Tổng hợp bài viết chuyên gia GIBC

Góc nhìn chuyên gia

“Mở ngoặc” cho Đà Nẵng

05-07-2014
Các vấn đề khác dưới góc nhìn của Ông Phạm Phú Ngọc Trai



(TBKTSG) - Câu chuyện Đà Nẵng gặp khó khăn về ngân sách là một thực tế, cũng giống như nhiều địa phương khác trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Một số quan điểm cho rằng tình trạng này là do chiến lược phát triển của Đà Nẵng quá lệ thuộc vào bất động sản. Một số khác lại nói không thể phủ nhận những thành công của mô hình Đà Nẵng. Và địa phương này chỉ cần điều chỉnh lại chiến lược dài hạn cho cân bằng hơn giữa các mục tiêu.

Thường xuyên đưa các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu việc đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Phạm Phú Ngọc Trai kể lại: “Tôi và nhiều người làm kinh doanh vẫn nói với nhau ước gì có nhiều địa phương như Đà Nẵng, bởi ít nhất đó là nơi làm được nhiều việc trong khi nhiều nơi không làm được. Sự mạnh dạn trong điều hành kinh tế ở đây đã tạo ra động lực và nếu dám quyết thì mới có cơ hội”, ông Trai nói.

Theo ông Trai, Đà Nẵng chỉ cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển trong đó cân bằng giữa các ngành nghề trong cơ cấu kinh tế, bên cạnh du lịch và bất động sản như thời gian qua thì Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững. 

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ về hạ tầng, phát triển mạnh du lịch và bất động sản. Hạ tầng đó đã làm thay đổi diện mạo của miền Trung và sự thực Đà Nẵng đã trở thành trọng điểm du lịch với hơn 16 ki lô mét đường biển tuyệt đẹp. Các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới như Park Hyatt, InterContinental... đã có mặt ở đây. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có môi trường đầu tư thuận lợi, nhanh gọn bậc nhất trong các tỉnh. Đó là thương hiệu của Đà Nẵng.

Vì Đà Nẵng đã không chú trọng các ngành khác đủ mạnh để cân bằng lại nên tỷ trọng nguồn lực cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản và du lịch đã bất cân đối với các ngành khác.

Ông Trai cho rằng không thể đổ lỗi cho quá khứ. Bất động sản giảm, ngân sách của Đà Nẵng sụt giảm kỷ lục nhưng nhìn về dài hạn giá trị đầu tư này không chỉ là chuyện phát triển 2-3 năm mà là sự đầu tư rất lâu dài cho nền kinh tế địa phương và khu vực lân cận. Không có hạ tầng tốt làm sao có nhà đầu tư, giá trị vô hình đem lại cho nhà đầu tư tương lai rất nhiều và chưa thể tính hết.

Theo một chuyên gia tài chính công đã và đang nghiên cứu về mô hình Đà Nẵng, trong khi rất nhiều địa phương vẫn chưa có chiến lược rõ ràng, thì Đà Nẵng đã có một nền tảng hạ tầng kinh tế và xã hội tốt để phát triển tiếp. Dù thu ngân sách của thành phố này vừa qua giảm mạnh do nguồn thu từ đất, nhưng đó chỉ là khó khăn trước mắt có thể điều chỉnh bằng sự đổi hướng chính sách phù hợp.

Ông này nói: “Bất động sản không phải tội đồ với câu chuyện Đà Nẵng, bởi cái tích cực ở đây là nguồn thu từ bất động sản được chuyển vào hạ tầng rất lớn trong khi nguồn thu từ đất ở các địa phương khác còn không rõ đi đâu”. Song, vì Đà Nẵng đã không chú trọng các ngành khác đủ mạnh để cân bằng lại nên tỷ trọng nguồn lực cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản và du lịch đã bất cân đối với các ngành khác. Chiến lược hướng vào du lịch không có gì sai, vấn đề chỉ là từ xưa đến nay Đà Nẵng chưa thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp nên việc đầu tiên là cần có chính sách đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo để nó theo kịp du lịch và hạ tầng.

“Định hướng rõ ràng lại sẽ là yếu tố quan trọng vì nếu không định hướng thì nó không được thẩm thấu qua chính sách. Vì thế cần “mở ngoặc” cho Đà Nẵng. Giờ đây anh có thể nói với nhà đầu tư rằng chiến lược của tôi là thu hút công nghệ cao và chế biến chế tạo chứ không chỉ là bất động sản và du lịch như trước”, ông này chia sẻ. Thông điệp này phải rõ ràng và mạnh mẽ.

Vấn đề lớn thứ hai trong chính sách của Đà Nẵng là phải thể hiện được vai trò trung tâm trong vùng. Các tỉnh xung quanh như Quảng Nam, Quảng Ngãi đều có hoạt động kinh tế tốt và thu hút được đầu tư nhưng sự kết nối với Đà Nẵng khá hạn chế. Vì vậy, cần sự tương tác mạnh hơn để Đà Nẵng có thể là trung tâm dịch vụ và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cho vùng.

Một phần hạn chế của các tỉnh miền Trung là sự chủ quan trong vấn đề điều hành kinh tế của các lãnh đạo địa phương hay việc doanh nghiệp ở tỉnh này thường khó đầu tư sang tỉnh khác. Ví dụ một hãng taxi ở Đà Nẵng mà ra đầu tư ở Huế thì người dân Huế cũng ít đi trong khi các tỉnh ĐBSCL gần như không có khoảng cách này. Chuyên gia này nói cần tiếp tục giữ vững định hướng đưa Đà Nẵng thành đầu tàu kéo miền Trung đi lên. Ông cũng cho rằng nguồn thu hụt không có nghĩa tài chính công của Đà Nẵng có vấn đề và sụp đổ. Biện pháp đầu tiên là phải cắt giảm mạnh chi tiêu trước khi chờ sự hỗ trợ của ngân sách trung ương cũng như gọi thêm vốn bằng trái phiếu chính quyền địa phương.

http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/102443/%E2%80%9CMo-ngoac