Gòn?" - một bạn sinh viên hỏi ông Phạm Phú Ngọc Trai.

Ông Trai ôn tồn nói rằng: "Các bạn hãy chứng tỏ thực lực, hãy chứng tỏ mình là người có trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm về những chuyện mà mình đã làm. Đó là điều rất quan trọng". Ông Trai đưa ra lời khuyên: "Khi còn là sinh viên, trách nhiệm của các bạn là hãy học tập thật nghiêm túc, học cho mình chứ không đối phó. Hãy tham gia các hoạt động xã hội (Mùa hè xanh, Hiến máu nhân đạo,…). Đừng tự ái, tự ti mà hãy tự trọng".

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp gửi gắm trước một câu hỏi chân thành: bây giờ, tình hình chung là "nhất thân, nhì thế" em chẳng có gì hết, em băn khoăn về tương lai mình… Các bạn bây giờ con đường tương lai rộng mở hơn thế hệ tôi nhiều. Quả thực bây giờ vẫn còn các công ty hay tổ chức nhà nước chỉ tuyển sinh viên trường công nhưng nên nhớ, các công ty tư nhân, đa quốc gia… chỉ cần mình giỏi, mình phù hợp với nhu cầu công việc. Cố len vào cơ quan nhà nước để mà "sáng cắp ô đi tối cắp về", chắc các bạn cũng không mơ vậy?

Hãy tự tạo cơ hội

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ thêm: Các bạn nên chú ý thêm việc luôn luôn xây dựng mối quan hệ và hình ảnh của mình, một người trẻ năng động, quảng giao, tự tin và không ngần ngại thể hiện thực lực. Nhưng phải có thực lực. Tự tạo bằng cách đọc nhiều, đi nghe nhiều cuộc nói chuyện, tự làm những phân tích đối chiếu để có tích luỹ riêng. Và không chỉ kiến thức, còn phải tự rèn kỹ năng: diễn đạt, trình bày, giao tiếp. Nhà trường cũng nên tổ chức từng nhóm sinh viên và mời các doanh nhân đến trao đổi với các em về chuyện kinh doanh, thương trường. Hai bên cần nhau. Và hãy nhớ nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, khát vọng từ những việc làm nhỏ nhất, đời thường nhất để xây dựng ước mơ của mình", bà Hạnh nói.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu thì chia sẻ: "Thương trường cũng như chiến trường. 11 năm khoác áo lính, tôi có một kinh nghiệm riêng: hãy tiến chiếm mục tiêu nhưng với hiệu quả cao nhất, với cái giá phải "thương vong" ít nhất trên chiến trường. Trên thương trường, cần có chiến lược tầm nhìn xa và có thực lực để cạnh tranh. Cần biết nhìn toàn cục, nhưng cũng phải biết xác định những điểm mấu chốt để hành động…". Anh tâm sự, 85 triệu dân mà mỗi lần đi mua bản quyền sách chỉ dám thương lượng in đợt đầu một đôi nghìn, thật ngượng, nhưng tình hình đọc sách của ta nó vậy. Người ta ít đọc, và sinh viên thử xem lại các bạn… cũng ít đọc (hỏi bao nhiêu bạn đã đọc Philip Kotler, chỉ có… một bạn đưa tay). Nên kết luận lại, vẫn là chính các bạn tự chuẩn bị cho mình.

Đây là chương trình thứ ba của LBC trong kế hoạch hoạt động chính của năm 2013 là tiến hành chuỗi hoạt động "Doanh nghiệp dẫn đầu và thế hệ quản trị kế thừa" diễn ra tại các đại học của ba miền. Hai chương trình trước là miền Bắc (TP Hà Nội vào tháng 4.2013), Trung (TP Đà Nẵng vào cuối tháng 4.2013), Tây Nam bộ (TP Cần Thơ).

Ngọc Bích